Chăn nuôi trâu, bò quy mô, bài bản, nhiều hộ nông dân Than Uyên của Lai Châu có thu nhập cao

Tuấn Hùng Thứ sáu, ngày 06/01/2023 19:03 PM (GMT+7)
Thời gian qua nông dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò… sản xuất hàng hóa, bà con "đút túi" cả tỷ đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Clip: Chăn nuôi trâu, bò, lợn... sản xuất hàng hoá, nông dân Lai Châu "đút túi" tiền tỷ/năm.

Chăn nuôi trâu, bò tập trung, kiểm soát dịch bệnh

Theo chân cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông Kiều Văn Dung ở bản Sen Đông, xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu). Được biết thời gian qua với quyết tâm làm giàu gia đình ông đã mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi.

Với tổng diện tích trên 6.000m2, ông Dung đã đầu tư xây dựng 3 khu chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm và giành 1 diện tích trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn vật nuôi.

Chăn nuôi trâu, bò sản xuất hàng hoá, nông dân "đút túi" tiền tỷ - Ảnh 2.

Chuyển từ chăn nuôi trâu, bò, lợn... nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn có chuồng trại là hướng đi triển vọng của nông dân ở huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh Tuấn Hùng

Để đàn vật nuôi khoẻ mạnh ông xây dựng chuồng trại khoa học thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông, cách xa khu dân cư, có bể chứa chất thải. Nền chuồng được rải bê tông có độ dốc hợp lý thuận lợi trong việc giữ vệ sinh. Khung chuồng bằng gỗ và sắt được gia công chắc chắn.

Chia sẻ với Dân Việt điện tử, ông Dung hồ hởi cho biết: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi cũng xây dựng chuồng trại nhưng quy mô nhỏ, quy trình chăm sóc cũng chưa hợp lý nên đàn vật nuôi chậm lớn, hiệu quả kinh tế không cao.

Dẫn chúng tôi thăm trang trại, ông Dung vui vẻ nói: Sau khi tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi ở địa phương, tôi đã vỡ ra nhiều điều. Hoá ra từ trước tới nay mình chăn nuôi thiếu khoa học. Hèn nào không khá lên được!

Chăn nuôi trâu, bò sản xuất hàng hoá, nông dân "đút túi" tiền tỷ - Ảnh 3.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học trong chăn nuôi trâu, bò... đàn vật nuôi luôn khoẻ mạnh, nông dân nhàn hơn mà vẫn thu nhập tốt. Ảnh Tuấn Hùng

Tôi quyết tâm thay đổi phương thức chăn nuôi, từ nguồn vốn tích cóp bấy lâu, tôi dồn thêm tiền mở rộng quy mô, xây dựng chuồng trại kiên cố, khoa học, chăn nuôi tập trung sản xuất hàng hoá. Từ ngày đẩy mạnh áp dụng khoa học trong chăm sóc, đàn gia súc của gia đình tôi phát triển rất tốt, con nào con nấy béo tròn và tăng đàn rất ổn định.

Đưa chúng tôi dạo quanh khu chuồng trại, ông Dung hồ hởi nói: Tổng đàn trâu, bò của gia đình tôi luôn dao động từ 120 đến 190 con, chuồng lợn 200 con và hơn 4.000 con gà. Mô hình này giúp tôi "đút túi" gần tỷ đồng mỗi năm.

Chính sách hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi tập trung

Huyện Than Uyên là địa phương được đánh giá có tiềm năng thế mạnh về chăn nuôi gia súc. Trong thời gian qua, để khuyến khích người dân phát triển đàn gia súc giá trị kinh tế cao, huyện có nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ chăn nuôi theo hướng tập trung.

Trong đó có chính sách hỗ trợ nông dân trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi gia súc, hỗ trợ làm chuồng trại, hầm biôga đối với các hộ chăn nuôi gia súc quy mô lớn.

Chăn nuôi trâu, bò sản xuất hàng hoá, nông dân "đút túi" tiền tỷ - Ảnh 4.

Những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, bà con huyện Than Uyên, Lai Châu có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò... Ảnh Tuấn Hùng

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng chú trọng mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con việc tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, phun tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại.

Quyết tâm làm giàu, bà con đã mạnh phương thức trong phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thuận lợi cho việc chăm sóc và kiểm soát tốt dịch, bệnh.

Bà con đã chủ động hơn trong việc tích trữ rơm, rạ, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông... Nhờ đó, đàn gia súc trên địa bàn huyện phát triển ổn định. Đến nay tổng đàn gia súc của huyện ước đạt 52.000 con, trong đó đàn trâu 14.630 con, đàn bò gần 7.000 con, đàn lợn trên 31.000 con. Tổng đàn gia cầm ước đạt trên 318.000 con.

Tốc độ tăng đàn gia súc ước đạt trên 7%. Toàn huyện hiện có 66 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó 50 cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô 20 con trở lên. 12 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 60 con trở lên. 4 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 500 con trở lên.

Chăn nuôi trâu, bò sản xuất hàng hoá, nông dân "đút túi" tiền tỷ - Ảnh 5.

Bên cạnh nguồn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp, bà con ở huyện Than Uyên, Lai Châu trồng thêm cỏ voi làm thức ăn dự trữ vào mùa đông, việc chăn nuôi trâu, bò... thuận lợi mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ với phóng viên, anh Lương Văn Dương, viên chức Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển đàn gia súc giá trị kinh tế cao. Đồng thời vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và mở các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật chăm sóc cho bà con.

"Có thể khẳng định, hầu hết bà con đã thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn có áp dụng khoa học. Kết quả đạt được rất khả quan, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định mang lại nguồn thu nhập cao. Trung bình vài trăm triệu/hộ/năm, có gia đình thu cả tiền tỷ", anh Lương hồ hởi cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem