Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng dân gánh cây lim, huê, dẻ đi phủ xanh đồi núi trọc

Trần Anh Thứ ba, ngày 21/03/2023 06:14 AM (GMT+7)
Gánh cây giống, vượt đồi núi, người dân cùng các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang từng ngày đi trồng rừng thay thế, phủ xanh những đồi núi trọc, công việc này tạo thu nhập khá cho bà con địa phương với số tiền 350.000 đồng/ngày.
Bình luận 0

Gánh cây giống lên đồi cao trồng rừng

6 giờ sáng, tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), ông Lê Ngọc Duẩn – Giám đốc Ban đốc thúc, động viên cán bộ, nhân viên đi trồng cây đạt hiệu quả. Sau đó, mọi người lanh lẹn bốc những bầu cây: lim, huê, dẻ lên xe máy. Bên cạnh đó, xoong nồi, thức ăn, nước uống cũng được chất lên xe để chuẩn bị cho hành trình trồng cây trong nhiều ngày tới.

Clip: Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch cùng người dân dùng xe máy chở cây giống vượt đường núi hiểm trở đi trồng rừng thay thế

Khi mọi thứ đã xong, cán bộ, nhân viên của Ban chạy xe máy hướng về khu vực rừng thuộc quản lý của Ban ở địa phân các xã Quảng Thạch, Quảng Châu, Quảng Hợp…

Trên đường đi, anh Nguyễn Văn Khánh – Cán bộ kĩ thuật Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch, cho biết: "Chúng tôi có thuê người dân bản địa đi trồng cây, người dân đang đợi chúng tôi ở bìa rừng, đến đó gặp nhau rồi cùng đi vào rừng một lần. Một ngày, bà con nhận được 350.000 đồng tiền công".

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 2.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cùng người dân bản địa chở cây giống vượt đường núi đi trồng rừng thay thế. Ảnh: TA

Khi nhóm người dân bản địa cùng nhập đoàn, những chiếc xe máy chở hơn 200 cây giống phải vượt qua cung đường rừng nhỏ hẹp, gập nghềnh, đòi hỏi tay lái vững vàng mới không bị té ngã.

Đến đoạn đường xấu, không thể chạy xe máy, cán bộ, nhân viên Ban cùng người dân bản địa chia nhau cây giống (lim, huê, dẻ), rồi bỏ vào đòn gánh và gánh lên trên đỉnh núi cao để trồng.

Anh Khánh cho hay: "Thường chúng tôi phải gánh cây giống đi từ 3 -5 km mới đến tận chỗ trồng, đường dốc, lởm chởm đá nên rất khó gánh".

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 3.

Người dân đang gánh cây giống (lim, huê, dẻ) đi lên đồi cao để trồng rừng, một ngày người dân được trả 350.000 đồng, đây là nguồn thu nhập khá của bà con nơi đây. Ảnh: TA

Đến gần trưa, mọi người mới gánh cây giống tới chỗ cần trồng và liền bắt tay vào trồng cây, người cầm cuốc đào hồ, người đặt bầu cây vào rồi trồng dưới sự hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật Ban.

Trong lúc trồng, câu chuyện về đời sống, tình cảm gia đình hay những mẩu chuyện đùa đời thường được mọi người kể cho nhau nghe, sự mệt nhọc dường như bị lãng quên.

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 4.

Người dân dùng cuốc đào hố ở vùng đồi núi, đất đá chen nhau, để trồng cây. Ảnh: TA

"Người dân bản địa đi trồng rừng thay thế cùng Ban đều rất rắn rỏi, chất phác nông dân, mọi người chuyện trò với nhau rất vui vẻ tạo không khí làm việc hăng say, có ngày chúng tôi trồng tới tận 3 giờ mới nghỉ tay, ăn cơm trưa", anh Khánh nói.

Anh Nguyễn Văn Khánh, cho hay: "Những chuyến trồng rừng của chúng tôi thường kéo dài vài ngày và phải ngủ lại trong rừng. Để có bát đũa ăn cơm, chúng tôi bẻ cây đót làm đũa và quấn lá chuối tạo thành cái bát nhỏ.

Đêm ngủ trong rừng lạnh lắm, phải mang theo chăn, màn để tránh muỗi. Về đêm, tiếng chim, ve kêu râm ran cả khu rừng, có con chim thường phát ra âm thanh như kiểu "Bắc kèo qua cột", được chúng tôi chế lại là "Công trình bắt buộc, không làm không được".  

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 5.

Bữa trưa chỉ có nồi mỳ tôm với ít rau rừng của những người đi trồng rừng thay thế.

Ông Nguyễn Văn Luận (ở xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Tôi được Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch thuê đi trồng rừng, một ngày được trả 350.000 đồng. Công việc không quá vất vả, tôi còn có thu nhập khá, đặc biệt hơn, công việc này có ích cho xã hội, góp phần phủ xanh những đồi trọc".

Phủ xanh những cánh rừng

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Lê Ngọc Duẩn – Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Từ năm 2019 đến nay,chúng tôi đã trồng thêm 202 ha rừng thay thế, trong đó, có 15 ha người dân trả lại đất trước đây lấn chiếm, theo chỉ thị 03 của UBND tỉnh Quảng Bình".

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 6.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cùng người dân bản địa gánh cây giống vượt đồi núi cao đi trồng rừng thay thế. Ảnh: TA

Theo ông Lê Ngọc Duẩn, hàng năm, đơn vị đều rà soát quỹ đất để đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế. Trong phương án được lập để trình UBND tỉnh, đơn vị tập trung vào những nơi đất trống đồi núi trọc, có diện tích trồng cây phải đạt 0,5 ha trở lên.

Triển khai trồng rừng thay thế, đơn vị cho nhân viên và thuê người dân vào rừng phát luống, vận chuyển cây giống bằng xe máy và gánh đi bộ. Trong năm đầu tiên, chúng tôi tập trung trồng keo hai bên luống để tạo bóng, hỗ trợ cho các cây bản địa. Khi cây keo được 1 năm tuổi, phát triển tốt thì bắt đầu trồng cây bản địa. Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm đơn vị trồng được 40 ha rừng thay thế.

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 7.

Bàn tay của người dân cùng cán bộ, nhân viên rừng phòng hộ đang từng ngày phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

"Trong quá trình trồng rừng, chúng tôi kiểm tra thường xuyên diện tích cây trồng mới, cây nào chết phải trồng lại ngay. Qua một năm, đơn vị phải huy động lực lượng, thuê thêm người dân vào vun xới gốc, dọn thực bì xung quanh. Khi cây phát triển ổn định, cạnh tranh được chất dinh dưỡng, ánh sáng với những cây xung quanh sẽ không phải vun gốc nữa mà chỉ phát thực bì. Nhờ được trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt nên tỷ lệ cây sống và phát triển đạt trên 90%". Ông Lê Ngọc Duẩn cho hay.

Trao đổi với PV, ông Bạch Thanh Hải – Giám đốc Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Đến thời điểm này, chúng tôi đã trồng trên 204 ha rừng thay thế. Rừng được trồng chủ yếu trên đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại khoảnh 3,4,5 tiểu khu 525 và 526. Khu vực này thuộc xã Kim Thủy, cách đường Hồ Chí Minh nhánh Đông khoảng 20km và giáp với tỉnh Quảng Trị.

Quảng Bình: Cán bộ rừng phòng hộ cùng người dân gánh cây lim, huê, dẻ đi trồng rừng, phủ xanh những đồi núi trọc - Ảnh 8.

Rừng thay thế chủ yếu được trồng bằng các cây bản địa, gồm: Dổi, huỵnh, lim xanh, lát hoa, dẻ, huê… trên đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng.

Đây là khu vực có rừng khá giàu, lại là nơi sinh sống của nhiều loại động vât hoang dã. Do vậy, đơn vị lựa chọn những tiểu khu này để trồng rừng thay thế bằng cây bản địa nhằm làm giàu thêm cho rừng, giữ nguồn nước, tạo môi trường sống đa dạng cho các loài động vật hoang dã".

"Để bảo vệ, chăm sóc rừng trồng, đơn vị đã rào thép gai được 80ha, thuê người dân bản địa vào dựng lán, ăn ở lại để bảo vệ rừng, xua đuổi trâu, bò. Đối với diện tích rừng mới trồng 2 năm đầu, Ban cử cán bộ kỹ thuật và thuê người dân vun gốc, trồng dặm, phát dây leo, thực bì… mỗi năm 2 lần. Đối với những diện tích trồng được 3 năm thì chăm sóc mỗi năm một lần, công việc chủ yếu là dọn thực bì và phát dây leo. Nhờ được chăm sóc chu đáo nên rừng thay thế của đơn vị sống đạt trên 85%, có những cây lim phát triển cao 1,5m và xoè tán", ông Bạch Thanh Hải nói.

"Trong điều kiện khó khăn, vất vả song các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế. Qua đó, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế tình trạng sạt lở, cải thiện môi trường, bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, điều tiết lũ trên địa bàn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…", ông Nguyễn Văn Duẫn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem