Cách trồng thanh long “khác người” của chàng trai người Thái, "bắt" quả chín đỏ vào ngày rằm, lễ tết

Tố Loan Thứ hai, ngày 02/05/2022 10:00 AM (GMT+7)
Ngày Quàng Văn Trung xây những trụ bê tông đầu tiên để sẵn sàng đưa thanh long ruột đỏ về trồng, bà con dân bản bảo anh: “Điên”. Nhưng 8 năm sau, vị Giám đốc trẻ của HTX Nông nghiệp sạch An Phú (phường Chiềng An, TP.Sơn La, Sơn La) đã chứng minh: Anh không những không “điên” mà còn rất “khôn”, rất “tỉnh”.
Bình luận 0

Trồng thanh long kiểu "ăn ít no lâu"

Nói thế thôi chứ phần thưởng dành cho người đi đầu không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Với Quàng Văn Trung đó là những tháng ngày trầy trật và vất vả. Dù yêu nông nghiệp, dù muốn gắn bó với quê hương, nhưng tình yêu thôi chưa đủ. 

Thời gian đầu trồng thanh long, Quàng Văn Trung chọn sai giống, cây ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, hóa ra anh mua nhầm phải giống đã thoái hóa.

Rồi anh cũng học làm như người ta, nghĩa là chăm chút sao cho cây càng ra nhiều hoa, càng đậu nhiều quả càng tốt. Và đúng là cây nhiều trái thật, mỗi trụ phải cả trăm quả, nhưng trái còi cọc, xấu mã, giá bán chỉ vài nghìn đồng/kg. Nếu được mùa có thể rớt xuống 1.000-2.000 đồng là chuyện thường.

Trong khi thanh long trồng ở miền Nam khi vận chuyển ra Bắc quả không còn tươi, mã cũng xuống sắc nhưng là hàng trái vụ thì giá vẫn cao ngất ngưởng. Quàng Văn Trung nhận ra điều gì đó "sai sai". Anh bắt đầu chú tâm quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ… chính cây thanh long.

gop/ Giám đốc 8X và tư duy sản xuất “khác người” - Ảnh 1.

Anh Quàng Văn Trung cắt bỏ những mầm hoa thừa để cây tập trung nuôi trái chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sơn La (Sơn La) đánh giá: HTX nông nghiệp sạch An Phú là một trong những đơn vị hoạt động thực sự hiệu quả, góp phần đáng kể trong việc thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của bà con nông dân.

Đặc biệt với vai trò là Giám đốc HTX, anh Quàng Văn Trung đã dẫn dắt có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển chung của HTX.

"Cây cũng giống như người, được chăm sóc tốt và sinh hoạt điều độ thì hiệu quả, năng suất mới cao. Thay vì để cây ra hoa và kết trái vô tội vạ, tôi bắt đầu nghĩ đến việc chăm cây ra quả theo ý mình" - Quàng Văn Trung tiết lộ.

Thế rồi chính cây thanh long đã dạy anh cách lựa chọn quả chín đúng dịp mùng 1, ngày rằm. 

Cũng chính cây thanh long dạy Trung cách dưỡng quả loại 1 để bán được giá cao hơn; cách để cây cho quả gần như quanh năm nhưng cây không bị còi cọc, quả không giảm chất lượng…

Vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long xanh mướt, Quàng Văn Trung vừa đưa tay vặt hoa thanh long nhoay nhoáy. 

Anh giải thích: "Mỗi một cành chỉ nên để lại 1-2 quả. Cả trụ thay vì để cả trăm quả thì tôi vặt bớt hoa đi để cây tập trung nuôi 15-20 trái thôi. Lúc này cây có đủ dinh dưỡng, quả cũng đủ điều kiện để đạt kích cỡ, màu sắc, trọng lượng đúng yêu cầu của hàng loại 1. Nghĩa là thay vì ăn nhiều thì mình ăn ít đi, nhưng bù lại được ăn quanh năm".

gop/ Giám đốc 8X và tư duy sản xuất “khác người” - Ảnh 3.

Vườn thanh long của anh Trung. Ảnh: N.C

Cũng với tư duy "không nên tham", Quàng Văn Trung chỉ sản xuất hàng chính vụ là thanh long loại 1: quả đạt trọng lượng từ 500gr trở lên, tai xòe đều, da căng bóng mập mạp và đặt biệt nhất là thu hoạch đúng dịp mùng 1, ngày rằm. Là bởi vì "khi chính vụ thì số lượng thanh long ở các vườn khác rất nhiều. 

Cứ 55 ngày thanh long sẽ cho thu hoạch, nếu để cây phát triển tự nhiên thì thu đều đặn, nhưng giá lại không cao và bán rất khó. Nhưng mình tính toán sao để cây có thu đúng dịp mùng 1, ngày rằm - khi lượng mua nhiều hơn và tâm lý chung sẽ chọn loại hàng đẹp để dâng lễ, thì kể cả đắt hơn 1-2 giá người tiêu dùng vẫn sẽ bỏ tiền mua".

Hèn gì chỉ với 3.100m2 và khoảng 300 trụ thanh long Quàng Văn Trung lãi 170 triệu đồng, nếu tính trên diện tích 1ha thì con số đó khoảng 700 triệu đồng. 

Mà quan trọng hơn thanh long được trồng theo cách này chưa bao giờ mất giá, ngay cả khi "lúc giá xuống thấp nhất thì vẫn cao hơn hàng thường từ 1,5-2 lần" - Quàng Văn Trung khẳng định chắc nịch.

Tư duy sai lệch sẽ "giết chết" nông dân

Hỏi thăm về những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ đợt dịch Covid-19 vừa qua, Quàng Văn Trung tỉnh bơ: "Gần như không ảnh hưởng gì. Chính bởi theo đuổi cách làm khác biệt không giống ai nên chúng tôi chẳng sợ ế hàng bao giờ. Nếu chị lên đây đúng dịp thu hoạch sẽ thấy cảnh thương lái họ tranh nhau mua thanh long tại vườn".

Rồi cũng chẳng đợi chúng tôi hỏi, Quàng Văn Trung nói luôn: "Thực ra quy luật của thị trường rất đơn giản: nhiều người bán thì rẻ, ít người bán thì đắt. Mình muốn bán đắt thì phải có hàng đúng thời điểm không ai có, thế thôi. Quan trọng nhất vẫn là tư duy sản xuất, chúng ta tư duy sai lệch nghĩa là giết chính mình đó".

Giờ thì Quàng Văn Trung có thể tự tin hướng dẫn về kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên trong HTX, Quàng Văn Trung còn nhiệt tình đi hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân ở Yên Châu, Mai Sơn, hay bất cứ ai có nhu cầu tìm đến vườn anh học hỏi, anh đều sốt sắng chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Cả 7.000ha thanh long của các thành viên HTX nông nghiệp sạch An Phú đều làm theo vườn mẫu của ông giám đốc trẻ. Nghĩa là thu tới 18 lứa/năm, trong đó có 6 lứa trái vụ, giá bán cao hơn thanh long chính vụ tới 3,5 lần.

"Thông thường thanh long chính vụ có giá trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng khi trái vụ giá tăng lên 35.000 đồng/kg, mà thương lái còn phải xếp hàng tranh nhau mua, vì ngoài chỗ HTX chúng tôi ra, không ai có cả" - Quàng Văn Trung cho hay.

Quàng Văn Trung vẫn đang tiếp tục thử nghiệm các giống thanh long mới, đảm bảo theo đúng tiêu chí: đẹp - độc, trong đó có cả giống thanh long vỏ vàng mà anh đang ghép thử nghiệm trên gốc giống Đài Loan, với hy vọng cho ra loại quả màu sắc đẹp và ruột thơm ngọt. 

Hiện, cả 30 thành viên trong HTX nông nghiệp sạch An Phú đều chuyển dần sang hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tạo ra các sản phẩm trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhìn cách Quàng Văn Trung chăm chút cho vườn cây của mình từ việc trồng thảm cỏ lạc dại để giữ ẩm cho đất; sử dụng linh hoạt phân hữu cơ và vô cơ để "vực" lại sức cho cây; hay nâng niu từng tai quả để sao cho quả đẹp trọn vẹn nhất…, chắc hẳn ai cũng chung một suy nghĩ: chính tư duy khác biệt và sự tỉ mỉ, chu đáo đã làm nên thành công của cá nhân anh nói riêng, HTX nông nghiệp sạch An Phú nói chung. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem