Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với nông dân

P.V Tây Bắc Thứ bảy, ngày 30/11/2019 13:36 PM (GMT+7)
Chiều 29/11, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Mường Thanh, phường Tân Phong (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã diễn ra Hội nghị đối thoại giữa ông Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu với cán bộ Hội Nông dân, hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Dự và tham gia buổi đối thoại có ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; ông Mùa A Trừ - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan Hội Nông dân tỉnh và trên 200 đại biểu đại diện cán bộ Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

img

Ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Lai Châu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Từ một nền nông nghiệp với các chỉ số phát triển yếu kém, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã có những khởi sắc rất rõ rệt. Nông nghiệp Lai Châu đẫ hình thành các vùng sản xuất tập trung như chè, hoa, mắc ca... Theo tính toán các cơ quan có thẩm quyền, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp Lai Châu tăng 4,5%/năm. Bên cạnh đó, nông thôn mới đã có nhiều đổi thay, đến năm 2019, toàn tỉnh có 35 xã được công nhận xã nông thôn mới. 

Để đạt đươc kết qủa đó có sự đóng góp rất lớn của bà con nông dân và đặc biệt là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. "Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được người nông dân làm rất bài bản, chuyên nghiệp và hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm...", ông Trần Tiến Dũng khẳng định.

img

Ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, cho biết: Trước khi diễn ra buổi đối thoại, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, lấy ý kiến của cán bộ Hội, hội viên nông dân, nông dân về những vướng mắc, phản ánh, đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Trần Tiến Dũng cho hay: Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn, nông dân Lai Châu còn rất nhiều thách thức như: Địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả chưa được cao. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chưa được nhiều, việc hợp tác liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã với nông hộ còn ít nên sản phẩm trên thị trường rất khó cạnh tranh.

"Thông qua buổi đối thoại,  tôi muốn nghe trực tiếp những khó khăn, vướng mắc mà hội viên, nông dân gặp phải để trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có cách thức hỗ trợ, đề xuất các chính sách phù hợp với tình hình và làm được những điều mà chúng ta vẫn chưa làm được...", ông Trần Tiến Dũng đề nghị.

Trước khi tổ chức gặp gỡ, đối thoại, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu nhận được 132 câu hỏi, ý kiến phản ánh, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân và một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh đã phân loại những câu hỏi, vấn đề thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã.

Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, xã tham mưu cấp ủy chính quyền cùng cấp giải quyết một số nội dung như: Giải đáp thắc mắc của hội viên nông dân liên quan đến chính sách cho vay vốn chương trình cho vay sản xuất kinh doanh tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới; việc phân biệt, biện pháp giúp nông dân tránh mua phân bón giả, phân bón kém chất lượng; việc hỗ trợ đề bù đất sản xuất cho nhân dân…

img

Hội nghị đối thoại thu hút đông đảo cán bộ Hội, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia.

Sau khi thẩm định đã phân loại 7 nhóm với 39 câu hỏi thuộc lĩnh vực, thẩm quyền một số sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh, tại Hội nghị đã lựa chọn 18 câu hỏi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đối thoại trực tiếp. Trong đó các câu hỏi liên quan về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm ngư nghiệp; thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, vốn đầu tư và công nghệ cho nông nghiệp; chính sách bảo hiểm, đào tạo nghề, lao động nông thôn; quy hoạch nông thôn, đất đai, hàng giả, phân bón giả.

Các câu hỏi, kiến nghị của nông dân tại hội nghị tập trung nội dung: Tình trạng chè tươi bị ùn tắc, chế biến không kịp và giá thu mua không ổn định ảnh hưởng hộ trồng chè; cần có chính sách giải pháp để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chăn nuôi cá lồng hồ thủy điện.

Nông dân còn nều tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả kém chất lượng; quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong liên kết nuôi thỏ làm nguyên liệu sản xuất vacxin. Vấn đề đầu ra giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cách làm du lịch cộng đồng và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng…cũng được nhiều nông dân nêu.

img

Ông Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Tại hội nghị, các kiến nghị những băn khăn, thắc mắc của cán bộ, hội viên nông dân đã được đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Công ty, Doanh nghiệp trao đổi, giải đáp thỏa đáng, kịp thời. Về tình trạng chè ùn tắc, giá không ổn định: doanh nghiệp, người dân tiếp tục thực hiện tốt hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và UBND huyện, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp, người dân triển khai việc hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Về chính sách doanh nghiệp liên kết nông dân chăn nuôi cá lồng, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1446 về danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

Khi người dân tham gia nuôi thỏ làm nguyên liệu vacxin sẽ được tư vấn kỹ thuật, cung cấp tài liệu, bao tiêu sản phẩm. Về cách làm du lịch cộng đồng người dân cần giữ gìn, bảo tồn cảnh quan môi trường tại bản; chủ động tham gia tập huấn kỹ năng làm du lịch; về chính sách tỉnh đã có Đề án 316 về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2016-2020 trong đó ưu tiên du lịch cộng đồng…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Tiến Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến, câu hỏi của cán bộ, hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đối với những câu hỏi chưa được trả lời, UBND tỉnh sẽ có văn bản trả lời cụ thể.

Theo ông Trần Tiến Dũng, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh nên có 2 cuộc gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân. Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân kịp thời giải quyết vướng mắc. Các công ty, doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem