Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động tiếp xúc để "gỡ vướng" cho các dự án bất động sản

Quốc Hải Thứ tư, ngày 22/02/2023 17:20 PM (GMT+7)
Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Bình luận 0
Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động tiếp xúc để "gỡ vướng" cho các dự án bất động sản - Ảnh 1.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động tiếp xúc để "gỡ vướng" cho các dự án bất động sản. Ảnh: Nova

Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động các giải pháp để "gỡ khó" cho thị trường BĐS

Sau "hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững" ngày 17/02/2023, Chính phủ đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, bền vững.

Mục tiêu của dự thảo Nghị quyết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường BĐS, trong đó tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng.

Đặc biệt, Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành phối hợp để tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Cụ thể, để cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, Chính phủ đề nghị  các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.

Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.

Tăng cường thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường.

Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và việc ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án làm cơ sở để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo quy định.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương chủ động tiếp xúc để "gỡ vướng" cho các dự án bất động sản - Ảnh 2.

Nghị quyết cũng yêu cầu các địa phương phải cải cách, tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Nova

"Các địa phương phải chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền", yêu cầu của Nghị quyết, nêu rõ.

Các địa phương cũng đồng thời ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan như: điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ được tách diện tích đất trong dự án bất động sản thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại...

Đặc biệt, Nghị quyết cũng yêu cầu các địa phương phải cải cách, tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để giải quyết nhanh các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. 

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công tác giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc.

"Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao năng lực, sự hiểu biết, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; bảo vệ người làm đúng nhằm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm,... trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay", Nghị quyết nêu rõ.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, sau "hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững" ngày 17/02/2023, đến chiều 20/2, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các Sở, ngành liên quan đã có cuộc họp trực tiếp với các chủ đầu tư 7 dự án đang gặp vướng mắc trên địa bàn TP.HCM để lắng nghe và xem xét tháo gỡ.

Các dự án được UBND thành phố xem xét gỡ vướng gồm: Dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7); khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú); dự án chung cư Cửu Long (phường 1, quận 4); khu phức hợp Sóng Việt (khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức), khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP.Thủ Đức), dự án 30,2 ha phường Bình Khánh (TP.Thủ Đức) và dự án chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1).

Các DN sau cuộc họp đã nhận định, buổi họp diễn ra trên tinh thần cầu thị, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đã nghe báo cáo từ DN một cách nghiêm túc. 

"Lãnh đạo thành phố chưa giải quyết ngay các vướng mắc mà hứa sẽ xem xét và trả lời sớm. Dù chưa có lối ra nhưng chúng tôi rất kỳ vọng sẽ có kết quả tốt đẹp, để dự án có thể triển khai tiếp và bán sản phẩm ra thị trường, nếu không sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN", ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Gotec Việt Nam, nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem