Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La (Bài cuối): Nếp sống văn minh tôn vinh người tốt, nhân rộng điều hay

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ năm, ngày 04/11/2021 13:27 PM (GMT+7)
“Để giúp đồng bào Mông xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, những năm qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung tuyên truyền, vận động, tạo điển hình và nhân rộng điển hình. Địa phương ưu tiên đầu tư nhiều dự án phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mai Sơn (Sơn La).
Bình luận 0

Clip: Bà Lò Lệ Thu, Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ Mai Sơn (tỉnh Sơn La) chia sẻ về những cách làm, phương pháp để xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin của người Mông.

Đây là một trong những giải pháp cốt lõi để giúp đồng bào người Mông trên địa bàn huyện Mai Sơn xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong tang ma, cưới xin; được bà Lò Lệ Thu, Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ Mai Sơn chia sẻ với PV Dân Việt.

Nhiều hủ tục cản trở sự phát triển của người Mông

Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ Mai Sơn thông tin: Đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mai Sơn có hơn 19.000 người, chiếm khoảng 11,7% dân số toàn huyện. Bà con dân tộc Mông sinh sống ở 22 xã, thị trấn trong huyện.

Cũng như đồng bào các dân tộc khác, đồng bào Mông có nhiều nét văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng cho huyện nhà. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, nhất là các nghi lễ trong việc tổ chức ma chay, cưới xin.

Trong ma chay, trước đây, theo phong tục của người Mông, người chết không được đưa vào áo quan ngay mà đặt vào cáng treo gian giữa của ngôi nhà. Việc để tang diễn ra từ 3-5 ngày, có trường hợp kéo dài 6 - 7 ngày, tùy thuộc vào thầy cúng chọn ngày tốt.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 4: Mai Sơn triển khai nhiều giải pháp xây dựng nếp sống văn minh - Ảnh 2.

Một bộ phận đồng bào Mông ở vùng cao Sơn La vẫn còn giữ hủ tục không cho người chết vào áo quan, làm ma lâu ngày, ăn uống linh đình tốn kém.... Ảnh: Na Nas.

Các thủ tục cúng, viếng rất rườm rà. Người viếng vào khóc thương rất lâu, sờ tay vào người chết… Mỗi đám tang gây tốn kém, lãng phí rất nhiều, bởi bà con mổ nhiều trâu, bò, lợn... lại ăn uống nhiều ngày. Những gia đình không có điều kiện phải bán ruộng đất hoặc vay nợ để tổ chức cho đúng tục lệ của dòng họ, bản làng, của thầy cúng và bà cô, ông cậu.

Theo bà Thu, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dẫn đến tình trạng nghèo và tái nghèo trong vùng đồng bào Mông.

Ngoài ra, khi chôn cất, người Mông không tuân thủ theo quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa của xã, bản mà theo tập quán lâu đời là lúc còn sống thích chỗ nào thì chọn và chỉ cho con cháu. Lúc chết cứ thế mà thực hiện. Người sống không dám làm sai ý định chọn chỗ đặt mộ trước đó của người đã chết. Bởi họ quan niệm, nếu làm không đúng, người mất sau khi chôn sẽ thành ma trở lại gây ốm đau, bệnh tật cho những người còn sống.

Những hủ tục này gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người xung quanh.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 4: Mai Sơn triển khai nhiều giải pháp xây dựng nếp sống văn minh - Ảnh 3.

Bà Lò Lệ Thu, Uỷ viên Ban Thường vụ huyện uỷ, Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ Mai Sơn trao đổi với PV Dân Việt. Ảnh: Tuệ Linh.

Bà Thu cho biết thêm: Trong việc cưới xin, người Mông vẫn còn một số hủ tục như kéo vợ (bắt vợ). Theo đó, nhà trai thích cô gái nào sẽ  bố trí cho thanh niên bản cùng người con trai của mình kéo cô gái đó về làm dâu. Tục kéo vợ (bắt vợ) này là theo ý thích của nhà trai; bất kể cô gái đó có đủ tuổi hay không, có đồng ý hay không... Từ đó, dẫn đến nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc ở các cặp vợ chồng người Mông.

Mặt khác, theo quan niệm của người Mông chỉ cần hai người không cùng họ là có thể kết hôn được, do hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra giữa con cô, con cậu.

Hậu quả là nhiều người phải làm bố, làm mẹ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới; chưa đủ thể chất, kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc làm mẹ, làm cha. Từ đó, sinh ra những đứa trẻ không được khỏe mạnh cả về thể chất và trí tuệ cũng như khó có được những điều kiện chăm sóc tốt nhất bởi bố, mẹ chưa đủ sự chín chắn hoặc chưa đủ tuổi sinh sản...

Xây dựng nếp sống văn minh, tôn vinh người tốt, nhân rộng điều hay

Theo Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ Mai Sơn, ngay sau khi có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, huyện Mai Sơn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền các nội dung về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang vào quy ước, hương ước của các bản, tiểu khu; đưa các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 4: Mai Sơn triển khai nhiều giải pháp xây dựng nếp sống văn minh - Ảnh 4.

Ban quản lý bản Rừng Thông (Mường Bon, Mai Sơn, Sơn La) tuyên truyền người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Huyện đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin, tuyên truyền về nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới thông qua các bài phóng sự, chuyên mục, các hình thức tuyên truyền trực quan, lồng ghép trong các chương trình văn nghệ, hội thi hoặc các buổi chiếu phim lưu động.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội các cấp phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động cho các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Nhất là thực hiện tốt nội dung cam kết "5 có, 5 không" trong đồng bào Mông.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện về thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc cưới, việc tang đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, quy ước, hương ước của địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 4: Mai Sơn triển khai nhiều giải pháp xây dựng nếp sống văn minh - Ảnh 5.

Không chỉ tiên phong trong việc đưa người mất vào quan tài, đảng viên trẻ Giàng A Dạy ở bản Rừng Thông còn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăn nuôi bò Lai Sind để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp trong vùng đồng dân tộc Mông.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đời sống của đồng bào Mông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hủ tục trong ma chay, cưới xin được xóa bỏ, cải tiến theo hướng văn minh, tiến bộ, điển hình như đồng bào Mông ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon; bản Sơn Tra, xã Nà Bó…

Xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, nhiều con em được học hành đến nơi đến chốn, thi đỗ vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 4: Mai Sơn triển khai nhiều giải pháp xây dựng nếp sống văn minh - Ảnh 6.

Huyện Mai Sơn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp bà con đồng bào Mông thuận tiện vận chuyển nông sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: Tuệ Linh.

Nhiều người trở về quê hương tham gia công tác ở các cơ quan, đơn vị, các xã, bản, tiểu khu; nhiều dòng họ có ý thức xây dựng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng cộng đồng bản ổn định, hòa thuận, dân chủ, cùng góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện.

Xoá bỏ hủ tục lạc hậu-hành trình còn gian nan

Bà Lò Lệ Thu, Trưởng Ban Dân vận huyện uỷ Mai Sơn chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xóa bỏ những hủ tục trong ma chay, cưới xin và xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào Mông theo hướng văn minh, tiến bộ cùng còn gặp không ít những khó khăn.

Bởi, theo quan niệm "phép vua thua lệ làng", những hủ tục có từ lâu đời vốn đã ăn sâu trong suy nghĩ, thói quen của đồng bào Mông từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để thay đổi và xoá bỏ hoàn toàn cần có thời gian, lộ trình cụ thể, chứ không thể một sớm một chiều được.

Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết và thực hiện phương châm "mưa dầm thấm lâu".

Mặt khác, việc xử lý vi phạm các quy ước, hương ước đối với người dân cũng còn nhiều bất cập, chưa có chế tài cụ thể dẫn đến việc chấp hành hương ước, quy ước chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, đồng bào Mông chủ yếu sinh sống vùng núi cao nên giao thông đi đến các bản Mông ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa được cứng hóa; đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế…

Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Theo bà Thu, để thực hiện có hiệu quả việc xóa bỏ những hủ tục trong ma chay, cưới xin trong đồng bào dân tộc Mông, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc nêu gương tuyên truyền, vận động cho người dân.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu đi đầu trong công tác, lối sống, nói phải đi đôi với làm để quần chúng nhìn vào đó noi theo.

"Thực tế đã chứng minh, ở đâu chính quyền quan tâm sâu sắc đến đời sống người dân, trọng dân, gần dân, sát dân; cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong mọi việc; thì ở đó luôn nhận được sự đồng thuận, tin tưởng của người dân, nhất là đồng bào Mông.

Vì vậy, muốn tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu trong việc ma chay, việc cưới có hiệu quả thì mỗi cán bộ, đảng viên; nhất là cán bộ, đảng viên người Mông phải tiên phong thực hiện trước để làm gương. Có như vậy mới thuyết phục được bà con tin tưởng và làm theo", bà Thu nhấn mạnh.

Bà Thu lấy ví dụ: Điển hình như cách làm của đồng chí Giàng A Sáng, Bí thư Chi bộ bản Rừng Thông; đảng viên trẻ Giàng A Dạy, Bí thư Chi đoàn bản Rừng Thông của xã Mường Bon và nhiều cán bộ, đảng viên ở cơ sở khác nữa.

Họ đều là những "hạt nhân" trong việc gương mẫu, tiên phong, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động bà con người Mông xoá bỏ hủ tục lạc hậu, không nghe theo lời kẻ xấu, không tin theo tà đạo, hướng đến việc xây dựng nếp sống mới văn minh.

Ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án cho vùng đồng bào Mông

Nói về giải pháp cốt lõi của huyện Mai Sơn trong thời gian tới, theo bà Thu, song sóng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng điển hình và nhân rộng điển hình; huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có đồng bào dân tộc Mông.

Một khi thu nhập của bà con được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên thì việc tuyên truyền, vận động người dân xoá bỏ những hủ tục trong tang ma, cưới xin hướng đến việc xây dựng nếp sống văn minh sẽ có hiệu quả cao hơn.

Nếu như đồng bào vẫn còn nghèo khổ, trình độ dân trí hạn chế, không được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thì cho dù chúng ta có tuyên truyền, vận động mạnh đến đâu, hiệu quả sẽ không cao.

Song song với đó, cần tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.

"Tổ chức sưu tầm, kiểm kê các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Mông, như:  Nghề thủ công dệt vải, thổi khèn, lễ cầu mùa, lễ cúng cơm mới…

Định hướng và vận động cộng đồng Mông gắn với việc giữ gìn, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Đây cũng chính là một trong những chủ trương, một đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mai Sơn trong nhiệm kỳ 2020 – 2025", bà Thu thông tin thêm.

Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực của huyện Mai Sơn trong những năm qua, đến nay nhiều hủ tục lạc hậu trong cộng đồng người Mông đã dần được xóa bỏ: Lễ tang tổ chức ngắn ngày, thủ tục cũng được cắt giảm, cải tiến; người chết được đưa vào trong áo quan, không mổ nhiều trâu bò, chôn cất đúng theo nghĩa trang được quy hoạch...

Không ít câu chuyện buồn trong việc cưới xin: Hủ tục bắt vợ, thách cưới giá cao, hôn nhân cận huyết, tảo hôn... ở Mai Sơn đang trở thành chuyện thời quá khứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem