Cấy lúa bằng máy, nhà nông hết cảnh còng lưng, ruộng thẳng tắp làm gì cũng dễ

Thu Hà Thứ bảy, ngày 25/07/2020 06:03 AM (GMT+7)
Áp dụng mạ khay, cấy máy cho năng suất lúa tăng 10-15% so với phương pháp truyền thống, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiệu quả đã rõ, song việc áp dụng phương pháp tiên tiến này tại địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Vừa qua, tại huyện Phú Xuyên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) TP.Hà Nội đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển sản xuất mạ khay, cấy máy trên địa bàn thành phố.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Đại-Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Hà Nội là một trong những tỉnh, thành có diện tích đất trồng lúa lớn ở miền Bắc. Việc cơ giới hóa trong trồng lúa, nhất là ở khâu mạ khay, cấy máy sẽ góp phần giải phóng sức lao động trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết tình trạng ruộng bỏ hoang. 

Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, chiếm trên 95% diện tích; khâu thu hoạch chiếm trên 85%; khâu gieo cấy chủ yếu vẫn là thủ công, mới áp dụng cơ giới hóa được 3% diện tích.

Cấy lúa bằng máy nhà nông hết cảnh còng lưng - Ảnh 1.

Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi về kỹ thuật áp dụng mạ khay cấy máy tại Hội thảo

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy rất cao (chỉ tính riêng chi phí khâu gieo mạ khay, cấy máy so với phương pháp truyền thống giảm từ 4-5,4 triệu đồng/ha), nhưng số diện tích áp dụng còn hạn chế. Hiện, toàn thành phố có 330 máy cấy, diện tích lúa được cấy bằng máy chỉ đạt khoảng 5.000ha, chiếm 2,73% diện tích cấy lúa. Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu đưa diện tích mạ khay, cấy máy lên 10%.

Hỗ trợ cho nông dân

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy là rất cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy phát triển rất chậm. Qua thực tiễn cho thấy, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là khó khăn chính.

Cấy lúa bằng máy nhà nông hết cảnh còng lưng - Ảnh 2.

Thực hiện cấy lúa bằng máy tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Ánh Ngọc

"Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cùng hỗ trợ tích cực của thành phố và huyện, đến nay, toàn xã đã có 45 máy cấy, diện tích cấy máy đạt 90%…".

Ông Nguyễn Khắc Đức -

Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Triều

Nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc trong khâu sản xuất mạ khay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động. 

Từ năm 2014 - 2019, Trung tâm đã hỗ trợ 17 dây chuyền gieo mạ khay tự động, năng suất gieo trung bình của 1 dây chuyền đạt 500 - 600 khay/giờ, cấy đủ cho 2ha lúa, giúp giảm chi phí sản xuất từ 180.000 – 200.000 đồng/ha so với gieo mạ khay theo phương pháp thủ công bằng giàn đẩy tay. 

Đến nay, toàn thành phố có khoảng 35 dây chuyền gieo mạ khay tự động và 114 dàn gieo đẩy tay đang hoạt động. 

Cùng với hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. Năm 2019, hỗ trợ gieo 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400ha lúa/2 vụ, tại 4 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa và Đông Anh.

Vụ mùa 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 6 máy cấy lúa, 4 dây chuyền gieo mạ khay tự động và xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy với quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400ha lúa tại 8 huyện.

Theo đó, các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống (45kg/ha), 50% giá thể gieo mạ (1.200kg/ha) và 50% khay nhựa gieo mạ (270 khay/ha). Kết quả, lúa canh tác bằng mạ khay máy cấy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 - 62 tạ/ha. So với canh tác truyền thống, mô hình mạ khay máy cấy giúp giảm chi phí sản xuất từ gần 3,9 - 5,45 triệu đồng/ha.

Thông qua hỗ trợ xây dựng các mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động, mô hình sản xuất mạ khay đã giúp hình thành được 7 trung tâm sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn của Kubota Việt Nam tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Ứng Hòa và Thanh Oai, với năng lực sản xuất 25.000 - 30.000 khay mạ/vụ/trung tâm, phục vụ cho việc mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem