dd/mm/yyyy

Củ cải sản xuất an toàn vẫn loay hoay “đầu ra”

Canh tác 4 vụ củ cải/năm, người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) thu được khoảng 800 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, mặc dù củ cải sản xuất theo phương pháp hữu cơ song chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối của Hà Nội, rất ít sản phẩm được các siêu thị thu mua.

Việc tìm đầu ra cho củ cải đang là bài toán cho chính quyền, HTX và người dân xã Tráng Việt.

Tăng giá trị nhờ trồng rau an toàn

Về xã Tráng Việt, chúng tôi ngỡ ngàng trước những cánh đồng trồng rau củ cải xanh ngút kéo dài ra tận bờ sông, đang trong thời kỳ thu hoạch. Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, cho biết: "Vùng sản xuất rau tập trung của HTX hiện đạt gần 200ha, trong đó có 134,68ha rau an toàn và 5ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của bà con ở đây là củ cải trắng, giống Hàn Quốc".

Củ cải sản xuất an toàn vẫn loay hoay “đầu ra” - Ảnh 1.

Nông dân thôn Đông Cao kiểm tra ruộng trồng củ cải trắng. Ảnh: N.T

Ông Đàm Văn Đua cho biết, mỗi ngày vùng sản xuất rau tập trung của HTX tiêu thụ 300 - 500 tấn củ cải; thị trường là các chợ đầu mối và các tỉnh, thành lân cận như Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang. Theo thống kê, năm 2019, sản phẩm của bà con tiêu thụ chỉ chiếm 20% trên thị trường rau của Hà Nội.

Được phù sa sông Hồng bồi đắp, đất đai tại xã Tráng Việt nói chung, thôn Đông Cao nói riêng, rất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng rau màu, cộng với bản tính cần cù yêu lao động của người dân nơi đây, rau đã không phụ công người chăm sóc.

"Nhưng với tư duy canh tác trước đây, chỉ lấy sức lao động là chủ yếu, hơn nữa việc trông chờ vào "mưa thuận, gió hòa" từ thiên nhiên mang lại, nên cuộc sống của người dân ở đây không có gì khá giả, thậm chí để đủ sống cũng đã là cả một vấn đề. Bây giờ trồng củ cải theo phương pháp an toàn, năng suất đạt cao, thu lợi nhuận cao hơn trồng các loại rau màu khác rất nhiều" - ông Đua cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Biên (ở khu 2, thôn Đông Cao), từ khi lựa chọn được cây củ cải, với giống được nhập từ nước ngoài, gặp được đất đai và khí hậu thuận lợi, củ cải phát triển cho năng suất và chất lượng rất cao. Nhưng để gia tăng giá trị kinh tế, xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao phải trồng theo phương pháp an toàn.

Theo tính toán của ông Đàm Văn Đua, nếu một năm canh tác 4 vụ trồng củ cải, xã viên HTX Đông Cao thu hoạch 37.000 - 40.000 tấn củ cải, thu nhập 800 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác.

Tiến tới xây dựng thương hiệu củ cải trắng

Những năm trước đây, có thời điểm nông dân trồng củ cải ở Tráng Việt phải nhổ bỏ hàng tấn củ cải đem xếp lên bờ ruộng để cho gia súc ăn, nhiều cơ quan báo chí vào cuộc và kêu gọi người dân nhiều địa phương "giải cứu củ cải" cho bà con. Theo ông Đua, nguyên nhân củ cải phải nhổ bỏ khi đến thời điểm thu hoạch mà không có thương lái đến thu mua, đó là người dân canh tác quá nhiều, mỗi năm chỉ canh tác khoảng 4 vụ, nhưng do thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cao nên đã trồng thêm 1 vụ nữa, dẫn đến hiện tượng củ cải bỏ đầy trên ruộng do cung vượt quá cầu.

Tuy nhiên, mặc dù củ cải có chất lượng rất cao, sản lượng khá lớn nhưng vẫn chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối của thủ đô Hà Nội, ít được các siêu thị bày bán.

Trao đổi về việc tìm đầu ra cho củ cải trắng của người dân Tráng Việt, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết: "UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chức năng tham mưu cho lãnh đạo huyện trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương nói chung và củ cải nói riêng. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc củ cải, xây dựng thương hiệu củ cải trắng. Công việc tìm đầu ra mới chỉ dừng lại ở đó, sắp tới sẽ phải triển khai quyết liệt để bảo đảm sản phẩm nông nghiệp của nông dân có địa chỉ tiêu thụ".

Theo ông Tuấn, củ cải trắng trồng tại đây rất ngon, củ to, chắc, trắng, nhưng với sản lượng lớn như vậy mà thị trường tiêu thụ chỉ là những chợ thu mua nông sản đầu mối của Thủ đô và một số tỉnh, thành lân cận là chưa đủ.

Tìm thị trường tiêu thụ đang là bài toán cho chính quyền, HTX và người dân nơi đây. Sẽ không khó nếu sản phẩm được xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt là kênh phân phối được mở rộng. Có như vậy, nông dân trồng củ cải trắng nói chung và các loại sản phẩm nông nghiệp nói riêng sẽ không còn lo việc phải "giải cứu". 

Ngọc Thủy