Các "ông lớn" FDI đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng, có dự án 1.000 tỷ đồng

Văn Long Thứ sáu, ngày 23/09/2022 13:07 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển hướng sang lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, chế biến nông lâm thủy sản.
Bình luận 0

Đầu tư vào chăn nuôi tăng nhanh 

Sáng ngày 23/9, Bộ NNPTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn. 

Ngoài ra, đà tăng giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) đã được khống chế, giá một số vật tư đầu vào giảm nhẹ, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng.

Xu hướng doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phát triển chăn nuôi cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Ảnh: Văn Long.

Tuy nhiên, nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng chịu sự tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng. Do đó, gây ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Cũng theo ông Chinh, tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, kinh phí hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi trên toàn quốc là 832,781 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm hỗ trợ liên quan đến giống vật nuôi về phối giống thụ tinh nhân tạo, mua giống vật nuôi, hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên, vật tư phối giống nhân tạo. 

Sau 6 năm triển khai, mặc dù nguồn lực hạn chế nhưng đã đóng góp lớn cho ngành chăn nuôi tăng 5-10% thu nhập cho các hộ chăn nuôi, tạo xung lực cho ngành phát triển, thay đổi nhận thức người dân.

Trong thời gian gần đây, các dự án FDI đã chuyển hướng sang lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào (như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật), lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản.

Xu hướng doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng - Ảnh 2.

Hiện nay, xu hướng có nhiều doanh nghiệp FDI đang tăng cường đầu tư vào chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Văn Long.

Trong tổng số 1.961 dự án ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt có số dự án nhiều nhất với 114 dự án FDI (chiếm 5,8%), tiếp theo là thủy sản (82 dự án, 4,2%), chăn nuôi (81 dự án, 4,1%), dịch vụ nông nghiệp tổng hợp (17 dự án, 0,9%) và lâm nghiệp (16 dự án, 0,8%).

Một số doanh nghiệp FDI có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành chế biến nông sản thực phẩm. 

Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng mà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh, quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng; Masan chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến thứ 2 tại Long An. Các tập đoàn, công ty như CP, Greenfeed, Japfa, Vinamilk, Xuân Thiện... đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi

Cũng tại hội nghị, Cục Chăn nuôi cho biết, để phát triển ngành chăn nuôi thì các địa phương cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi.

Cụ thể, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cả nước cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ về chọn, tạo giống, chế biến thức ăn, công nghệ chuồng trại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải và cải tạo môi trường chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cho rằng cần chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xu hướng doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng - Ảnh 3.

Một doanh nghiệp nuôi cá tầm công nghệ cao tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đang áp dụng chuyển đổi số vào chăn nuôi cá tầm. Ảnh: Văn Long.

Đồng thời triển khai xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi. Triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển mô hình hợp tác xã chăn nuôi trong xây dựng các chuỗi liên kết; phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi...

Là tỉnh có điều kiện phát triển về chăn nuôi, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để chỉ đạo kịp thời trong tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường cho người dân để có kế hoạch sản xuất hợp lý, đảm bảo cung – cầu. 

Hiện tỉnh đang triển khai việc thực hiện khai báo chăn nuôi, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ thông qua phần mềm "Quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025" và "Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025".

Xu hướng doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng - Ảnh 4.

Hiện, Lâm Đồng chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm, phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Văn Long.

Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng đã cấp 19 giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh; cấp 23 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; tham mưu công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam và công nhận vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đơn Dương.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ là "bếp ăn" của thế giới. Tức ngành chăn nuôi, cung cấp thực phẩm của Việt Nam sẽ có tốc độ phát triển rất mạnh. Ví dụ tại hội nghị xúc tiến ở Đắk Lắk, có doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp khác đầu tư rất lớn vào chăn nuôi.

"Trong hội nghị lần này, chúng ta cần mổ xẻ, đánh giá được thực tế ngành chăn nuôi trong những năm vừa qua và đặc biệt là 8 tháng đầu năm nay với những khó khăn rất lớn như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na và tần suất xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán ở Châu Âu, Trung Quốc... Từ đó đề xuất những giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trong những tháng còn lại năm 2022 và trong thời gian tới. Khẳng định vai trò ngành chăn nuôi đối với nông nghiệp, nông thôn của cả nước", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem