Các nhà cung cấp công nghệ tại Trung Quốc trước cú sốc lớn

Huỳnh dũng Thứ bảy, ngày 03/12/2022 10:36 AM (GMT+7)
Các công ty cung cấp công nghệ sẽ khó đa dạng hóa trước cú sốc Covid-19 ở Trung Quốc. Điều này rất nghiêm trọng, bởi rất nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái sản xuất công nghệ gắn liền với “công xưởng của thế giới”.
Bình luận 0

Các nhà cung cấp công nghệ tại Trung Quốc vốn phục vụ cho Apple, Google và các thương hiệu toàn cầu khác đang chuẩn bị cho những gián đoạn tiếp theo, trong bối cảnh không chắc chắn về cách Bắc Kinh sẽ phản ứng trước những lời kêu gọi chấm dứt các biện pháp hạn chế Zero COVID nghiêm ngặt của quốc gia này.

Gần đây, những người biểu tình trên khắp Trung Quốc đã yêu cầu chấm dứt xét nghiệm hàng loạt, và phong tỏa trên diện rộng được áp dụng như một phần trong chiến lược của đất nước để chống lại đại dịch. Chính quyền trung ương Trung Quốc đã cảnh báo chính quyền địa phương chống lại việc "mở rộng lệnh phong tỏa một cách tùy tiện", nhưng nhiều chính quyền địa phương cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tuân thủ nghiêm các chỉ thị của Bắc Kinh. Trong khi đó, dự xuất hiện của làn sóng lây nhiễm biến thể omicron cũng khiến các nhà cung cấp công nghệ lo lắng.

Các nhà cung cấp công nghệ của Trung Quốc đã vật lộn với các hạn chế của COVID trong ba năm nhưng một số đang ngày càng lo lắng hơn bao giờ hết về sự gián đoạn. Ảnh nguồn: @Reuters.

Các nhà cung cấp công nghệ của Trung Quốc đã vật lộn với các hạn chế của COVID trong ba năm nhưng một số đang ngày càng lo lắng hơn bao giờ hết về sự gián đoạn. Ảnh nguồn: @Reuters.

Các nhà máy ở Thâm Quyến và Thiên Tân thuộc sở hữu của Foxconn - nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới - đã cảnh báo nhân viên rằng, họ sẽ bắt đầu hoạt động dưới sự quản lý "vòng kín" trong tuần này để đáp ứng các biện pháp thắt chặt hơn của địa phương nhằm đối phó với sự bùng phát của COVID, mọi người đã được thông báo rõ về quy định này. Theo hệ thống khép kín, công nhân nhà máy được yêu cầu sống tại chỗ để giảm nguy cơ bùng phát dịch.

Theo hai nguồn tin nắm rõ vấn đề này, các trường hợp được xác nhận tại một cơ sở của Foxconn ở Thiên Tân đã làm gián đoạn quá trình sản xuất, do các hoạt động phải tạm dừng trong khi cơ sở này phải được khử trùng. Cơ sở ở Thiên Tân chủ yếu sản xuất thiết bị mạng và máy chủ. Hiện tại, Foxconn từ chối bình luận về câu chuyện này.

Nhà cung cấp chính của Apple vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thêm nhân viên cho khu phức hợp Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam. Cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu công nhân, sau tình trạng bất ổn tại cơ sở về các hạn chế của chính sách Zero COVID và các khoản thanh toán tiền lương,  thưởng bị trì hoãn.

Tất nhiên, Foxconn không đơn độc trên thảm cảnh này. Các nhà sản xuất chip hàng đầu như Yangtze Memory Technologies ở Vũ Hán và Semiconductor Manufacturing International ở Bắc Kinh đã bắt đầu hoạt động trong hệ thống vòng khép kín vào tuần trước.

Nhà máy lắp ráp chính của Apple tại Trịnh Châu, Trung Quốc, đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn của công nhân và lệnh phong tỏa vì Covid-19. Ảnh: @Reuters.

Nhà máy lắp ráp chính của Apple tại Trịnh Châu, Trung Quốc, đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn của công nhân và lệnh phong tỏa vì Covid-19. Ảnh: @Reuters.

Giám đốc điều hành của một nhà sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Giang Tô bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có nới lỏng chính sách Zero COVID hay không. "Chúng tôi vẫn cảm thấy Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với COVID", người này nói với tờ Nikkei Asia. "Nhà máy của chúng tôi chỉ có hai trường hợp được xác nhận, nhưng chính quyền địa phương đã yêu cầu chúng tôi ngừng sản xuất để khử trùng và chúng tôi không chắc điều đó sẽ mất bao lâu nữa".

Những người khác nói rằng, viễn cảnh phong tỏa trên diện rộng được sử dụng để ngăn chặn tình trạng bất ổn công cộng mới là mối quan tâm lớn hơn của họ.

Một nhân viên của Foxconn nói với tờ Nikkei Asia rằng: "Chúng tôi đã quen với việc quản lý vòng kín... Đó có thể không phải là vấn đề đối với hoạt động sản xuất của chúng tôi. Mối quan tâm của chúng tôi là việc thắt chặt sẽ kéo dài bao lâu, và liệu có những hậu quả nghiêm trọng, khốc liệt nào từ các cuộc biểu tình lan rộng hay không".

Một người quản lý làm việc trong nhà máy sản xuất màn hình ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, cũng đồng ý về nhận định trên. Người quản lý này cho biết: "Hầu hết các nhà sản xuất không lo lắng về nhu cầu hoạt động khép kín hoặc làm việc tại nhà. Chúng tôi chỉ lo lắng liệu chính quyền có tiến hành phong tỏa quy mô lớn hay không, như một biện pháp chính trị, nếu có thêm nhiều cuộc biểu tình nổi lên. Nếu điều đó xảy ra, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi".

Cuộc khủng hoảng tại cơ sở của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, dự kiến sẽ cắt giảm ít nhất 30% sản lượng trong tháng 11. Ảnh: @Reuters.

Cuộc khủng hoảng tại cơ sở của Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, dự kiến sẽ cắt giảm ít nhất 30% sản lượng trong tháng 11. Ảnh: @Reuters.

Công nghệ không phải là lĩnh vực duy nhất phải đối mặt với sự gián đoạn tiềm ẩn. Ngôi làng Yuangang ở quận Panyu của Quảng Châu là nơi có nhiều nhà cung cấp cho thương hiệu thời trang nhanh Shein. Chính quyền làng đã đề nghị các nhà máy và cửa hàng cho công nhân về quê ăn Tết Nguyên đán, dù còn tới khoảng hai tháng nữa.

"Dịch bệnh sẽ không thuyên giảm trong một hoặc hai tháng tới", chính quyền địa phương cho biết trong một bức thư ngỏ gửi tới ngôi làng này khi yêu cầu tuân thủ quy định.

Tình hình có rất ít dấu hiệu dịu bớt ngay cả sau khi Hội đồng Nhà nước, nội các của Trung Quốc, nhắc lại trong cuộc họp báo hàng tuần về COVID rằng không nên mở rộng lệnh phong tỏa một cách "tùy tiện" tránh gây bất ổn. Các quan chức của Hội đồng Nhà nước cho biết chính phủ luôn theo dõi tình hình và sẽ bảo vệ lợi ích của người dân và nền kinh tế.

Hội đồng Nhà nước chỉ trích việc nhiều chính quyền địa phương thực hiện một số biện pháp COVID tùy tiện hoặc quá mức. Một số người biểu tình đã đi xa đến mức yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải từ bỏ chính sách Zero COVID.

Hôm 1/12, chính quyền thành phố Quảng Châu cam kết sẽ "ổn định nền kinh tế" và "đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng của các chuỗi công nghiệp chính". Trong bình luận đầu tiên của chính quyền địa phương về các chỉ thị của Bắc Kinh, cơ quan này cho biết sẽ không cho phép phong tỏa tùy tiện và các quận sẽ không được tự ý mở rộng quy mô xét nghiệm COVID. Tuy nhiên, các thành phố khác vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế.

Ví dụ, Trùng Khánh đã bị phong tỏa trên thực tế ít nhất 10 ngày và không rõ khi nào lệnh này sẽ được dỡ bỏ. Thâm Quyến đang yêu cầu phần lớn cư dân làm việc tại nhà.

Đợt bùng phát Covid mới nhất của Trung Quốc gây ra mối đe dọa chuỗi cung ứng. Ảnh: @AFP.

Đợt bùng phát Covid mới nhất của Trung Quốc gây ra mối đe dọa chuỗi cung ứng. Ảnh: @AFP.

Chi Him Lee, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit, cho biết rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng trong những tháng tới là "cao" và chính sách Zero COVID dự kiến sẽ vẫn là yếu tố gây căng thẳng cho các công ty cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc trong phần lớn năm 2023.

Ông nói: "Một yếu tố giảm nhẹ cho tất cả những điều này có thể là nhu cầu thương mại toàn cầu sẽ chậm lại vào năm tới, do đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể không được cảm nhận sâu sắc như đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022".

Còn Ivan Lam, nhà phân tích của Counterpoint Research, cho biết những thay đổi trong chính sách có thể mất thời gian để hiện thực hóa. "Có thể mất khá nhiều thời gian để chính quyền địa phương điều chỉnh các biện pháp của họ theo lời kêu gọi của chính quyền trung ương, nói chung vẫn còn nhiều điều không chắc chắn", ông Lam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem