Chuyên gia hiến kế giúp công nhân, lao động nghèo đang "đứng bên bờ vực" vì "bão giá"

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 18/03/2022 13:00 PM (GMT+7)
Tác động từ dịch Covid-19 chưa nguôi, giờ đây hàng triệu người lao động, đặc biệt lao động nghèo đang phải gồng mình hứng chịu cơn "bão giá". Nhiều chuyên gia lao động đã hiến kế cho Chính phủ giúp người lao động nghèo vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này.
Bình luận 0

Nên có hỗ trợ gián tiếp cho công nhân, lao động nghèo vượt "bão giá"

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn chồng chất khó khăn trong thời gian qua mà người lao động đang phải đối mặt sau tác động của dịch Covid-19 và bão giá

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Hương cho rằng cần tăng cường các chính sách hỗ trợ người lao động. Hiện nay, Chính phủ đã tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ người lao động trong Đề án phục hồi kinh tế xã hội. Trong đó có một số giải pháp như: Hỗ trợ tiền nhà trọ; hỗ trợ học nghề... tuy nhiên cần tính toán kỹ. Theo tôi, không nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, chỉ nên hỗ trợ gián tiếp. Có thể hỗ trợ tiền điện, nước, tiền phí sinh hoạt.

bão giá

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng cần có chính sách hỗ trợ gián tiếp thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Ảnh: N.T

Việc hỗ trợ tiền nhà trọ có thể phản tác dụng, vì rất khó phát hiện ra lao động nào thuê trọ, lao động nào không thuê trọ. Hơn nữa nếu làm không cẩn thận thì có thể tạo điều kiện để một số đối tượng trục lợi. Tất cả cách chính sách hỗ trợ không nên chỉ để địa phương thực hiện, cần phối hợp với doanh nghiệp, công đoàn thực hiện, có giám sát. Đặc biệt cần làm nhanh, làm gấp để sớm đưa lao động quay trở lại thị trường lao động.

"Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cũng cần cân đối tính toán hỗ trợ cả lao động chính thức và phi chính thức. Việc thực hiện cần được cụ thể hóa, chỉ đích danh đơn vị thực hiện để tăng hiệu quả chương trình hỗ trợ", bà Hương nói.

Cần giải pháp toàn diện kiểm soát lạm phát

Bên cạnh việc đồng tình với những gợi ý của bà Hương, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội còn cho rằng để kiểm soát lạm phát, hạ "bão giá" cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó có cả nhóm giải pháp vĩ mô và vi mô.

bão giá

Ông Bùi Sũy Lợi cho rằng cần tăng chính sách vĩ mô kiểm soát lạm phát giúp người nghèo vượt qua bão giá. Ảnh: I.T

Về vĩ mô, Nhà nước cần phải tính toán bình ổn giá. Khi mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh sẽ tác động tới đời sống công nhân, lao động. Ở tầm vi mô nên chú trọng tới giải pháp ở góc độ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tạo điều kiện lao động tiếp cận với chính sách an sinh xã hội cơ bản như nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... gắn với các chính sách tiền lương, tạo việc làm bền vững cho lao động.

"Đặc biệt cần tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát chống đầu cơ, tích trữ, nâng giá mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, kit test, thực phẩm... phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, chính quyền địa phương để thông qua chính sách đó để hỗ trợ công nhân, lao động. Với lao động phi chính thức, bài toán vẫn là kiểm soát lạm phát, bình ổn giá. Làm được vậy, đời sống người dân sẽ ít chịu tác động", ông Lợi chia sẻ với PV Báo Dân Việt.

Ngăn chặn nghèo hóa của nhóm công nhân, lao động trước bão giá

Ông Tô Đức -  Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho rằng trong bối cảnh kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, nhóm công nhân, lao động nghèo là nhóm chịu tác động mạnh nhất.

"Hơn 2 năm qua người nghèo đã phải gánh chịu những tác động mạnh mẽ từ dịch bệnh Covid-19, giờ đây người nghèo lại phải đối mặt với những khó khăn từ bão giá. Điều này không chỉ khiến người nghèo thêm khốn khó mà khiến cho nhiều người cận nghèo trong đó có cả người cận nghèo ở vùng đô thị tái nghèo", ông Tô Đức nhấn mạnh.

bão giá

Ông Tô Đức cho biết đơn vị sẽ thiết kế chính sách giảm nghèo linh hoạt tính tới tác động từ thiên tai, dịch bệnh hay những thay đổi tình hình kinh tế - xã hội. ẢNh: Nguyệt Tạ

Theo ông Tô Đức, về lâu dài đơn vị này đang xây dựng thiết kế lại chính sách giảm nghèo. Các chính sách sẽ thiết kế toàn diện, cho tất cả nhóm nghèo ở cả đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo. Việc thiết kế chính sách sẽ được xem xét nhằm đưa ra các chính sách phù hợp từng vùng, từng đối tượng, thích ứng với sự biến đổi của thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu hoặc tác động tiêu cực của biến động kinh tế - xã hội (trong đó có lạm phát).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem