dd/mm/yyyy

Cẩn trọng trước "sóng thần COVID-19"

Việt Nam vừa bước qua 1 tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, đó là một tín hiệu vô cùng tích cực. Nhưng cùng với đó, sự lơ là, chủ quan trong phòng dịch cũng đang xuất hiện nhiều hơn…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến sáng 25/4, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước và con số này đã được giữ nguyên trong 31 ngày qua. Tổng số ca bệnh trên toàn quốc tính từ khi dịch bùng phát là 2.833, trong đó những ngày gần đây chủ yếu ghi nhận các ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 trên thế giới tính đến thời điểm này đã vượt quá 147 triệu, với trên 3,1 triệu ca tử vong. Chỉ trong hơn 10 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng khoảng 686.000 ca và tăng thêm trên 9.500 ca tử vong. Riêng tại “tâm chấn” Ấn Độ, chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 349.313 ca nhiễm mới và số người tử vong tăng thêm 2.761 người. Con số này đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp, số ca mắc mới ở Ấn Độ trên mức 200.000. Hình ảnh những lò thiêu xác bệnh nhân ở Ấn Độ luôn đỏ rực trong những ngày qua để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân toàn thế giới. Còn tại các nước láng giềng Đông Nam Á, Philippines tăng trên 9.660 ca mắc COVID-19, Indonesia tăng trên 4.500 ca, Thái Lan tăng gần 2.840 ca, Malaysia tăng trên 2.700 ca, Campuchia tăng 511 ca, Lào tăng 88 ca... trong vòng hơn 10 giờ qua, với nhiều con số cũng được ghi nhận là ở mức kỷ lục.

Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định Việt Nam vẫn là một điểm sáng phòng, chống dịch của thế giới. Việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhờ các biện pháp quyết liệt từ trên xuống dưới và sự đồng lòng của mỗi người dân chính là cơ sở để chúng ta nới lỏng các biện pháp hạn chế, thúc đẩy khôi phục kinh tế và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện đang trải qua những thời khắc tồi tệ nhất của làn sóng lây nhiễm mới của virus SARS-CoV-2 - mà truyền thông khu vực gọi là “sóng thần COVID-19”, thì “ốc đảo an toàn” Việt Nam vẫn tương đối mong manh. Chỉ cần một thoáng lơ là, dịch bệnh có thể tái bùng phát và đẩy nhiều địa phương, đẩy nhiều người vào trạng thái căng thẳng, phong tỏa, cách ly, hạn chế, giải cứu…, giống như những gì mới xảy ra với tỉnh Hải Dương cách đây không lâu.

Trên thực tế, hơn 1 tháng bình yên trong cộng đồng vừa qua đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở không ít người dân cũng như ở một số khâu của hệ thống phòng, chống dịch. Ra đường bây giờ, hầu như ở đâu và bất cứ thời điểm nào cũng có thể bắt gặp hình ảnh người dân không đeo khẩu trang; tụ tập đông người nhiều khi đã trở thành chuyện bình thường… Kể cả trong các cuộc hội họp, sự thờ ơ phòng dịch cũng không phải là chuyện hiếm. Cái vỏ bọc an toàn dường như đã khiến không ít người quên đi những nguy cơ vẫn đang rình rập đối với cộng đồng.

Những ngày qua, áp lực đối với các tuyến biên giới nước ta đang ngày càng gia tăng. Khi diễn biến dịch bệnh tại Campuchia và Lào trở nên đặc biệt phức tạp với số lượng ca mắc và ca tử vong do COVID-19 luôn ở mức báo động, thì tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cũng trở nên khó kiểm soát hơn. Hầu như ngày nào, chúng ta cũng ghi nhận thông tin về các trường hợp nhập cảnh trái phép về nước bị lực lượng chức năng bắt giữ và trong số họ có những người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đã lọt qua được lưới an ninh và gieo rắc nỗi lo sợ cho cộng đồng, như ba trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch vào Tây Ninh mới đây, rồi sau đó di chuyển tới nhiều địa điểm, trong đó có TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giả sử đây là các trường hợp dương tính và các F1 của họ sau đó cũng vậy, mọi chuyện sẽ nghiêm trọng tới mức nào?

Phòng, chống dịch mà chỉ dựa vào “may mắn” thì quả thực vô cùng mạo hiểm. Hơn 1 năm qua, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát dịch khác nhau và chúng ta đều vượt qua một cách xuất sắc, được thế giới ca ngợi. Hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế Việt Nam cũng đã được ghi nhận, với 2.516 ca bệnh được chữa khỏi tính đến thời điểm này và 35 ca tử vong đều là bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng. Chúng ta cũng đang triển khai tiêm vaccine theo đúng lộ trình, với 198.972 người đã được tiêm chủng tính đến hết ngày 24/4… Điểm nổi bật trong thành tích chống dịch của Việt Nam chính là sự chủ động, quyết liệt thưc hiện các biện pháp đồng bộ, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân. Hơn lúc nào hết, trong thời điểm “sóng thần COVID-19” đang bủa vây khắp nơi, tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm làng, khu phố là một pháo đài chống dịch” cần được tiếp tục phát huy.

Với cá nhân, mỗi người cần tuân thủ các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Các hệ thống phòng, chống dịch ở mỗi địa phương cũng cần được “đánh thức” trở lại, đầu tiên là trong việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, và sau nữa là sẵn sàng các biện pháp ứng phó cho tình huống xấu…

Hiện nay đang là thời điểm cả nước tập trung toàn lực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sắp tới cũng sẽ là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Rồi ngay trước mắt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5… Sự kiện tập trung đông người, thái độ chủ quan trong nước và dịch bệnh rình rập ở biên giới, đó chính là những “cơ hội” tốt cho virus SARS-CoV-2 quay trở lại và bùng phát. Vì vậy, không có thông điệp nào ý nghĩa hơn vào thời điểm này ngoài việc mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng dịch cho chính mình và gia đình. Mỗi người dân an toàn, nghĩa là cả xã hội an toàn. Đó là cách tốt nhất giúp chúng ta tự tin đương đầu với đợt “sóng thần COVID-19” ngoài kia.

Trung Sơn