Cây "pí pặp" - sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa của người Thái

Mùa Xuân Thứ tư, ngày 05/10/2022 13:00 PM (GMT+7)
Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối mùa thu, chúng tôi đến thăm nghệ nhân Lèo Văn Chom, bản Thộ (Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La). Năm nay đã 73 tuổi nhưng ông Lèo Văn Chom vẫn say mê "pí pặp" - nhạc cụ dân tộc Thái.
Bình luận 0


Clip: Âm thanh ngân vang của cây pí pặp do nghệ nhân Lèo Văn Chom (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thổi.

Đam mê pí pặp từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường

Trong mái hiên nhà sàn truyền thống đơn sơ, giản  dị, chỉ có ông Chom và người vợ của mình đang phơi những hạt ngô nuôi vài con gà, vịt hưởng tuổi già. Ông Chom nay tóc đã bạc trắng nhưng giọng nói vẫn lưu loát, thanh thoát như ngày còn trẻ vậy. Nói đến Pí pặp, đôi mắt già nua của ông như chợt sáng lên.

Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Chom lấy chiếc khăn lau những Bằng khen, Giấy khen treo trang trọng trên tường nhà như một niềm tự hào về những thành tích mà ông Chom đã một thời trải qua bao sóng gió, sự khổ luyện.

Ông Chom, nhớ lại: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Sau này tôi được bố, mẹ cho đi học tại Trường thanh niên dân tộc tỉnh Sơn La, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã là một trong những cây văn nghệ của trường. Cũng chính vì giọng hát hay nên tôi luôn đam mê các loại nhạc cụ dân tộc Thái. Trong đó, cây pí pặp là một trong những nhạc cụ được tôi yêu thích và được người cha quá cố truyền lại lưu giữ cho đến ngày nay.

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 2.

Nghệ nhân Lèo Văn Chom (trái), bản Thộ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) chế tác cây pí pặp. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Chom khi mới tuổi trăng tròn ông đã bắt đầu theo học các loại nhạc cụ dân tộc Thái từ người cha, nhưng đối với cây pí pặp (cây sáo) muốn học thành thạo rất khó. Chính bởi vậy mà phải mất 2 năm trời ròng rã học mót từ bố, ông Chom mới thổi được cây pí pặp với những âm thanh đúng theo bài hát tiếng Thái.

Để thổi được cây pí pặp điều quan trọng nhất là người thổi phải thực sự đam mê và hòa tâm hồn mình vào trong cây pí pặp. Có như vậy âm thanh mới uyển chuyển, cuốn hút người nghe và giai điệu pí pặp mới trở nên sống động.

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường thanh niên dân tộc tỉnh Sơn La, ông Chom được nhận vào công tác tại Đài phát thanh khu tự trị Tây Bắc (nay là Đài phát thanh Truyền hình tỉnh Sơn La). Trong thời gian công tác ở Đài ông Chom được phân công phụ trách mảng văn nghệ, cũng từ đây giọng hát, âm thanh của cây pí pặp đã ngân vang khắp các núi rừng Tây Bắc. Đến năm 2006, sau 35 năm công tác, ông Chom được nghỉ hưu theo chế độ.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng tình yêu và niềm đam mê ca hát, nhạc cụ dân tộc, nhất là cây pí pặp vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn ông Chom. Ông vẫn chế tác nhạc cụ dân tộc Thái và thổi pí pặp cho bà con nhân dân nghe và sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Mất một ngày để làm được một cây pí pặp

"Pí pặp" là một loại nhạc cụ bằng hơi, được làm từ ống nứa trên nương, đồi và trong các khu rừng nơi đồng bào Thái thường sinh sống. 

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 3.

Các loại pí, với từng loại kích thước khác nhau do nghệ nhân Lèo Văn Chom chế tác. Ảnh: Mùa Xuân.

Gắn bó với cây pí pặp hơn 50 năm nay, ông Chom bảo tất cả chỉ vì một tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.  Người Thái có nhiều loại nhạc cụ làm từ ống giang, ống nứa, chỉ riêng sáo, tức pí của người Thái, ngoài thổi được pí pặp, ông Chom còn thổi được pí láo nọi, pí láo luông, pí tam. Mỗi loại pí được sử dụng trong các trường hợp khác nhau và có âm điệu khác nhau. 

Để làm một cây pí, phải công phu, tỉ mỉ ngay từ lúc lựa chọn, ông Chom cho biết: Nứa được chặt vào ngày cuối tháng khi mùa thu chuyển sang mùa đông, như vậy nứa mới không bị mọt, nứa chặt vào những ngày khác thì phải luộc nứa lên hoặc để trên gác bếp nhưng âm vang không được chuẩn hay bị trầm.

Cây nứa được chọn là những cây có nắng chiếu vào nhiều, thân nứa tròn đều, rồi mang về phơi cho héo để âm vang của pí được đều và hay. Pí pặp dài khoảng 40 cm thường có 5 lỗ tương đương với 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si và khoảng cách giữa các lỗ được tính theo chu vi hình tròn ở đầu ống nứa.

Sau khi dùi lỗ xong, làm lam ở phần đầu ống thổi để cài lưỡi gà vào. Lưỡi gà là một thanh bằng đồng đã được chế tạo thủ công rất mỏng để khi thổi âm thanh phát ra trong hơn. Tiếp đến vót mây chắn buộc vào đầu lam để bảo vệ lưỡi gà, rồi lấy vôi quét vào lam không bị gỉ. Vừa làm, vừa chỉnh âm thanh cho cây pí pặp nên trung bình sẽ mất khoảng một ngày để hoàn thành một cây pí pặp như thế.

Pí pặp nhạc cụ kết duyên tình yêu đôi lứa của đồng bào dân tộc Thái

Vừa giới thiệu về cách chế tác và các loại pí, ông Chom vừa thổi cho chúng tôi nghe giai điệu của từng loại. Nhìn chiếc pí pặp tương đối đơn sơ, nhưng khi nghệ nhân Lèo Văn Chom cất lên nhịp điệu thì chúng tôi như cảm nhận được sự giao hòa giữa đất trời và vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn con người sáng hơn và thêm tin yêu vào cuộc sống.

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 4.

Ông Lèo Văn Chom đã gắn bó với cây pí pặp hơn 50 năm nay, nhờ cây pí pặp đã giúp ông Chom kết duyên với người mình yêu và nên vợ, chồng. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngày xưa, với những chàng trai Thái, pí pặp như người bạn, còn với các cô gái Thái, tiếng pí pặp là âm thanh giúp họ tìm được người trong mộng và qua tiếng pí pặp người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc của người thổi đang vui hay buồn. 

Cũng theo ông Chom, những năm 70 của thế kỷ XX điện thoại, xe cộ không có như bây giờ, đường giao thông thì đi lại vô cùng khó khăn. Thứ duy nhất để gọi người mình yêu chính là pí pặp, khi các chàng trai đi gặp người yêu đầu tiên sẽ thổi đàn môi trước nhưng âm thanh của đàn môi thường bé nên khi thổi đàn môi mà người con gái không nghe thấy thì sẽ lấy cây pí pặp ra thổi để người yêu nghe rõ hơn.

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 5.

Cây pí pặp có chiều dài khoảng 40 cm, với 5 lỗ do ông Lèo Văn Chom chế tác. Ảnh: Mùa Xuân.

"Thổi cây pí pặp chính là cách mà người ta hay thường gọi là chọc sàn, hiểu một cách sâu hơn có nghĩa là việc chọc sàn của đồng bào dân tộc Thái không phải là mang cây gậy đến nhà sàn của người cô gái để chọc mà theo đúng nghĩa chính là dùng nhạc cụ ngồi bên mái hiên nhà sàn để thổi ngâm vang làn điệu của dân tộc mình để thay cho lời gọi cô gái ra ngoài tâm sự. Pí pặp là một trong những loại nhạc cụ thổi bằng giai điệu bài hát của dân tộc Thái để mời gọi người mình yêu" - ông Chom tâm sự.

Ngày nay, những người dân tộc Thái biết thổi pí pặp ở bản Thộ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều quan trọng hơn là ông Chom đã và đang góp phần vào việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái để lại.

Ông Hoàng Văn Chứng, năm nay đã gần 60 tuổi, bản Thộ, xã Chiềng Ban, ông là một trong những người duy nhất của bản kế thừa cây pí pặp từ ông Chom. Ông Chứng, chia sẻ: Năm tôi lên 12 tuổi, tôi hay sang nhà ông Chom chơi, tôi được nghe ông Chom thổi cây pí pặp về các làn điệu dân ca của dân tộc mình nên tôi thích lắm. Ngoài ra, tôi nghe các cụ nói để tỏ tình với người mình yêu thì phải biết thổi cây pí pặp này, do vậy tôi đã quyết tâm học cây pí pặp do ông Chom truyền dạy.

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 6.

Ông Hoàng Văn Chứng (phải) một trong những người con của bản Thộ đã được ông Chom truyền dạy các loại pí của dân tộc Thái. Ảnh: Mùa Xuân.

"Vào các ngày lễ Tết, ngày hội đoàn kết toàn dân, tổng kết bản... người dân trong bản lại cất lên những làn điệu dân ca của dân tộc mình và tôi cũng mang cây pí pặp đến để thổi phụ họa theo giai điệu bài hát. Tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy và gìn giữ những làn điệu dân ca và nhạc cụ dân tộc Thái". Ông Chứng nói.

Để ghi nhận những cống hiến, thành tích của ông Chom, năm 2019, ông Lèo Văn Chom đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú về "Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Sơn La, đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc".

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 7.

Ông Lèo Văn Chom, bản Thộ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn xem lại những Bằng khen, Giấy khen về những thành tích của bản thân khi còn trẻ. Ảnh: Mùa Xuân.

Cây "pí pặp" sợi dây kết duyên của tình yêu đôi lứa  - Ảnh 8.

Năm 2019, ông Lèo Văn Chom được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Ảnh: Mùa Xuân.

Cuộc sống hiện đại đi kèm với những đổi thay nhưng với những nét độc đáo của mình, những âm vang say sưa của tiếng pí pặp, đàn môi, tính tẩu, … có lẽ vẫn sẽ còn ngân nga gắn bó với những người Thái, nơi vùng cao Sơn La nói riêng và vùng cao Tây Bắc nói chung như một phần không thể thiếu, góp phần tạo nên vẻ đẹp của âm nhạc dân gian dân tộc Thái. Đó là một trong các giá trị truyền thống cần gìn giữ và phát huy.

"Pí pặp" (cây sáo) là nhạc cụ kết tinh của tình yêu, là linh hồn trong âm nhạc dân ca, dân vũ, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo riêng của đồng bào dân tộc Thái. Cộng đồng người Thái cũng gửi gắm vào loại nhạc cụ này tinh thần lạc quan và những triết lý sống của dân tộc mình.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem