Chuyển đổi số góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị

Quang Sung Thứ hai, ngày 14/11/2022 11:38 AM (GMT+7)
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng đô thị thông minh của thành phố.
Bình luận 0

Tại chương trình chuyển đổi số do UBND TP.HCM ban hành, nông nghiệp nằm trong số những lĩnh vực được thành phố lựa chọn thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, mục tiêu cơ bản của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xây dựng mô hình chuyển đổi số, nhằm đẩy mạnh thực hiện các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2020 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Chuyển đổi số góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

Vườn hoa lan của HTX Vườn lan Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ứng dụng nhiều công nghệ trong nghiên cứu, lai tạo ra các giống hoa mới, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Sung

Góp phần thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, xây dựng đô thị thông minh của thành phố. Trong đó tập trung vào nhóm cây con chủ lực gồm: rau, hoa - cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng).

Theo UBND TP.HCM, hàng năm đất nông nghiệp ngoại thành giảm theo tiến độ phát triển đô thị hóa (giảm bình quân khoảng 800 - 900 ha/năm) nhưng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm, trong các năm qua vẫn giữ ở mức khá cao. Trong đó nhất là rau an toàn, hoa cây kiểng, cá cảnh… Năng suất cây trồng, vật nuôi và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất đều có bước tăng trưởng khá.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Tập trung theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang các các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao như: rau (doanh thu bình quân đạt 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con, doanh thu bình quân đạt 800 triệu đồng/năm), cá cảnh (doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao, giá trị sản xuất bình quân một ha đất sản xuất nông nghiệp tăng từ 282,5 triệu đồng (năm 2013) lên 502 triệu đồng (năm 2018) và lên 550 triệu đồng (năm 2019). Thu nhập của người dân nông thôn vùng ngoại thành tăng từ 39,7 triệu đồng/năm (năm 2014) lên 49,175 triệu đồng/năm (năm 2017) và 63,096 triệu đồng/năm (năm 2019).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư. Các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hoá. Chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện.

Chuyển đổi số góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị - Ảnh 3.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP.HCM tập trung vào nhóm cây con chủ lực, trong đó có nhóm hoa - cây kiểng. Ảnh: Quang Sung

Tuy nhiên UBND TP.HCM cho rằng, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tiềm năng của thành phố. Có nhiều hạng mục, lĩnh vực chưa thật sự phát triển theo yêu cầu của tình hình thực tế. 

Điển hình như lĩnh vực sản xuất giống và những cây con chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị gia tăng, năng suất chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp thành phố (cũng như cả nước) vẫn còn theo phương pháp truyền thống. Do đó việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành phố là hết sức cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem