Thái Bình: "Vác tù và" cho chi hội, ông nông dân "vác" luôn cây làm giàu về, cả khu phố thu 30 tỷ/năm

Thu Hà Chủ nhật, ngày 08/08/2021 05:45 AM (GMT+7)
Đó chính là Chi hội trưởng nông dân Vũ Đình Khởi ở tổ dân phố số 9, phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Nhờ nghề trồng đào mà năm 2020 hội viên nông dân nơi đây đã có tổng thu nhập là 30 tỷ đồng.
Bình luận 0

Chi hội trưởng nông dân giúp hội viên làm giàu nhờ trồng đào

Chi hội trưởng nông dân gần như không có chế độ gì, nên nếu không có lòng nhiệt huyết thì ít người nào "chịu khó" đảm đương cái "chức" này. Nhưng với ông Vũ Đình Khởi – Chi hội trưởng nông dân tổ dân phố số 9, phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình, gần 20 năm làm công việc "vác tù và" lại là khoảng thời gian làm việc có nhiều ý nghĩa.

Ông Khởi tham gia công tác Hội Nông dân phường Hoàng Diệu từ năm 2004 với vai trò chi hội phó, rồi lên "chức" chi hội trưởng nông dân tổ dân phố số 9. "Gọi là "chức" cho oai, chứ "chức" chi hội trưởng nông dân này không có lương và là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"- ông Khởi hóm hỉnh nói.

Ông Khởi cho biết: Chi hội nông dân tổ dân phố số 9, phường Hoàng Diệu có 115 hội viên, trong đó có trên 90% hội viên nông dân là người công giáo. Đa số hội viên nông dân đều sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với thu nhập thấp.

Chi hội trưởng giúp nông dân làm giàu nhờ trồng cây đào - Ảnh 1.

Dấu ấn đầu tiên là chi hội trưởng nông dân Vũ Đình Khởi (phải) đã vận động bà con chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào. Ông Trần Văn Chỉnh (trái)-Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoàng Diệu hết lời khen ngợi về người cán bộ Hội của mình. Ảnh: Thu Hà

Với vai trò là chi hội trưởng nông dân, ông Khởi đã tích cực tuyên truyền hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả sử dụng trên cùng 1 diện tích đất nông nghiệp. Để tuyên truyền hiệu quả, những năm qua, ông Khởi thường xuyên "đặt hàng" các cấp Hội ND tổ chức các buổi tập huấn các buổi chuyển giao KHKT.

Dấu ấn đầu tiên là ông Khởi đã vận động bà con chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào. Ông Khởi cho biết: Nghề trồng đào có ở địa phương hơn 30 năm nay. Ban đầu các hộ chỉ trồng tại khuôn viên vườn nhà, những năm gần đây, các hộ đã mạnh dạn trồng đào trên đất lúa. Đặc biệt, để nông dân trồng đào chuyên nghiệp hơn, chi hội đã hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác trồng đào tổ dân phố số 9 với 115/115(100%) hội viên chi hội tham gia với tổng diện tích trồng đào hơn 12ha.

Đến nay, mô hình Tổ hợp tác trồng đào là 1 trong những mô hình điểm ở địa phương. Hiện nay, tổ hợp tác có hơn 38.000 cây đào cảnh, gần 7.000 cây đào rừng, hơn 42.000 cây đào giống, hơn 14.000 cây quất cảnh, hàng nghìn cây ăn quả, cây bóng mát.

"Trung bình 1 sào trồng đào bà con nơi đây có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Năm 2020, tổng thu nhập của tổ hợp tác trồng đào là 30 tỷ đồng. Trong đó, hộ trồng đào có thu nhập cao nhất là 800 triệu đồng, hộ trồng đào có thu nhập thấp nhất là 40 triệu đồng" - ông Khởi cho biết.

Chăm chỉ, năng nổ, sáng tạo, thu hút hội viên mới

Ông Khởi cho biết bản thân ông cũng là người công giáo, chính vì vậy ông hiểu rõ hội viên chi hội của mình hơn ai hết. Theo ông Khởi, để hội viên nông dân, đặc biệt nông dân là người công giáo tự nguyện tham gia và gắn bó lâu dài với tổ chức Hội, đòi hỏi Hội phải đổi mới phương thức hoạt động, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và tạo niềm tin cho nông dân.

Hằng năm, với vai trò là chi hội trưởng nông dân, ông Khởi đã phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp, xây dựng nhiều mô hình trình diễn về phát triển kinh tế; cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân; tín chấp cho nông dân vay vốn ưu đãi…

"Trong đó, riêng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ vốn vay 1,1 tỷ đồng cho các hộ trồng đào ở chi hội. Đây là mô hình tổ hợp tác điểm của phường Hoàng Diệu; cũng là mô hình đầu tiên Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay ưu đãi với số vốn lớn như thế"- ông Khởi nói.

Một trong những điểm sáng trong công tác Hội và phong trào nông dân ở chi hội tổ dân phố số 9 là hội viên rất tích cực xây dựng nông thôn mới.

Chi hội trưởng giúp nông dân làm giàu nhờ trồng cây đào - Ảnh 2.

Chi hội trưởng nông dân Vũ Đình Khởi (đứng ngoài cùng bên trái) vận động hội viên nông dân tổ dân phố số 9 tham gia làm bờ kè xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thu Hà

Ông Khởi cho biết: "Xuất phát từ đặc thù của chi hội, chúng tôi đã tuyên truyền và vận động hội viên tham gia xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Khi hội viên đã hiểu mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, chúng tôi mới bắt đầu triển khai từng nội dung cụ thể".

Trong 2 năm qua, ông Khởi đã vận động hội viên hiến 1.000m2 đất, đóng góp hơn 500 triệu đồng tiền mặt để xây dựng đường dong ngõ xóm, đường nội đồng, hệ thống kênh mương, cống rãnh, hệ thống điện chiếu sáng...

Đáng chú ý, với vai trò là chi hội trưởng nông dân, ông Khởi tích cực đẩy mạnh thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2020, 100% hội viên chi hội đều đăng ký phấn đấu danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét có 100/115 hội viên (chiếm 87%) đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Trần Văn Chỉnh-Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoàng Diệu đánh giá: Bằng tâm huyết, nhiệt tình của mình, chi hội trưởng nông dân Vũ Đình Khởi đã đưa phong trào thi đua của chi hội nông dân đi lên. Liên tục hàng chục năm liền, năm nào chi hội cũng được khen thưởng.

Gần 20 năm miệt mài làm chi hội phó, rồi lên chi hội trưởng nông dân, ông Khởi không đòi hỏi, tính toán thiệt hơn. Ông Khởi bảo: "Cái "chức" chi hội trưởng không có quyền lợi, lại phải hay đi, lấy tiền nhà đổ xăng xe chạy công chuyện chi hội. Tôi có 1 đội thợ xây dựng 8 người, nếu tôi ở đó sát sao công việc thì anh em làm việc hiệu quả hơn, tuy nhiên nhiều khi bận việc chi hội để anh em thợ xây tự làm. Tôi chịu thiệt một tí cũng không sao, chẳng vậy mà được bà con trong chi hội yêu mến, tin tưởng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem