Vì sao có 445 cơ sở sản xuất nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập 5 triệu con giống cho nuôi biển?

Bình Minh Thứ sáu, ngày 24/02/2023 07:32 AM (GMT+7)
Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), nước ta hiện có 445 cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển, nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu 5 triệu con giống.
Bình luận 0

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Tại Hội nghị triển khai đề án này, ngày 23/2, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nêu quan điểm, từ trước đến nay, chúng ta đang phát triển theo đà “nghề cá nhân dân” và giai đoạn này đang thể hiện những nguy hại.

“Người nuôi đều sản xuất theo phương thức thủ công, phải lo từ giống, thức ăn, nuôi, thương mại… những yếu tố đó đều không thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại. Tư duy kinh tế cần tính đến hiệu quả, chất lượng, phát triển theo chuỗi giá trị chứ không nuôi tự phát, chỉ chú trọng sản lượng”, ông Dũng nêu thực tế.

Ông Dũng cũng chỉ ra loạt vấn đề trong nuôi biển hiện nay như chưa có một đơn vị quốc doanh nào cung cấp con giống đạt chất lượng cao cho bà con nông dân. Hiện nay, người nuôi hầu như đều phải nhập khẩu giống. Nuôi biển của chúng ta cũng chưa có quy hoạch cụ thể.

“Nuôi biển phải nuôi trên biển, dưới biển, ngoài biển và cả nuôi trên bờ. Đó là xu hướng của thế giới mà chúng ta không thể bỏ qua”, ông Dũng nói, đồng thời nêu thực trạng ngành nuôi biển chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nên không thể quản lý hiệu quả. Nuôi biển cũng chưa có căn cứ cấp giấy phép cho các trại nuôi của bà con nên chưa thể có cơ chế cho các cơ quan bảo hiểm hỗ trợ cho bà con…

Vì sao có 445 cơ sở sản xuất nhưng Việt Nam mỗi năm vẫn phải nhập khẩu 5 triệu con giống cho nuôi biển? - Ảnh 2.

Người dân xuống giống hàu trên vùng nuôi tại biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Còn theo PGS. TS Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, thực tế hiện nay cho thấy lợi nhuận từ nuôi biển so với các đối tượng nuôi trồng khác không cao. Lý do đến từ nhiều yếu tố như chi phí nuôi biển xa bờ lớn và rủi ro cao, một số hành lang pháp lý chưa hỗ trợ cho nuôi biển, các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể, công nghệ hỗ trợ nuôi biển chưa phát triển, hệ thống lồng, thiết bị lặn, nuôi tự động, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu…

“Để có thể phát triển ngành nuôi biển, công nghệ sản xuất giống và thức ăn là 2 yếu tố chính quyết định sự thành công. Nếu xây dựng được đàn bố mẹ tốt sẽ có chất lượng con giống tốt, giúp đối tượng nuôi phát triển khỏe mạnh, từ đó giúp giảm chi phí trong thời gian nuôi. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng chuỗi sản xuất con giống, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, các viện nghiên cứu cần phải có sự chung tay của các doanh nghiệp và các địa phương”, bà Lụa phân tích.

Theo ông Trần Công Khôi, nước ta hiện có 445 cơ sở sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Riêng đối với giống tôm hùm hiện nay Việt Nam chưa chủ động và đang nghiên cứu công nghệ sản xuất giống; hàng năm nhập khoảng 5 triệu con giống. 

Đa phần giống phục vụ nuôi biển đã chủ động sản xuất, song do hiệu quả sản xuất chưa cao nên nhiều đối tượng vẫn khai thác nguồn giống tự nhiên (nhuyễn thể); một số đối tượng vẫn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên như tôm hùm và một số loài cá biển. 

Vì sao có 445 cơ sở sản xuất nhưng Việt Nam mỗi năm vẫn phải nhập khẩu 5 triệu con giống cho nuôi biển? - Ảnh 4.

Mô hình nuôi thủy sản bằng lồng nhựa HDPE của gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Công Tâm

Chia sẻ từ sản xuất thực tế, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Thủy sản Tân An Việt Nam, cho biết, hiện nay đa số bà con đều nuôi tự phát, thời gian nuôi dài nên chi phí cao, đặc biệt không thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng không cao dẫn đến giá trị hàu Việt Nam thấp so với các nước chuyên xuất khẩu hàu trên thế giới.

"Chính vì thế doanh nghiệp chúng tôi mong muốn sẽ có những quy chế để tiếp cận vùng nuôi, hướng đến việc sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu mặt hàng chất lượng cao này. Nếu phát triển được môi trường nuôi không những sẽ có lợi cho bà con nuôi thủy sản mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Dũng kiến nghị.

Để tận dụng tiềm năng của nghề nuôi biển, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đối tượng trong nuôi biển không chỉ có tôm, mực, cá… mà còn hàng loạt đối tượng tiềm năng khác như rong biển, san hô…

Ông Hoan cũng chỉ ra thực trạng các viện nghiên cứu về nuôi biển bị giới hạn, chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật chứ chưa có bộ phận nghiên cứu thị trường. Do đó, các viện cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nuôi biển để hình thành một chuỗi giá trị tham gia thị trường, sản phẩm nghiên cứu khoa học mới có thể đóng góp cho xã hội.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không gian nuôi biển cần được mở rộng vào trong đất liền để có thể đa dạng hóa công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nuôi biển.

Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu cụ thể như sau:

Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn, trong đó: Nuôi biển gần bờ: 270.000 ha, thể tích lồng nuôi đạt 8,0 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 750.000 tấn. Nuôi biển xa bờ 10.000 ha; thể tích lồng nuôi đạt 2 triệu m3; sản lượng đạt 100.000 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 USD, trong đó:

- Nuôi biển gần bờ 270.000 ha (ven bờ 20.000 ha; bãi triều và trong đất liền 250.000 ha), thể tích lồng nuôi đạt 8,5 triệu m3; sản lượng nuôi đạt 1.110.000 tấn (cá biển: 80.000 tấn, tôm hùm: 5.000 tấn, giáp xác khác: 75.000 tấn, nhuyễn thể: 550.000 tấn và rong tảo biển: 400.000 tấn).

- Nuôi biển xa bờ 30.000 ha; thể tích lồng nuôi đạt 3,5 triệu m3; Sản lượng đạt 340.000 tấn (cá biển: 120.000 tấn, giáp xác khác: 20.000 tấn, nhuyễn thể: 100.000 tấn và rong tảo biển: 100.000 tấn).

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem