Chuyện lạ miền Tây: Lần đầu tiên nước mặn về muộn, nông dân phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 01/03/2023 14:33 PM (GMT+7)
Người dân vùng nuôi tôm quảng canh huyện An Biên và huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho biết, năm nay xuất hiện chuyện lạ là lần đầu tiên nước mặn về muộn 1 tháng. Tình trạng này khiến kế hoạch thả tôm giống nuôi vụ mới phải lùi lại.
Bình luận 0

"Năm nay, nước mặn về muộn 1 tháng" - ông Lê Văn Tâm ở ấp Lô 3, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thông tin với phóng viên Dân Việt. 

Chuyện lạ ở miền Tây: Lần đầu tiên nước mặn về muộn, nông dân phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tâm ở ấp Lô 3, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thông tin về việc nước mặn về muộn 1 tháng. Ảnh: Huỳnh Xây

Lần đầu tiên nước mặn về muộn, nông dân huyện An Biên và huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm. Video: Huỳnh Xây

Theo ông Tâm, năm nay ông đã 71 tuổi và đây là lần đầu tiên thấy nước mặn về muộn. Tình trạng này khiến kế hoạch thả tôm giống nuôi vụ mới phải dời lại 1 tháng.

"Những năm trước, trước Tết Nguyên đán vài ngày, đã có nước mặn đi từ biển vào sông Cái Lớn, theo đó người dân nuôi tôm như tôi lấy nguồn nước đó dẫn vào bên trong ao và bắt đầu thả tôm giống nuôi ngay sau Tết" - ông Tâm nói.

Ông Tâm nói tiếp: "Còn năm nay, nước mặn về muộn nên tôi mới thả tôm giống nuôi gần đây. Tôi nuôi tôm theo hình thức quảng canh nên chỉ thả 10.000 con tôm sú giống và 30.000 con con tôm càng xanh giống".

Chuyện lạ ở miền Tây: Lần đầu tiên nước mặn về muộn, nông dân phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm - Ảnh 3.

Theo ông Tâm, năm nay ông đã 71 tuổi và đây là lần đầu tiên thấy nước mặn về muộn. Tình trạng này khiến kế hoạch thả tôm giống nuôi vụ mới phải dời lại 1 tháng. Ảnh: Huỳnh Xây

Cũng theo ông Tâm, khu vực ông sống là vùng chuyên nuôi tôm quảng canh và lệ thuộc phần lớn vào nguồn nước mặn từ sông Cái Lớn. Năm nay, sau Tết Nguyên đán, nước mặn không về khiến các hộ dân trong xã lo lắng nhưng rất may là gần cuối tháng 2 dương lịch, nước mặn về.

Theo ông Tâm đo được, hiện nay, có thời điểm nước dưới sông Cái Lớn mặn 10‰, trong ao nuôi tôm mặn khoảng 5‰.

Đến ấp Cái Nước, xã Đông Yên, huyện An Biên, phóng viên gặp được anh Nguyễn Văn Trưng khi anh đang đi thăm ao chuẩn bị thả tôm giống nuôi.

Chuyện lạ ở miền Tây: Lần đầu tiên nước mặn về muộn, nông dân phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Trưng ấp Cái Nước, xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thông tin về việc nước mặn về muộn 1 tháng so với các năm trước. Ảnh: Huỳnh Xây

Anh Trưng chia sẻ, cũng như anh, nhiều hộ dân khác ở địa phương cũng chưa thả tôm giống nuôi do nước mặn về muộn.

"Không hiểu sao nước mặn về muộn 1 tháng so với những năm trước. Bây giờ nước mặn đã về nên sắp tới tôi sẽ thả tôm và cua nuôi" - anh Trưng nói.

Theo anh Trưng, năm 2022 vừa qua, do thời tiết thay đổi thất thường, cua và tôm của anh nuôi không có lời.

Cũng như ông Tâm và anh Trưng, anh Huỳnh Kim Lý ở ấp Hả Vàm, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cho hay, khá bất ngờ trước việc nước mặn về muộn 1 tháng. 

Chuyện lạ ở miền Tây: Lần đầu tiên nước mặn về muộn, nông dân phải thay đổi kế hoạch nuôi tôm - Ảnh 5.

Vùng nuôi tôm quảng canh huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

"Những năm trước, trước Tết Nguyên đán đã có nước mặn từ biển chảy vào sông Cái Lớn nên qua Tết, từ mùng 4, mùng 5 là người dân chúng tôi bắt đầu thả tôm giống nuôi. Tuy nhiên, năm nay, nước mặn về muộn hơn 1 tháng" - anh Lý nói.

Theo anh Lý, do nước mặn về muộn nên đến nay, chưa thấy các loại thức ăn phục vụ cho tôm xuất hiện như ốc gạo (dạng con nhỏ) và trùn chỉ. Được biết, anh Lý có 4ha diện tích nuôi tôm. Năm 2022 vừa qua, anh nuôi tôm không có lời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem