dd/mm/yyyy

Chàng nghệ sỹ đa tài, thăng hoa bên đàn lợn ngàn con

Nhìn chàng trai trẻ đang ngồi chăm chú trước bức tranh vẽ dở với bút, màu ngổn ngang, trong ngôi nhà yên tĩnh, sạch sẽ, khó có thể tin, trước đó 2 tiếng, cậu còn mặc bộ đồ bảo hộ, trong tiếng ồn ào của đàn lợn cả ngàn con.

Cậu là Lưu Xuân Thương, sinh năm 1989, ở xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước.


Lưu Xuân Thương giữa đàn lợn nghàn con nằm “xếp lớp”

Thời sinh viên bán trứng dạo khắp Vũng Tàu

Lưu Xuân Thương không khác mấy so với trí tưởng tượng của tôi trước khi gặp. Khá điển trai với nụ cười luôn nở trên môi, dễ gần. Mặc dù nhỏ con nhưng đôi cánh tay Thương khá gân guốc, cho thấy chàng trai này không chỉ cầm cây bút vẽ nhẹ như lông hồng, mà còn là lao động chính trong nhà.


Không chỉ chăm heo giỏi, vẽ đẹp, Thương còn đàn hát rất hay

“Đàn lợn này gia đình em nuôi liên kết với Cty CP, phải tuân thủ kỹ thuật của họ, cho ăn cũng có liều lượng, giờ giấc chứ không phải cứ thấy chúng đói là cho ăn như nuôi tự do. Vì thế, nhiều lúc tụi nó đói, thấy em ra là bu lại, réo vậy đó”, Thương cười, nói to.

Bố mẹ em vất vả, sức khoẻ lại không tốt, nên ngay từ hồi đi học ở Vũng Tàu, em đã quyết tâm tự lo cho mình. Nhưng nghĩ mãi mà không biết phải làm sao để có chi phí ăn học. Một lần đi uống nước với các bạn, em thấy một bạn bưng rổ trứng vịt lộn đã luộc đến chào mua. Em hỏi thăm mới biết, bạn ấy cũng là sinh viên. Thế là em xin kết bạn, nhờ bạn tư vấn cách đi bán. Sau đó mấy ngày, em bắt đầu đi bán trứng rong khắp bãi biển Vũng Tàu.

Lưu Xuân Thương

Trong tiếng réo đinh tai nhức óc của hơn ngàn con lợn, Thương cho biết, em tốt nghiệp cao đẳng - trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng.

 Do em nhỏ con nên người ta cứ tưởng em giống như bao đứa trẻ bán hàng rong ở đây thôi chứ đâu biết em là sinh viên. Mãi sau này nhiều người mới biết em là sinh viên, họ ủng hộ nhiều hơn. Biết vậy em nói ngay từ đầu”, Thương cười lém lỉnh rồi nói tiếp:

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, Thương xin vào một công ty xây dựng tại Vũng Tàu làm việc, mặc dù công việc khá suôn sẻ, nhưng sau nửa năm làm việc, Thương quyết định xin nghỉ trước sự ngạc nhiên của nhiều người.

Ở công ty, em làm tốt nên mọi người thương, nhưng lương ba cọc ba đồng, chi phí thuê phòng, ăn uống là hết, không để dành được đồng nào. Trong khi nhà em có vườn rộng, bố mẹ lại yếu, nên cuối cùng em quyết định xin nghỉ, về nhà làm. Em nghĩ đó là quyết định đúng.

Từ 4 năm nay, trại heo của Thương thường xuyên duy trì từ 1.300 - 1.500 con lợn thương phẩm. Ban đầu, do bố Thương là ông Lưu Xuân Liệu đứng ra hợp đồng với Cty CP Việt Nam, nhưng sau khi Thương về, ông giao hết lại cho Thương.

Chàng nuôi lợn mang tâm hồn nghệ sỹ

Không chỉ chăn nuôi giỏi, Thương còn là người đam mê hội hoạ từ nhỏ. Hoạ sĩ Đinh Văn Cơ, 45 tuổi, chủ phòng tranh Thái Cơ, thầy dạy vẽ của Thương cho biết, Thương không chỉ là người có năng khiếu hội họa bẩm sinh, mà còn là một chàng trai rất có nghị lực.


Hoạ sĩ Lưu Xuân Thương đang chìm đắm trong những nét vẽ

Mới học vẽ khoảng 3 năm nay, nhưng tranh của Thương đã dần bộc lộ “cái hồn” trên từng nét vẽ. Ông Cơ nhận ra điều này ngay từ lần đầu Thương đến tham quan phòng tranh của ông và xin làm học trò. Chính vì thế, ông đồng ý dạy Thương dù mới gặp cậu vài phút.

Mỗi ngày, bất kể nắng mưa, sau khi làm xong trách nhiệm với đàn heo, Thương lại vội vàng tắm rửa, ăn, thay đồ, phóng xe ra phòng tranh Thái Cơ ở trung tâm xã, cách nhà 5 - 6 cây số, đắm chìm trong trí tưởng tượng với những nét vẽ. “Nghề hoạ sĩ với đặc thù là cần sự yên tĩnh, sạch sẽ cùng với một tâm hồn nghệ sĩ. Còn chăm heo, hôi hám, ồn ào và rất thực dụng, làm sao em có thể cùng lúc làm tốt 2 công việc có tính chất trái ngược nhau hoàn toàn như vậy?”, tôi hỏi.

“Em thấy bình thường mà. Em nghĩ, làm việc nào ra việc nấy, khi chăm lợn, em chỉ nghĩ đến lợn. Chăm xong em ra phòng tranh, lúc này trong đầu em chỉ nghĩ đến bức tranh, không còn hình bóng heo, tiếng lợn ủn ỉn trong đầu mình nữa. Vậy là công việc sẽ tốt thôi”, Thương đáp.


Phút thư giãn hiếm có của Thương

Hồi mới từ Vũng Tàu về, có lần mẹ em đi đâu về, kêu em lại, cười bảo: “Nhiều người nói từ khi con đi học ở Vũng Tàu về là hư, chẳng chịu làm ăn, suốt ngày thấy đàn đúm, hát hò”. Họ đâu có biết, lúc đó em đang ở ngoài chuồng lợn. Bây giờ họ biết em làm việc thế nào rồi, không ai nói nữa.

Lưu Xuân Thương.

Điều rất thú vị ở chàng nông dân trẻ Lưu Xuân Thương là tâm hồn rất… nghệ sĩ. Thích đàn hát. Thương có thể ôm cây ghi ta ngồi ở bờ chuồng heo, gảy đàn cho mình và… đám bạn heo cùng nghe. Mỗi lần đàn hát, Thương thường ghi vào đĩa làm kỷ niệm và lâu lâu nghe lại.

Thương bảo, ước mơ của cậu là được thoả chí tang bồng, đi thật nhiều nơi, như tôi, để vẽ. “Khi em đã quyết làm gì thì sẽ làm cho bằng được. Nhưng không hẳn là kết quả sẽ như mình mong muốn. Trước mắt, em phải tập trung lo trại heo để giúp bố mẹ, khi ổn định rồi em sẽ tính tiếp”, Thương tâm sự.

Theo ông Nguyễn Đức Đặng, Phó Chủ tịch xã Bom Bo, huyện Bù Đăng cho biết, nếu tính mô hình chăn nuôi liên kết tư nhân thì trại heo của cháu Thương là trại heo lớn nhất huyện Bù Đăng. Những lúc giá heo tụt thê thảm như này mới thấy, chăn nuôi liên kết là giải pháp chăn nuôi an toàn. Liên kết với doanh nghiệp cũng có cái khó của nó, nếu làm tốt thì được thưởng, làm kém thì thu nhập ít. Riêng trại heo của Thương rất hiệu quả.

Theo Phúc Lập