Cua đá ăn với lá rừng: Đặc sản Nghệ An, giá đắt mà có tiền cũng chưa chắc đã mua được

Hà Thủy Thứ ba, ngày 16/08/2022 06:52 AM (GMT+7)
Trời mưa, khi các khe suối có nguồn nước mới cũng là lúc hàng trăm con cua đá bò ra kiếm thức ăn. Đây cũng là thời điểm người dân xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) "đội mưa", mò mẫm từng hốc đá để săn cua đá. Cua đá không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 8 khi những cơn mưa tràn xuống, mang theo nguồn thức ăn phong phú cũng là lúc cua đá bò ra khỏi hang để kiếm thức ăn.

Nằm đói lâu ngày nên mỗi khi có cơn mưa là đàn cua lại xuất hiện một cách đông đảo lạ thường. 

Khi cơn mưa trắng trời bao phủ bản Đồng Thờ - Đồng Kho xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cũng chính là lúc thợ săn cua Nguyễn Văn Trung (31 tuổi) người dân bản Đồng Thờ- Đồng Kho đi ủng, đội đèn soi lên đường đi săn cua đá.

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 1.

Khi những cơn mưa ập xuống, nước mưa mang theo nguồn thức ăn phong phú, cũng là lúc đàn cua đá bò ra khỏi hang để kiếm thức ăn. Ảnh: Hà Thủy

Trời tối, anh Trung men theo đường mòn, hướng về phía con suối nơi rừng xa trước mặt. Sau khoảng 1h đồng hồ đi bộ, anh Trung đã tới con suối nơi bìa rừng, địa điểm săn cua đá. Trời đang mưa, nước đầu nguồn đổ về khá nhiều.

Theo anh Trung mưa xuống nước chảy sẽ mang theo nguồn thức ăn dồi dào, khiến cho những con cua đói đã lâu ngày sẽ bò ra kiếm ăn. Cua đá rất tinh, thấy ánh sáng là lủi mất ngay, do vậy đòi hỏi người đi săn phải nhanh tay.

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 3.

Cua đá rất tinh, chỉ cần thấy ánh sáng là chui xuống hang đá ngay. Do vậy người đòi hỏi người bắt phải nhanh tay. Ảnh: Hà Thủy.

Cũng theo anh Trung, màu nước đục sẽ khiến người đi săn khó thấy cua hơn. Cua đá có đặc điểm to hơn cua đồng, chúng có thể đổi màu theo màu nước, đặc biệt có đôi càng rất khỏe và cứng.

Vừa lật phiến đá lên Trung vừa nói: "Có những con cua "già rơ" to bằng bàn tay, màu đen kịt có đôi càng khỏe kẹp chảy cả máu tay. Nhiều lần bắt bị cua cắp, nhưng vẫn phải nghiến răng chịu đựng vì con cua này thịt nó ngon hơn, mình phải chịu đau một tí".

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 4.

Cua đá có càng to khỏe, có thể cắp đứt tay người bắt nếu sơ hở. Ảnh: Hà Thủy

Theo anh Trung, người săn cua cũng có nhiều rủi ro, trời mưa thường phải dầm mưa, chân ngâm nước, việc dùng tay không móc vào các hốc đá dễ gặp phải rắn, rết, những mảnh đá sắc nhọn cứa đứt tay chảy máu.

"Có nhiều cách săn cua đá, vào mùa nước cạn để có cua ăn, người dân thường dùng mắm tôm đi rắc xuống các vũng nước ở suối. Mùi mắm tôm sẽ khiến cua bò ra nhanh hơn", anh Trung nói.

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 5.

Cua đá to hơn cua đồng, có thể tự thay đổi màu sắc để thích nghi với môi trường sống. Ảnh: Hà Thủy

Sau gần 2h đồng hồ dầm mưa, chiến lợi phẩm của Trung là túi cua đá to bự. Theo anh Trung trước đây người dân đua nhau đi săn cua đá, nhưng hiện nay có của ăn của để, săn cua đá phải "dầm mưa, dãi nắng", nên số lượng người đi săn cua đá cũng ngày một ít đi. Đối với Trung, những ngày mưa bản thân không đi làm keo tràm được nên tranh thủ đi săn cua về làm thức ăn, ngoài ra nếu được nhiều thì bán.

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 6.

Giá cua đá dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy theo loại to hay nhỏ

"Người dân soi cua về chủ yếu làm mồi nhậu hoặc gửi cho con cháu đi học hay làm quà biếu. Nếu được nhiều đem bán thì giá cũng từ 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy theo loại to hay nhỏ. Mùa mưa này nhiều thương lái hay vào bản đặt hàng cua đá. Bắt được nhiều gọi điện họ đến tận nhà lấy ngay. Ngày được ít thì 2 – 3kg, nhiều được 5 - 6kg tính ra đem bán cũng được vài trăm nghìn đồng, bằng tiền công một ngày làm keo tràm", anh Trung nói.

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 7.

Cua đá thường được đặt hàng để đi làm quà biếu. Ảnh: Hà Thủy

Mưa gió, lên suối săn con tám cẳng hai càng bỏ túi tiền triệu  - Ảnh 8.

Cua đá ăn côn trùng và lá rừng nên thịt cua ngon, ngọt, chắc có vị hấp dẫn riêng. Cua đá thường được rang muối, nướng, hấp bia hấp sả, nấu canh riêu... Ảnh: Hà Thủy

Cua đá phải được rửa sạch trước khi chế biến thành món ăn. Thông thường cua được rang muối, nướng, hấp bia hấp sả, nấu canh riêu… người dân trong bản còn làm món chẻo cua để ăn với rau, măng hoặc chấm xôi. Do cua đá ăn côn trùng và lá rừng nên thịt cua ngon, ngọt, chắc có vị hấp dẫn riêng. Người dân nơi đây hay ăn cua với các loại rau rừng cho đỡ ngấy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem