Chăm sóc, bón phân đúng cách cho cà phê trong mùa mưa

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 01/09/2017 10:40 AM (GMT+7)
Mùa mưa đến cũng là lúc quả cà phê vối bắt đầu tăng nhanh về kích thước, cùng lúc đó có sự tăng trưởng nhanh của cành, chồi trên cây cà phê. Do vậy, bà con cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và điều tiết ánh sáng cho phù hợp với tình trạng sinh lý của cây...
Bình luận 0

1. Tỉa cây che bóng:

Ở các vườn cà phê kiến thiết cơ bản, cần rong tỉa cây che bóng tạm thời (chủ yếu là cây muồng hoa vàng trồng giữa 2 hàng cà phê). Chặt thấp cây muồng hoa vàng ở độ cao 50-70cm để cây muồng tái sinh tốt. Trong một mùa mưa, cần rong tỉa hàng muồng hoa vàng này 2-3 lần để cà phê không bị cạnh tranh ánh sáng. Cành lá muồng hoa vàng đem tủ vào gốc cây cà phê.

img

Nông dân Gia Lai chăm sóc vườn cà phê.  Ảnh: B.B.P

Để bảo toàn phân bón (không bị bay hơi khi gặp nắng, không xói mòn khi gặp mưa to, đất dốc) và cà phê không bị cháy lá (do phân bốc hơi) đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cà phê kịp thời, cần bón phân đúng thời kỳ khi đất đã đủ ẩm bằng cách rạch rãnh, bón phân, lấp đất. Không nên chờ bón theo mưa.

Ở các vườn cà phê kinh doanh có trồng cây che bóng như keo dậu, muồng đen, cần rong tỉa cây bóng kịp thời ngay vào đầu mùa mưa để tăng cường ánh sáng cho vườn cây, giúp cành lá cà phê phát sinh được khỏe mạnh.

Đầu mùa mưa rong tỉa mạnh, chỉ để lại 1-2 cành hút nhựa nhỏ cho cây che bóng. Khi rong tỉa cây che bóng, chú ý không làm gãy, giập cành cà phê. Giữ yên cành lá cây che bóng được rong tỉa xuống trong vườn cà phê một thời gian cho lá rụng xuống làm phân xanh bồi dưỡng cho vườn, sau đó mới chuyển các cành to ra khỏi vườn để tiện việc đi lại, chăm sóc vườn cà phê. Trong mùa mưa, rong tỉa từ 2 – 3 lần tùy theo tốc độ ra lá cành của cây che bóng, tránh không cho vườn cà phê bị cớm, rợp. Đợt rong tỉa cuối cùng trước khi chấm dứt mưa 1 tháng.

2. Đánh chồi vượt cho cây:

Chồi vượt phát triển rất nhanh trong mùa mưa, do vậy cần đánh chồi vượt kịp thời. Trung bình 1 tháng đánh chồi vượt 1 lần. Khi đánh chồi vượt chú ý vặt các cành tăm, cành nhớt. Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ nên để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Vặt các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán cà phê.

3. Đào rãnh ép xanh, cày rạch hàng ép xanh:

Công việc tạo bồn hoặc cày rạch hàng có thể thực hiện trong mùa mưa, từ sau khi bón phân hóa học đợt một khoảng 20 ngày cho đến trước khi chấm dứt mưa 1,5 – 2 tháng. Đào rãnh sâu 30cm, dài 1m, rộng 20-25cm dọc theo mép trong bồn cà phê, mỗi gốc cà phê đào 1-2 rãnh. Dồn tất cả cỏ rác trên lô và cả phân chuồng nếu có vào rãnh, lấp đất lại. Cũng có thể dùng cày tời để cày rạch hàng giữa 2 hàng cà phê, cày sâu 50cm, nên cày 1 hàng, bỏ một hàng và năm sau lại cày luân phiên để hạn chế làm tổn thương bộ rễ.

4. Làm cỏ, bón phân:

- Bón trực tiếp vào đất, trước khi bón phải làm sạch cỏ dại.

- Đối với cà phê ở năm trồng mới, phân chuồng được bón lót cùng với phân NPK theo phương pháp rạch rãnh quanh tán, cách gốc 15 - 20cm, bón phân, sau đó lấp đất sâu 3 - 5cm.

- Đối với cà phê năm thứ 2 trở đi, bón rải theo hình vành khăn hoặc hai bên rộng từ 15 - 20cm theo mép tán lá, xới trộn đều với lớp đất mặt và lấp đất.

5. Phòng trừ sâu bệnh:

Các loại sâu bệnh thường hay xuất hiện trong mùa mưa là:

*Rệp vảy xanh (Coccus viridis), rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica): Các loại rệp này thường tập trung trên các bộ phận non của cây như: Chồi vượt, cành, lá, quả non… để chích hút nhựa làm rụng lá, quả khiến cây bị kiệt sức và có thể gây chết cây. Rệp thường xuất hiện nhiều trên các vườn cà phê kiến thiết cơ bản.

img

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn 8, xã EaKpam (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) luôn cho năng suất cao. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Biện pháp phòng trừ: Làm sạch cỏ trong lô, cắt bỏ các cành sát mặt đất để hạn chế sự lây lan của rệp thông qua kiến. Dùng một trong các loại thuốc Bi58, Subatox, Suprathion, Supracide, Pyrinex… nồng độ 0,2-0,3% để phun trừ rệp, phun 2 lần cách 7-10 ngày và chỉ phun trên những cây có rệp.

*Mọt đục quả (Stephanoderes hampei): Mọt gây hại chủ yếu trên các quả xanh già, quả chín trên cây và có khả năng phát triển trong quả khô còn sót trên cây, dưới đất và cả trong quả cà phê khô cất trong kho nếu phơi chưa khô, độ ẩm nhân > 13%.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn, thu hoạch các quả chín trên cây và phải nhặt hết các quả khô dưới đất, còn sót trên cây để cắt đứt sự lan truyền của mọt. Bảo quản quả khô hay nhân ở độ ẩm dưới 13% (sau thu hoạch).

*Bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix): Đây là loại bệnh gây hại phổ biến trên các vườn cà phê. Nấm ký sinh vào mặt dưới của lá, ban đầu là những vết màu vàng lợt, sau đó xuất hiện lớp phấn màu da cam, các vết bệnh lớn dần và gây rụng lá một phần hay toàn bộ khiến cây bị kiệt sức. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa và phát triển mạnh nhất vào cuối mưa.

Biện pháp phòng trừ: Phun một trong các loại thuốc Tilt, Bumper, Bayleton nồng độ 0,1% hay Anvil nồng độ 0,2% để phòng trừ bệnh. Đảm bảo phun kỹ vào mặt dưới của lá. Thời điểm phun lần đầu khi cây có 10% lá bệnh (thường xảy ra sau khi bắt đầu mùa mưa 2-3 tháng), phun 2-3 lần cách nhau 1 tháng. Hàng năm phải tiến hành phun thuốc vì thuốc chỉ có tác dụng phòng trừ bệnh trong năm. Ngoài ra, có thể loại bỏ hẳn các cây bị bệnh bằng cách ghép chồi thay thế. Cưa các cây bị bệnh gỉ sắt nặng, sau đó ghép các dòng cà phê vối chọn lọc có khả năng chống chịu gỉ sắt vào.

*Bệnh khô cành, khô quả: Do mất cân đối dinh dưỡng hoặc bị nấm Colletotrichum coffeanum gây nên. Bệnh gây hại chủ yếu trên cành, quả, làm khô cành và rụng quả. Các vết bệnh do nấm gây ra ban đầu có màu nâu vàng sau đó lan rộng và chuyển sang màu nâu sẫm, các vết bệnh thường lõm sâu xuống so với các phần không bị bệnh.

Biện pháp phòng trừ: Trồng cây che bóng hợp lý và bón phân cân đối để hạn chế tình trạng cây bị kiệt sức do ra quả quá nhiều. Cắt bỏ các cành bệnh. Có thể dùng một trong các loại thuốc: Carbenzim 0,2%, Tilt 0,1%, Bumper 0,1%. Phun vào đầu mùa bệnh trên các vườn xuất hiện bệnh. Phun 2-3 lần cách nhau 15 ngày. 

Hướng dẫn sử dụng phân NPK-S Lâm Thao

Cà phê vối mật độ 1.110 - 1.330 cây/ha; cà phê chè 4.440 - 5.000 cây/ha.

a. Giai đoạn kiến thiết cơ bản

- Bón lót khi trồng:

Bón cho 1 hố: 15 - 20kg phân chuồng, 1,0 - 1,5kg NPK-S*M1 5.10.3-8 (hoặc 0,7 - 0,9kg lân nung chảy (hoặc supe lân), 0,1 - 0,2kg urê). Nếu quy 1ha thì tương đương 25 - 30 tấn phân chuồng, 1.250 - 1.800kg NPK-S*M1 5.10.3-8 (hoặc 900 - 1.200kg lân nung chảy (hoặc supe lân), 130 - 250kg urê).

- Bón thúc:

Trong từng năm phải bón các loại phân NPK-S có tỷ lệ khác nhau để có đủ hàm lượng dinh dưỡng NPK-S cho cà phê theo tuổi và dao động được tính cho cà phê vối và cà phê chè như sau:

+ Năm 1: Sử dụng NPK-S10.10.5-7, lượng bón: 1.200 - 1.500kg, chia đều làm 4 đợt.

+ Năm 2: Sử dụng NPK-S10.10.5-7, lượng bón: 2.000 - 2.500kg, chia đều làm 4 đợt.

+ Năm 3: Sử dụng NPK-S10.10.5-7, lượng bón: 2.500 - 3.000kg, chia đều làm 4 đợt.

b. Giai đoạn cà phê kinh doanh và tu bổ

- Đối với cà phê vối để đạt năng suất 3,5 - 4,0 tấn nhân/ha và cà phê chè 2,5 - 3,0 tấn nhân/ha hàng năm sử dụng phân bón NPK-S*M1 12.5.10-14 để bón 300 - 400kg vào đợt 1 + 800-1.000kg vào đợt 2 + 1.000-1.200kg vào đợt 3 và 700 - 800kg vào đợt 4.

- Có thể tăng hoặc giảm 10 - 15% lượng phân bón trên cho mỗi tấn cà phê nhân.

Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã và đang kết hợp Viện Nông hóa thổ nhưỡng xây dựng các quy trình bón phân NPK-S đồng bộ khép kín các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, trong đó có cà phê và đã được thực hiện ở các địa phương để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem