Chuyển đổi số ở vùng nông thôn của Lai Châu, dân bớt đi lại, chính quyền hoạt động hiệu quả hơn

Tuấn Hùng Thứ năm, ngày 18/05/2023 05:40 AM (GMT+7)
Thời gian qua, chuyển đổi số đã "gõ cửa" hầu hết các cơ quan, ban, ngành của huyện Tam Đường, Lai Châu. Trường học, trạm y tế và hàng nghìn hộ dân đã được tiếp cận các dịch vụ tiện ích do chuyển đổi số mang lại cho vùng nông thôn vùng khó khăn.
Bình luận 0

Clip: Chuyển đổi số tạo thuận lợi rõ nét cho chính quyền và người dân huyện Tam Đường ở Lai Châu.

Chuyển đổi số "gõ cửa" xã nghèo Hồ Thầu

Tới thăm xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường chúng tôi đều có cảm nhận chung khi chuyển đổi số đã thực sự "gõ cửa" xã nghèo này.

Tại trụ sở UBND xã, mỗi cán bộ đều được trang bị một máy tính có kết nối internet và mạng LAN để tạo thuận lợi cho công việc. Bên cạnh đó, xã ưu tiên sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc "một cửa điện tử" "một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, chữ ký số và sử dụng hòm thư điện tử công vụ. Từ đó công tác cải cách hành chính của xã đã có sự chuyển biến rõ nét và nhận được sự hài lòng của người dân.

Chuyển đổi số "gõ cửa" vùng khó ở Lai Châu - Ảnh 2.

Nhờ được hỗ trợ từ các cấp chính quyền huyện, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm triển khai chuyển đổi số. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ với chúng tôi, ông Quách Tá Thiện, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết: Hồ Thầu là xã vùng cao của huyện Tam Đường, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Xã có 4 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Dao chiếm đến 97%. Trình độ dân trí không đồng đều, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông. Bà con chưa có điều kiện tiếp cận nhiều đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trước khi chuyển đổi số được triển khai, chính quyền và người dân gặp nhiều khó khăn trong các giao dịch.

Trước những thách thức đó, để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số nói riêng và công tác cải cách hành chính nói chung, chính quyền xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, nhân viên về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã lên kế hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho việc chuyển đổi số. Nhờ được sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền, các phòng ban, chuyên môn của huyện Tam Đường, xã chúng tôi đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số "gõ cửa" vùng khó ở Lai Châu - Ảnh 3.

Nhờ triển khai hiệu quả chuyển đổi số, chính quyền và người dân xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu đã giảm bớt nhiều khó khăn trong các giao dịch. Ảnh Tuấn Hùng

Theo ông Thiện, so với trước kia, các dịch vụ công nhờ được sự hỗ trợ từ các tiện ích do chuyển đổi số mang lại đã cho hiệu quả rõ nét. Chính quyền và hàng trăm hộ dân đã thực sự được hưởng những tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

"Trong đó, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh, gọn hơn, người dân không còn vất vả khi giải quyết các công việc, qua đó góp phần giúp bà con tiết kiệm được thời gian, công sức, yên tâm lao động sản xuất, từng bước nâng cao đời sống", ông Thiện hồ hởi tâm sự.

Chuyển đổi số giúp xây dựng chính quyền điện tử

Xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua huyện Tam Đường, Lai Châu đã đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, qua đó mang lại nhiều tiện ích cho chính quyền và người dân.

Chuyển đổi số "gõ cửa" vùng khó ở Lai Châu - Ảnh 4.

Cán bộ, công chức, người lao động xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu luôn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, qua đó giúp giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Ảnh Tuấn Hùng

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạ tầng trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị được quan tâm cải tạo, hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ huyện đến các xã. Các phần mềm ứng dụng dùng chung được triển khai đồng bộ liên thông từ tỉnh đến xã.

Chia sẻ với chúng tôi về những giải pháp trong triển khai chuyển đổi số, ông Đỗ Trọng Thi, Trưởng phòng văn hóa – Thông tin huyện Tam Đường, Lai Châu cho hay: Thời gian qua đề từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND huyện Tam Đường đã ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện.

Năm 2020, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, thành lập tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo chuyển đổi số của huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện đã ban hành qui chế hoạt động và giúp đỡ UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng.

Chuyển đổi số "gõ cửa" vùng khó ở Lai Châu - Ảnh 5.

Đến thời điểm này toàn huyện Tam Đường, Lai Châu có 100% cán bộ, công chức cấp huyện, xã được trang bị máy tính trong hoạt động công vụ, nhờ đó thuận lợi triển khai công tác chuyển đổi số. Ảnh Tuấn Hùng

Sau khi được thành lập, các tổ công nghệ cộng đồng đã tổ chức phát động các hoạt động sáng kiến, ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng các nền tảng công nghệ số, dịch vụ số như: vận động người dân sử dụng smartphone, truy cập internet để nắm bắt thông tin, cập nhật kiến thức, sử dụng email và các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook.

Cùng với đó huyện đã tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, phòng, ban huyện, các xã, thị trấn.

Thực tế cho thấy, tính đến cuối năm 2022 toàn huyện Tam Đường có 100% cán bộ, công chức cấp huyện, xã được trang bị máy tính trong hoạt động công vụ. 100% các cơ quan, đơn vị quản lý, sự nghiệp của huyện có mạng internet ADSL. 100% cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý, điều hành.

Toàn huyện Tam Đường đã sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. Tỷ lệ văn bản đi có ký số chiếm trên 91%. Trang thông tin điện tử của huyện hoạt động ổn định, qua đó cung cấp đầy đủ thông tin về kinh tế, xã hội. 100% các cơ quan, UBND các xã, thị trấn đã sử dụng hệ thống VNPT igate trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Chuyển đổi số "gõ cửa" vùng khó ở Lai Châu - Ảnh 6.

Chuyển đổi số đã giúp các ban, ngành, đoàn thể và hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đường được hưởng các tiện ích do chuyển đổi số mang lại, nhờ đó người dân đã thuận lợi giải quyết các giao dịch, yên tâm lao động sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Thi cho biết: Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của CNTT, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với những giải pháp kể trên, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ phát triển chính quyền số, đảm bảo an toàn thông tin, thực hiện phương án xử lý sự cố mạng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc.

Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm zalo cộng đồng về chuyển đổi số của huyện, các xã, thị trấn, bản nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem