Chúng ta mải cãi vã hơn là dành tình thương cho nhau?

Ngô Nguyệt Hữu Thứ sáu, ngày 16/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Lẽ nào, sự đúng sai nhỏ nhoi ấy quan trọng hơn cả mấy mươi cây số của quãng đường có một người vừa nằm xuống bị buộc sau yên xe gắn máy hay sao?
Bình luận 0

Mỗi cá nhân có một mối quan tâm riêng, tôi luôn có quan điểm vậy. Tuy nhiên, mạng xã hội đang cho chúng ta thấy những năng lượng của đời sống đang được ném vào những cảm xúc lặt vặt ra sao.

Ba tuần trước, mạng xã hội dậy sóng với thông tin cậu học trò tự tử vì không đủ tiền mua chiếc áo đồng phục đến trường. Có người phản ánh thông tin này, thì phải có người phản biện thông tin ấy. Mệnh đề nào không hai mặt.

Thế nhưng, cả người phản ánh và phản biện đều quên mất rằng một thiếu niên tự tử vì bất cứ lý do gì cũng là đáng báo động, báo động từ mối quan hệ gia đình cho đến tâm sinh lý của độ tuổi đó, còn cả khoảng cách dân trí, còn cả chênh lệch điều kiện sống vùng miền… Đáng tiếc, đám đông nhất định phải tranh luận xem ai đúng ai sai, họ mỉa mai nhau, họ dè bỉu nhau. Họ luôn muốn chứng minh chân lý thuộc về mình, bất chấp chân lý ấy hoàn toàn không mang lại bất cứ một cải thiện nào cả.

Tuần trước, người ta lại lao vào cuộc cãi nhau, ai mới là người hùng trong vụ xe chở khách mất thằng ở chân đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng). Họ muốn minh bạch xem ai mới là người hùng, anh tài xế xe tải hay người tài xế xe khách.

Họ sẵn sàng ném vào nhau hàng đống ngôn từ, hàng vạn lý lẽ. Tuy nhiên, thứ lý lẽ lớn nhất ấy là chúng ta đã may mắn vì không phải chứng kiến một tai nạn thảm khóc, hàng trăm người thân của những hành khách may mắn vì không phải chịu cú đánh số phận, những thông tin buồn đau đã không có cơ hội hiện hữu trên mặt báo… Đó không phải là món quà lớn nhất hay sao?

Mà nhẽ đơn giản nhất, đó có phải là người hùng thắng trận trở về, có phải là xác minh một kẻ tham nhũng, một đối tượng gây thất thoát nghìn tỷ, một dự án lăm le nuốt môi trường, một công trình hỏa thiêu hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách đâu… mà chúng ta phải nhất định lao vào xới “vật nhau” để vật cho lấm lưng trắng bụng mới thích thú.

img

Chị P. ở Sơn La, sau khi qua đời được người thân đưa về nhà bằng xe máy.

Một người phụ nữ vừa qua đời bởi căn bệnh truyền nhiễm, người thân của họ đưa về nhà bằng xe gắn máy, manh chiếu che thi thể không bao trọn chân..

Người ta lao vào tranh luận, sao người thân không dừng xe xin sự giúp đỡ của người khác, việc gì phải vội vàng đưa thi thể về như vậy. Làm sao tử vong giữa đường mà đổ thừa do bệnh viện, bác sĩ bảo cho về trong tình trạng sức khỏe đã ổn định mà. Có ai trả lời hộ tôi, làm sao một bệnh nhân được đánh giá là sức khỏe ổn được người nhà đưa về lại tử vong khi rời bệnh viện vài mươi cây số hay không?

Tôi biết, có những cá nhân họ không quen mở miệng để than vãn về sự khốn khó của mình, về tình huống nan giải mình đang gặp phải, về biến cố mình đang chịu đựng, về hoàn cảnh không may mình đang đối diện… Họ im lặng giải quyết vạn sự một mình theo cách của chính họ.

Chúng ta không phải là họ, chúng ta không có quyền nghĩ hộ họ. Chỉ là tôi đọc sách thấy tiền nhân luận “tử bất đắc xét” (người đã khuất thì không bàn). Lẽ nào, sự đúng sai nhỏ nhoi ấy quan trọng hơn cả sự buồn thương về đôi chân bất động, về nỗi mất mát người thân của đồng bào mình, về mấy mươi cây số của quãng đường có một người vừa nằm xuống bị buộc sau yên xe gắn máy hay sao?

Tôi vẫn tin, cuộc sống sẽ còn hy vọng khi đám đông còn quan tâm đến các vấn đề của xã hội. Thế nhưng, tôi không tin tương lai sẽ tốt hơn khi đa phần xã hội chỉ quan tâm đế những tranh luận đúng sai, nhất là khi những đúng sai ấy chỉ gói gọn trong một cuộc cãi nhau phần nhiều nhằm thỏa mãn cái tôi cá nhân.

Sẽ chẳng có gì thay đổi cả nếu như người ta ném ra một mớ rau bị phun thuốc (nếu có) và tranh luận xem tất cả thực phẩm trong xã hội có đang nhiễm bẩn hay không? Và rồi gật gù an ủi nhau, nếu muốn thực phẩm sạch phải bỏ ra nhiều tiền hơn. Theo cái cách mà người ta vẫn đang quan tâm hàng ngày, họ gạt bỏ hoàn toàn vai trò của nhà quản lý, những cá nhân được giao nhiệm vụ bảo vệ bữa ăn an toàn cho người dân.

Đừng ném cảm xúc lẫn năng lượng của mình cho những cuộc tranh cãi chẳng thu về được gì, chẳng thay đổi được gì cả về hiện thực lẫn quan điểm. Bởi khi bạn đang đắm đuối trong chân lý ấy của riêng mình, thì ngoài kia bức tranh hiện thực vẫn đang được bàn tay vô hình nào đó tô đậm thêm bằng những gam màu ảm đạm.

Hãy tỉnh táo ngay cả khi bức xúc về vấn đề vụn vặt nào đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem