23 năm trước, bà Trần Thị Tâm (60 tuổi, trú thôn 8, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhận thông báo phát mại tài sản từ ngân hàng, tối đến vợ chồng bắt được con cá sủ vàng, thừa tiền trả hết nợ nần.
Bà Tâm kể, những năm 1995-2000 gia đình khó khăn, "cơm không có ăn, mọi người thường ăn bột ngô với khoai và phải chia phần ăn rất dè sẻn”. Để có ngư cụ đánh cá, vợ chồng bà vay ngân hàng 3 triệu sắm, tiền thu về cũng chỉ đủ trả lãi chứ không thể trả gốc, vì nhà còn nhiều miệng ăn.
Đầu năm 1995, nhà cũ ọp ẹp, khó lòng trụ qua nổi trận bão, vợ chồng bà Tâm liều vay tiền anh em họ hàng xây nhà mới. Tháng 4.1995, nhà xây xong phần thô, chi phí hết 19 triệu đồng, cả nhà mừng rỡ, dọn vào ở luôn dù chưa trả nợ được đồng nào. Bảy tháng sau, khoản nợ 3 triệu đồng vay ngân hàng đáo hạn.
14h ngày 16.11.1995, bà Tâm nhận thông báo từ ngân hàng, nếu không thanh toán nhanh thì sẽ bị phát mại tài sản, niêm phong nhà. Một tiếng sau không thấy ai tới, buồn rầu vợ chồng bà dong thuyền ra giữa sông. "Lúc đó chồng tôi nhẩm miệng ước giá như bắt được con cá sủ vàng để khỏi mất nhà", bà Tâm nhớ lại.
20h cùng ngày, trăng ngày 16 âm lịch chiếu sáng cả khúc sông, bà Tâm nhìn thấy một đốm trắng có bọt nước cách thuyền hơn chục mét, giống như con cá đang vùng vẫy. "Tôi nói với chồng, hình như cá sủ vàng mắc lưới. Ông ấy đang buồn, nên bảo không có đâu. Tôi đáp biết đâu trời thương, ban của cho gia đình thì sao", người phụ nữ 60 tuổi rơm rớm nước mắt kể.
Lấy hết sức bình tĩnh chèo thuyền lại gần, bà Tâm thấy con cá lớn đang quấn vào lưới. Lập tức, chồng bà cầm vợt, hai người xúc cá đưa lên khoang thuyền, lấy dây xỏ vào mang cá. Thấy cá vàng óng cả thân, cân nặng 12 kg, vợ chồng ôm lấy nhau, vừa mừng vừa khóc trên sông khi biết chính xác đó là cá sủ vàng quý hiếm.
Hôm sau, 5 thương lái tới tranh nhau trả giá mua cá. Cuối cùng, một người ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) mua con cá sủ vàng của vợ chồng bà với giá 12 triệu đồng. Thời ấy vàng có giá 500.000 đồng một chỉ.
"Tôi đem 3 triệu đồng lên ngân hàng trả tiền nợ đáo hạn, số còn lại đem trả chi phí xây nhà. Cả nhà tâm trạng cứ lâng lâng, vui mừng suốt mấy ngày. Tôi rang lạc, mua rượu đãi hàng xóm ăn mừng", bà Tâm nói. Sau giai đoạn đó, gia đình bà trả hết nợ, cuộc sống dần ổn định.
Bà Tâm kể về lần duy nhất bắt được cá sủ vàng quý hiếm, giúp gia đình trả được nợ:
Ngồi giữa sân nơi căn nhà ngày trước từng suýt bị niêm phong, người phụ nữ làng chài cho hay hiện đã xây thêm nhà bếp bên cạnh, lát gạch, làm mái tôn khang trang hơn. Bốn người con trai đã lập gia đình, có cuộc sống tốt.
"Sau lần đó, tôi không còn bắt được con cá sủ vàng nào nữa. Vợ chồng thỉnh thoảng nhắc về kỷ niệm bắt được cá trong đêm trăng đều ứa nước mắt. Quả thật may mắn đến rất trùng hợp và bất ngờ", bà Tâm nói.
Cả xóm đi săn cá sủ vàng
Những năm 1990-2000, người dân sống ven sông Lam, đoạn qua huyện Nghi Xuân thường xuyên bắt được cá sủ vàng. Ông Đậu Nghi Lới (73 tuổi, trú xã Tiên Điền) từng bắt được 25 con sủ vàng cho biết, loài cá này đầu tù, toàn thân vàng óng, nặng một đến hơn 100 kg, khi thở có tiếng "ọc ọc", sủi bọt lên mặt nước.
Cá thích sống vùng nước lợ, thường xuất hiện vào tháng 8-10 hàng năm, đi vào lạch sông để sinh sản, sau một thời gian thì lại ra biển. Tại Hà Tĩnh, duy nhất lạch Hội trên sông Lam, đoạn qua huyện Nghi Xuân, mới bắt được cá này.
Với hy vọng bắt được cá cải thiện cuộc sống, bên cạnh đánh cá sông mưu sinh hàng ngày, nhiều người dân Nghi Xuân vay tiền mua lưới đánh cá sủ vàng. Lưới đánh bắt là loại lớn số 6-7, tự đan là 3 triệu, mua ngoài là 6 triệu đồng.
Mùa lũ lụt, hàng chục thuyền cỡ nhỏ liên tục bủa lưới trên sông Lam cả ngày lẫn đêm. Cứ mỗi cuộn lưới dài khoảng 200 sải (một sải là 1,8 m), ngư dân lúc bủa lưới thường thả 5 sải một lần, để khi cá chui vào thì bị lưới quấn chặt.
"Cá trọng lượng rất lớn, nên khi bắt chúng vẫy vùng làm động cả một khúc sông. Để bắt phải có mẹo, xử lý tình huống cực nhanh, nếu không chúng sẽ phá lưới để thoát. Nhiều người khi cá mắc lưới xử lý chậm nên để thoát, tiếc hùi hụi suốt mấy ngày", ông Đậu Nghi Lới nói.
Cầm hai tấm hình chụp cảnh con trai đang đứng giữa sông, ôm một con cá rất lớn, màu vàng óng, ông Lới bảo đó là cá sủ vàng quý hiếm mà ông bắt được năm 1998, bán 170 triệu đồng.
"Hôm đó, bốn bố con tập trung hết sức, sau 5 phút đưa được cá lên khoang thuyền, mọi người reo hò. Một ngày sau bán được giá cao, tôi mở tiệc đãi cả làng, mua ngay chiếc xe máy Honda Dream 30 triệu đồng ao ước bấy lâu, số tiền còn lại trang trải nợ nần, xây căn nhà hai tầng khang trang, lo cho con cái ăn học", ông Lới kể.
Bà Hà Thọ (55 tuổi, trú xã Xuân Phổ) - thương lái từng buôn cá sủ vàng cho biết, trước kia có gia đình làm nghề đông lạnh ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) biết loài cá này quý hiếm nên đặt mua, sau đó xuất khẩu đi Trung Quốc.
Bà Thọ là cầu nối với các thương lái ở Nghệ An, thường đi đặt cọc, thỏa thuận giá cả để hưởng hoa hồng. "Cá sủ vàng vô giá, chỉ khi bắt được cá lên bờ mới có thể định giá. Việc này cũng tùy vào may mắn của chủ nhân. Thời điểm cá đắt nhất là năm 2000, có người bán được cá giá 300 triệu đồng", bà Thọ nói.
Hơn 20 năm trước là Phó chủ tịch xã Xuân Phổ, ông Trần Xuân Trực chứng kiến việc bà Trần Thị Tâm bán cá sủ vàng, có tiền trả nợ. Theo ông, ngày ấy thôn 8 có nhiều gia đình bắt được cá sủ vàng nhất, có hộ bắt được 15 con, người ít thì 2-3 con. Khi săn được cá, đa số đều giàu lên trông thấy.
"Tôi chứng kiến rất nhiều cảnh, người dân bắt được cá xong vui mừng, ôm nhau nhảy múa giữa sông. Họ mời về nhà, uống chén rượu, ăn củ lạc chia vui", ông Trực nói.
Các ngư dân cho hay, ngày đó hễ ai bắt được cá sủ vàng coi như "trúng xổ số", nên rất nhiều người đến cầu cạnh, xin tiền. Nhiều gia đình phải trốn đi nơi khác vài ngày, hoặc ngủ trên thuyền ở dưới sông chứ không dám lên bờ.
"Có tiền từ trời rơi xuống như thế rất vui, nhưng cũng khổ sở lắm", ông Đậu Nghi Lới nói.
Cách phân biệt cá sủ vàng: