Cánh đồng "3 không" là gì mà lần đầu tiên một xã của tỉnh Hải Dương quyết làm bằng được?

Thứ bảy, ngày 18/03/2023 18:25 PM (GMT+7)
Huyện Thanh Miện (Hải Dương) đang tăng cường thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ có giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0

Huyện Thanh Miện, Hải Dương thúc đẩy sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ

Năm 2023, một trong các công việc đột phá mà huyện Thanh Miện (Hải Dương) đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện”. 

Để hiện thực hoá nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp và các địa phương trong huyện đã nhanh chóng triển khai công việc. Nhờ đó mà nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn sớm được ra mắt, một số mô hình đã có được nhân rộng. 

Vụ đông xuân năm nay, xã Chi Lăng Nam đã xây dựng mô hình cánh đồng "3 không" với tổng diện tích 30 ha ở các thôn Hội Yên, Triều Dương. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã xây dựng được mô hình này. 

Cánh đồng "3 không" là gì mà lần đầu tiên một xã của tỉnh Hải Dương quyết làm bằng được? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Tiến, xã Tứ Cường, Thanh Miện, Hải Dương đầu tư xây dựng nhà màng để trồng dưa sạch.

Bà Trần Thị Tuần, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: "Hơn 150 hộ dân tham gia mô hình cam kết trong quá trình sản xuất, canh tác không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và không vứt rác thải bừa bãi. Mô hình được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến nông nghiệp sạch, bền vững".

Đam mê với nông nghiệp sạch nên năm 2019, anh Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1990, ở thôn An Khoái, xã Tứ Cường) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng 2.100m2 nhà màng. Trên diện tích này, anh Tiến chủ yếu trồng dưa lưới, dưa lê và dưa chuột. Trong quá trình canh tác, anh không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng các loại thuốc sinh học không có hại cho sức khoẻ con người. Khâu làm đất, tưới nước, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ cũng được ứng dụng cơ giới hoá 100%. 

Năm 2023, mô hình trồng dưa lưới của anh Tiến đã được huyện xây dựng thành cơ sở sản xuất nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Hiện anh đang đầu tư 1,6 tỷ đồng để xây dựng thêm 5.000 m2 nhà màng mở rộng quy mô sản xuất. Dự kiến đầu tháng 4, nhà màng này sẽ trồng vụ dưa sạch đầu tiên. Sản phẩm dưa của gia đình anh Tiến cũng đang được xã Tứ Cường xây dựng thành sản phẩm OCOP trong năm nay.

Ngoài lĩnh vực trồng trọt, từ đầu năm đến nay huyện Thanh Miện còn chủ động hướng dẫn các hộ nuôi thuỷ sản tại các xã Chi Lăng Bắc, Lê Hồng, Phạm Kha hoàn thiện các thủ tục để được chứng nhận đạt quy trình VietGAP. Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các xã Ngô Quyền, Lam Sơn, Tứ Cường, Ngũ Hùng...

Cánh đồng "3 không" là gì mà lần đầu tiên một xã của tỉnh Hải Dương quyết làm bằng được? - Ảnh 2.

Nông dân xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương sử dụng hệ thống tưới nước tự động cho vùng trồng rau màu tập trung

Tăng trưởng xanh

Năm nay, huyện Thanh Miện đặt mục tiêu "tăng trưởng xanh" cho ngành nông nghiệp ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Huyện phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản tăng bình quân từ 2,5%-3%/năm. Lĩnh vực trồng trọt - thuỷ sản đạt 200 triệu đồng/ha; chăn nuôi theo quy trình VietGAP đạt 10 triệu đồng/m2. 

Để làm được điều này, huyện đề nghị các địa phương mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản xuất, ưu tiên sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.

Xã Chi Lăng Nam được huyện Thanh Miện định hướng phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái. Do đó những năm qua, tại địa phương này xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu. 

Đại diện lãnh đạo xã Chi Lăng Nam cho biết, trên địa bàn xã hiện có 1 làng nghề bánh đa truyền thống và 3 mô hình nông nghiệp tiêu biểu. Các mô hình này đều có thể kết hợp với khu du lịch sinh thái Đảo Cò tạo thành chuỗi du lịch trải nghiệm hấp dẫn để thu hút du khách. Đây cũng là chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với mô hình “tăng trưởng xanh” gắn với đặc thù và khả năng của địa phương. 

"Năm 2022, chúng tôi thử đưa cánh đồng trồng sen lấy hoa kết hợp với khu du lịch sinh thái Đảo Cò để giới thiệu đến du khách. Mọi người rất thích thú khi địa phương có thêm một điểm đến hấp dẫn khác ngoài đảo Cò. Lượng khách đến địa phương tham quan và trải nghiệm cũng đông hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có trang trại hữu cơ Phong Cò cũng có thể khai thác làm du lịch trải nghiệm", ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND  xã Chi Lăng Nam cho biết.

Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng NNPTNT huyện, định hướng phát triển ngành nông nghiệp của huyện trong thời gian tới sẽ dựa theo quy hoạch vùng đã được phê duyệt nhằm tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở những địa phương đã có lợi thế. Trong đó ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản đặc thù. 

"Năm 2023, chúng tôi sẽ xây dựng 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 6 mô hình nông nghiệp hữu cơ, 3 mô hình liên kết sản xuất và 11 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, quy trình VietGAP. Trước mắt, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ đối với các mô hình mở rộng giống lúa mới ST25, Nếp hương, nhà màng, nhà lưới với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng", bà Nhung cho biết.


Đỗ Quyết (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem