CSGT siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn đã thay đổi thói quen "ăn nhậu" của người dân ra sao? (Bài 1)

Thế Anh Thứ ba, ngày 25/04/2023 06:50 AM (GMT+7)
Kể từ khi Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an siết chặt kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn đã làm thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Bình luận 0

Thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dự luận.

Trong thời gian vừa qua, lực lượng CSGT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên ngành thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, giảm trên nhiều mặt.

Việc các lực lượng chức năng liên ngành tăng cường tuần tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nồng độ cồn đang từng bước tạo ra ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia.

Bài 1: Sợ uống bia vì bị thổi nồng độ cồn, tài xế "tiết lộ" điều gì? - Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Ngọc Hải

Số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho thấy, trong quý I/2023, cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

Trong quý I/2023, toàn quốc đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn, làm chết 20 người và bị thương 43 người, so với cùng kỳ đã giảm 70 vụ, giảm 60 người chết và giảm 30 người bị thương.

Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên. Tại nhiều địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông dừng, kiểm tra vài trăm xe mới phát hiện được 1 đến 2 trường hợp vi phạm.

Nói về những thay đổi tích cực của việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng, trao đổi với PV Dân Việt, anh Vũ Đình Hoan, tài xế taxi công nghệ cho biết: "Kể từ khi Cảnh sát giao thông toàn quốc mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, ý thức của các lái xe cũng được nâng cao hơn".

"Ý thức của tài xế trong việc sử dụng rượu bia cũng đã được thay đổi thói quen đi rất nhiều", anh Hoan khẳng định.

Theo anh Hoan, đã có nhiều lái xe bỏ thói quen uống rượu bia hằng ngày, sức khỏe được nâng cao và tránh được nhiều vụ tai nạn không đáng có khi tham gia giao thông. Cùng với đó, người dân cũng đang hình thành ý thức về việc không tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, khi chế tài xử phạt vi phạm này rất nghiêm và nặng.

Anh Hoan cho biết: "Trước đây, anh em trong đội của chúng tôi vào mỗi buổi chiều tối vẫn có những buổi sinh hoạt bằng bia hơi, nhưng việc này đã được bỏ. Sau khi không tụ tập uống bia, chúng tôi cũng đỡ tốn kém đi 1 khoản chi phí cho việc uống rượu bia".

Bài 1: Sợ uống bia vì bị thổi nồng độ cồn, tài xế "tiết lộ" điều gì? - Ảnh 2.

Ông Phạm Long Biên, bảo vệ một nhà hàng bia trên đường Nguyễn Khuyến, Hà Đông. Ảnh: TA

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Long Biên, bảo vệ một nhà hàng bia trên đường Nguyễn Khuyến, Hà Đông cho biết: "Kể từ khi lực lượng CSGT xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã làm thay đổi thói quen uống rượu bia của hành khách".

Ông Biên cho hay: "Hiện nay, khách đến quán chủ yếu là những khách ở gần và khách có người thân đi cùng để sau khi uống rượu bia sẽ có người chở về nhà. Những hành khách khác sau khi uống rượu bia sẽ chủ động nhờ nhà hàng gọi Grab hoặc taxi để chở về".

"Việc khách chủ động bằng phương tiện công cộng, taxi, Grab cũng giúp nhà hàng giảm đi nỗi lo tìm chỗ đỗ xe cho hành khách", ông Biên cho hay.

Mặc dù, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã làm thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của tài xế, nhưng vẫn có một bộ phận người dân không những không tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, mà còn có hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ.

Bài 1: Sợ uống bia vì bị thổi nồng độ cồn, tài xế "tiết lộ" điều gì? - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Vũ Khoa

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ Cảnh sát giao thông bị thương. Lực lượng chức năng đã trực tiếp, phối hợp bắt giữ 29 đối tượng để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Điều đáng nói, có đến hơn 50% vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra khi tài xế kiểm tra nồng độ cồn.

Trong đó, tại Hà Nội xảy ra 4 vụ, TP Hồ Chí Minh xảy ra 3 vụ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Định, Tuyên Quang mỗi tỉnh xảy ra 2 vụ. Các tỉnh Hưng Yên, Lào Cai, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Hải Dương, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Sơn La, Quảng Bình mỗi tỉnh xảy ra 1 vụ. Riêng trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai do Cục Cảnh sát giao thông quản lý xảy ra 1 vụ.

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tài xế sử dụng rượu bia sẽ dẫn đến việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp vi phạm có hành vi cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn khi bị yêu cầu kiểm tra, xử lý; gây khó khăn cho lực lượng chức năng và mất nhiều thời gian mới xử lý được một trường hợp.

Chính vì vậy, trong thời gian tới Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra nồng độ cồn.  Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với công an các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp chống người thi hành công vụ ở mức độ nghiêm khắc nhất để răn đe các đối tượng phạm tội.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, "cơi nới" thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…

Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem