Chỉ cha mẹ lười mới thích con vào học trễ!

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 22/10/2022 19:21 PM (GMT+7)
Muốn con vào học trễ, muốn con có môi trường học tiện nghi, hiện đại nhưng khi đóng tiền lại kêu ca, đổ lỗi tại hệ thống giáo dục... là tâm lý phổ biến hiện nay của một bộ phận phụ huynh lười và ích kỷ.
Bình luận 0

Muốn con vào học trễ, chỉ vì cha mẹ lười!

Những ngày này, trên mạng rầm rộ chuyện phụ huynh phản đối con vào học sớm. Thực tế, một số trường trung học cơ sở và THPT ở TP.HCM hiện nay đang duy trì giờ đóng cổng trường là 6h30 phút sáng. Như vậy, những trẻ nhà gần trường chỉ có thể thức giấc trễ nhất lúc 6h sáng, những trẻ nhà xa trường có thể phải thức từ 5h30 sáng để chuẩn bị mọi thứ nhằm đến trường đúng giờ.

Một bác sĩ dinh dưỡng thậm chí còn lên tiếng về những ảnh hưởng tới thể chất, trí tuệ của trẻ nếu đi ngủ trễ và thức dậy quá sớm để tới trường. Vị này cho rằng: "Trẻ phải được ăn sáng thì mới đủ năng lượng để học tập. Khi ăn sáng thì đến trưa dạ dày mới tiết dịch vị, trẻ mới có cảm giác thèm ăn, tiêu hóa được thức ăn. Ăn sáng vội vàng lại càng không tốt, ăn xong học ngay cũng không tốt", tiến sĩ, bác sĩ Danh nói.

Bên cạnh đó, ông Danh lưu ý học sinh phải được ăn sáng đầy đủ, đủ lượng, đủ chất, ăn xong cần ít nhất 10-15 phút để thức ăn tiêu hóa chứ không phải vội vội vàng vàng vừa đi vừa ăn, ăn trên yên xe máy của phụ huynh.

Theo ông Danh, tan trường từ 16 giờ 30 tới 17 giờ là hợp lý, nhưng phụ huynh cần phải đảm bảo con em đi ngủ sớm.

Chỉ cha mẹ lười mới thích con vào học trễ! - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ những cha mẹ lười mới mong con vào học trễ.

Bác sĩ Danh lưu ý trẻ em trong độ tuổi tiểu học tốt nhất cần được đi ngủ trước 21 giờ. Còn học sinh các cấp THCS, THPT cần phải đi ngủ trước 22 giờ. Buổi trưa, học sinh có thể ngủ 30 phút, hoặc nhắm mắt nằm nghỉ 15-20 phút và cần có thời gian để chơi thể thao, thải trừ các chất ứ đọng, duy trì sự nhạy bén của các phản xạ thần kinh và quá trình tư duy của não...

Theo Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, hiện nay đang có tình trạng học sinh gặp quá nhiều áp lực nên các em dễ bị stress, mệt mỏi, biếng ăn, hấp thu kém nên thiếu năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe.

"Tình trạng thiếu ăn, đói ngủ thường gặp rất nhiều ở học sinh. Điều này gây suy yếu hoạt động trí não và suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến năng suất học tập", ông Danh lưu ý.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều phụ huynh hàng ngày vẫn dậy từ 5h30 sáng để nấu ăn sáng, đưa con tới trường, cho rằng: Chỉ có cha mẹ lười mới viện cớ con đi học sớm là cực nhọc, vất vả.

"Đừng bắt trẻ học thêm sau giờ học, học thêm hai ngày cuối tuần, hỗ trợ con nếu có bài tập khó, hình thành thói quen ngủ sớm cho trẻ thì việc sáng 5h30 các cháu thức dậy là chuyện bình thường. Không ai ngủ trễ thức trễ mà có tinh thần làm việc hứng khởi được", chị Hằng, nhà quận Phú Nhuận, có con học THCS tại quận 3, khẳng định.

Cũng theo chị Hằng, cách để giảm tải học tập là rèn cho trẻ tính tự giác đến mức các cháu ý thức được lòng tự trọng bị tổn thương nếu lên lớp không thuộc bài, không trả bài đầy đủ và bị thầy cô nhắc nhở. Bên cạnh đó, thời gian hè, nên để các cháu tự học hoặc coi qua trước chương trình hoặc có gia sư hay bố mẹ hỗ trợ các con học trước những môn không phải là điểm mạnh của cháu. Như vậy, vào năm học chính cháu sẽ đón nhận chương trình với tâm thế nhẹ nhàng, hào hứng hơn.

"Nghỉ hè, tôi cho cháu về quê chơi, sẵn tiện nhờ luôn cô giáo ở quê kèm cháu hai môn Toán và Anh văn. Vừa chơi vừa học, tới khi vào năm học, thấy cháu học nhẹ nhàng lắm. Thường trong thời gian tan học, chờ mẹ tới đón là cháu làm xong hết bài tập về nhà cô giao. Về tới nhà, cháu chỉ tắm rửa, ăn, nghỉ ngơi giải trí chút rồi 9h tối đi ngủ. Như vậy sáng hôm sau vẫn 5h30 tỉnh táo, kịp ăn sáng mẹ nấu, mẹ chở tới trường vẫn còn vài chục phút mới vào học", chị Hằng chia sẻ.

"Muốn con có giấc ngủ dài thì cha mẹ nên tập cho con xử lý hết các bài tập về nhà trong khoảng từ 19h đến 20h30. Muốn vì con thì phải bỏ thời gian ra cùng con làm bài tập thì trẻ mới nhanh chóng hoàn thành và đi ngủ sớm. Thời đại hiện nay lối sống nhiều gia đình rất bê tha, có chuyện toàn đổ lỗi...", phụ huynh nam có nick Dennis Wong chia sẻ trên một hội nhóm phụ huynh.

Một phụ huynh khác tên Lý Nghịch cũng đồng tình. Anh cho rằng: "Toàn phụ huynh hành con lại đổ tại nhà trường. Toàn đày con học thêm để lấy thành tích còn đi khoe. Dời giờ học trễ thì tan trễ rồi lại về trễ rồi lại vẫn không vừa lòng các ông, các bà vì không đủ thời gian cho con đi học thêm".

Những vị phụ huynh này cũng cho rằng, nhiều ông bố bà mẹ tham vọng, muốn cho con học trường điểm, trường trung tâm nên có khi nhà ở quận này nhưng cho con đi học ở quận khác cách nhà có khi tới 15km. Thay vì hành xác để dậy sớm đưa con kịp tới trường, sao không cho các cháu học gần nhà để trẻ lớn có thể tự đi bộ hoặc đi xe đạp tới trường.

Muốn con có môi trường học tiện nghi nhưng không muốn đóng góp

Chị Hồng Nguyệt, hội trưởng hội phụ huynh một trường THCS "có tiếng" tại quận 3 thường xuyên stress mỗi khi kêu gọi hội phụ huynh đóng quỹ lớp. Theo chị, số phụ huynh phản đối và hay kêu ca chỉ là thiểu số, nhưng cũng khiến chị đau đầu giải thích, vận động, rốt cuộc vẫn không đi tới đâu.

"Lớp có 47 học sinh, sau khi họp thống nhất, chúng tôi quyết định thu 1 triệu tiền quỹ/1 học sinh cho cả năm học. Số tiền này chi tiêu phần lớn vào việc lắp máy lạnh, trả tiền điện, thay mới hoặc sửa chữa cửa kính, màn hình máy chiếu, micro, bóng điện chống cận... cho các con. Lớp có 3 phụ huynh không đóng tiền đợt nào nhưng suốt ngày ý kiến, kêu ca. Thà họ nói thẳng họ khó khăn, không đủ tiền đóng góp, các phụ huynh khác sẵn sàng hỗ trợ, hơn là thể hiện thái độ chống phá", chị Nguyệt chia sẻ.

Kế toán một trường THCS tại quận 1, TP.HCM cũng cho biết, mức thu trung bình dành cho các học sinh học bán trú hiện nay rơi vào khoảng 1 tới 1,5 triệu/1 tháng, bao gồm tiền ăn trưa và rất nhiều khoản khác như tiền nước, tiền vệ sinh, tiền học tiếng Anh, học võ, học tin học, học kỹ năng sống...

Chỉ cha mẹ lười mới thích con vào học trễ! - Ảnh 3.

Chị Hằng, quận Phú Nhuận, TP.HCM cho hay, con gái chị thường tranh thủ làm bài tập về nhà trong lúc chờ mẹ đón. Cháu không phải học thêm gì nên tối 9h là đi ngủ.

"Có những trường thu theo từng tháng một, nhưng cũng có trường thu theo học kỳ hoặc thu gộp luôn cả năm. Như vậy, nếu có con học bán trú, cha mẹ phải trả chừng 1,5 triệu đồng/1 cháu/1 tháng. Đó là mức phí tại các trường công lập, tôi nghĩ không quá cao. Các cháu có hoàn cảnh khó khăn có thể làm đơn xin miễn giảm. Không tới mức phải cường điệu hóa lên rằng cho con đi học tốn kém", vị kế toán này cho hay.

Trên nhiều hội nhóm phụ huynh, cũng rất nhiều vị bức xúc cho rằng: "Không lo được cho con 1,5 triệu một tháng tiền học thì khỏi cho con đi học. Các thầy cô cần được trả lương, cơ sở vật chất cần được tu bổ, muốn con có cái chữ, có môi trường học tiện nghi mà không muốn trả tiền thì cha mẹ đó nên cho con nghỉ học".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem