Chuyển đổi số nông nghiệp: Nuôi heo rừng trên nền tảng số, trồng rau sạch ứng dụng công nghệ IoT

Thu Hà - Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 02/01/2022 07:36 AM (GMT+7)
Năm 2021, Hội Nông dân các cấp trên cả nước đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, với nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn và thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch Covid-19. Trong đó, hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số, thay đổi tư duy nông nghiệp những hoạt động nổi bật của Hội.
Bình luận 0

Ứng dụng IoT vào trồng rau

Anh Bùi Ngọc Cung (SN 1971) được mệnh danh là người đi đầu trong việc thực hiện nông nghiệp thông minh ở xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương Lâm Ðồng. Hiện anh Cung ứng dụng công nghệ IoT trên trang trại rộng 2ha của mình. Hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại cà chua và dưa baby dài hút tầm mắt, do vậy chỉ cần vài nhân công làm việc trong vườn.

Anh Cung kể: "Cách đây hơn 4 năm, tôi được tỉnh cho "xuất ngoại" học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp. Sau những chuyến đi ấy, tôi quyết định đầu tư để thay đổi quy trình sản xuất. Trước đây, tôi đã sử dụng công nghệ điều khiển tưới cũng qua hệ thống điện thoại nhưng chỉ là bật và tắt nước tự động nhưng với ứng dụng công nghệ IoT lại có một sự khác biệt".

Chuyển đổi số nông nghiệp: Nuôi heo rừng trên nền tảng số, trồng rau sạch ứng dụng công nghệ IoT - Ảnh 1.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ số xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương Lâm Ðồng. Ảnh: Hoàng Sa

Vừa nói, anh Cung vừa mở điện thoại giơ cho chúng tôi xem, trên màn hình hiện ra dòng thông báo "đang tưới", bên dưới ghi rõ chi tiết lượng nước tưới, thời gian tưới. Bên cạnh là dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… 

Anh Cung hồ hởi: "Giờ tôi đi bất kỳ đâu cũng chỉ mở điện thoại là xem được công nhân làm việc, tình trạng dinh dưỡng và sinh trưởng của cây trồng, bớt được chi phí lao động mà vẫn an tâm lắm!" 

Ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mô hình sản xuất rau quả sạch tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một điển hình về ứng dụng công nghệ số. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Thám cho hay: HTX đã lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G nhằm cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa…

Cùng với đó, HTX lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể quản lý và vận hành hệ thống. Toàn bộ diện tích trồng rau của hợp tác xã được phủ màn hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức và hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel nên năng suất tăng, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội Dương Thị Hằng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hàng năm, Hội ND thành phố đều tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ số. Trong 5 năm qua đã có 3.200 hộ nông dân tại Hà Nội đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ.

Xây dựng mô hình điểm nuôi heo rừng trên nền tảng số

Tháng 7/2021, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) được Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk chọn làm mô hình điểm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị trên nền tảng số.

Chuyển đổi số nông nghiệp: Nuôi heo rừng trên nền tảng số, trồng rau sạch ứng dụng công nghệ IoT - Ảnh 3.

Anh Đặng Quang Đức (bên phải) - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên hướng dẫn thành viên hợp tác xã gắn mã QR cho vật nuôi. Ảnh: Vân Anh

Theo đó, khi tham gia đề án, các thành viên của HTX đều được tập huấn trang bị các kỹ năng lập trang web và sử dụng phần mềm quản lý quy trình chăn nuôi, đăng ký kinh doanh thương mại điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc thông qua việc gắn chíp điện tử riêng cho từng vật nuôi.

Anh Đào Đức Khải (thôn 3, xã Xuân Phú), thành viên HTX chia sẻ: "Ngay sau khi tham gia dự án, tôi đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm AutoAgri để nhập liệu, đăng tải toàn bộ thông tin, hình ảnh, quy trình chăm sóc vật nuôi, từ cập nhật lượng thức ăn hằng ngày, thời gian tiêm vắc xin… Bên cạnh đó, khi có việc bận tôi vẫn có thể quan sát, quản lý vật nuôi thông qua hệ thống camera gắn ở khu vực chuồng trại".

Tuy mới triển khai được hơn 5 tháng, nhưng việc áp dụng công nghệ số đã bước đầu đạt hiệu quả. Hầu hết thành viên đều đã sử dụng thành thạo các phần mềm. Mô hình này cũng giúp HTX giảm chi phí vận hành quản lý, điều hành.

Anh Đặng Quang Đức - Giám đốc HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên cho biết: Thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình theo dõi các trang trại mà còn giúp chúng tôi kịp thời có kế hoạch, biện pháp để hướng dẫn, định hướng lại cho thành viên trong quá trình chăn nuôi làm sao để đàn heo sinh trưởng phát triển tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc gắn mã QR cho từng vật nuôi sẽ giúp hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký hợp đồng liên kết thu mua ngay khi đến kỳ xuất chuồng. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm, gồm: giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ.

"Việc làm này giúp tăng giá trị cho sản phẩm, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, dễ dàng đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở các thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, 10 thành viên của HTX đã dần quen với các bước thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi, thời gian tới nếu đạt hiệu quả cao, chúng tôi sẽ hỗ trợ 75 thành viên liên kết cùng tham gia mô hình này"-anh Đức nói.

Bà Lại Thị Loan – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk cho biết: Để giúp nông dân bắt nhịp với công nghệ số, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường củng cố phát triển tổ hợp tác, HTX đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các nông hộ.

Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ tín dụng được quan tâm, nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. Nhờ đó, đến nay có nhiều hội viên nông dân đã ứng dụng chuyển đổi số và đã thu hái thành công từ khâu tiếp cận khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường nông sản và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem