Bước tiến vượt bậc trong công tác giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi: Nhiều "ông lớn" đầu tư cả nghìn tỷ đồng

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 29/04/2023 13:24 PM (GMT+7)
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chế biến đang là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi, dư địa phát triển lớn bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm chế biến đang tăng từng ngày. Đồng thời, việc chế biến cũng giúp doanh nghiệp tiêu thụ lượng lớn sản phẩm tươi sống, vừa có thời gian bảo quản dài.
Bình luận 0

Doanh nghiệp đổ nghìn tỷ đồng vào giết mổ, chế biến

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, thời gian qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến diễn ra mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ngày càng giảm; cơ sở giết mổ tập trung có xu hướng tăng cả về số lượng và quy mô.

Năm 2022, cả nước có 456 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hơn 22.700 cơ sở nhỏ lẻ. Tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung ước khoảng 25-30%, trong đó giết mổ công nghiệp khoảng 10-12%. Tuy nhiên, công suất thực tế tại các cơ sở giết mổ công nghiệp còn thấp so với công suất thiết kế (dao động 30-65%).

Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng của gần 100 triệu dân Việt Nam và du khách quốc tế; ngoài ra, đã xuất khẩu vào thị trường hơn 60 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây không ngừng tăng cao.

gop/Bước tiến vượt bậc trong công tác giết mổ, chế biến sâu  - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy chế biến thịt mát MeatDeli Long An. Ảnh: T.L

Chỉ tính giai đoạn 2017-2022, các doanh nghiệp đã đầu tư trên 13.550 tỷ đồng xây dựng và khánh thành, đưa vào hoạt động 13 nhà máy giết mổ, chế biến thịt, trứng, sữa quy mô lớn với công nghệ hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới.

Chế biến hiện nay là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. Theo đó, hiện cả nước có 108 cơ sở, nhà máy chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng trên 1,3 triệu tấn thịt, trên 100 triệu quả trứng, hàng triệu lít sữa tươi hàng năm.

Với chế biến thịt, hiện cả nước có 67 nhà máy chế biến thịt các loại; sản phẩm thịt chế biến đạt khoảng trên 1,3 triệu tấn, chiếm khoảng 20-22% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước. 

Một trong những dự án "khủng" phải kể đến là Tổ hợp nhà máy chế biến và xuất khẩu thịt gà CPV Food, có tổng số vốn đầu tư 250 triệu USD, do Tập đoàn CP Thái Lan làm chủ đầu tư. 

Đây là tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh, gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi - trang trại gà giống bố mẹ - nhà máy ấp trứng - trang trại gà thịt - nhà máy giết mổ và chế biến, hệ thống xử lý phế phẩm… với công suất 50 triệu con/năm.

Gần đây, lĩnh vực giết mổ, chế biến ghi nhận nguồn vốn đầu tư lớn từ Tập đoàn De Heus (Hà Lan) khi doanh nghiệp này bắt tay với một số đối tác là Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty Bel Gà xây dựng mà máy giết mổ và chế biến thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh (quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng). 

Trước đó, De Heus đã liên kết xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm Green Chicken tại huyện Thường Tín (Hà Nội), công suất giết mổ 45.000 con gà thịt/ngày và 15.000 con vịt thịt/ngày. Nguồn nguyên liệu của nhà máy Green Chicken là gà trắng, gà màu, gà thả vườn và vịt thịt được thu mua từ các trang trại trong chuỗi liên kết của Tập đoàn De Heus.

Sản phẩm của nhà máy Green Chicken bao gồm các loại thịt gia cầm tươi và đông lạnh; các sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm; các sản phẩm chế biến từ các loại thịt khác..., với công nghệ chế biến hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng thấp của nước ta vẫn chiếm tới 80 - 85% (chế biến đơn giản, sơ chế). Trong khi các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao như thịt hun khói, giăm bông, xúc xích, lạp xường... mới chiếm khoảng 15 - 20%. 

Sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát đã bắt đầu phát triển và chiếm khoảng 10%.

gop/Bước tiến vượt bậc trong công tác giết mổ, chế biến sâu  - Ảnh 3.

Nhà máy chế biến gia cầm C.P Hà Nội (Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam). Ảnh: Vũ Sinh

gop/Bước tiến vượt bậc trong công tác giết mổ, chế biến sâu  - Ảnh 4.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có 6 nhà máy chế biến trứng với sản lượng trứng chế biến khoảng 100 - 110 triệu quả trứng/năm, chiếm khoảng 0,7 - 0,8 % tổng sản lượng trứng sản xuất trong nước.

Về chế biến sữa, hiện Việt Nam đang có 35 nhà máy. Hầu hết là các nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến, tính tự động hóa cao. Các nhà máy cũng chủ động liên kết vùng nguyên liệu, tạo chuỗi sản phẩm khá hiệu quả và đây là thế mạnh của ngành chế biến sữa của Việt Nam. 

Trong đó, giai đoạn 2017-2021, các doanh nghiệp đã đầu tư 6.620 đồng xây dựng 2 nhà máy và 1 tổ hợp công suất chế biến 530 tấn sữa/ngày.

Riêng trong năm 2022, các doanh nghiệp đã khởi công 2 nhà máy sữa với số vốn đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng gồm Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày; Vinamilk khởi công nhà máy sữa 4.600 tỷ đồng tại Hưng Yên, sản xuất 400 triệu lít sữa/năm.

Đẩy mạnh chuỗi 3F, bán lẻ

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, theo đó các doanh nghiệp chăn nuôi không chỉ đẩy mạnh chuỗi 3F (Feed-Farm-Food), mà còn đẩy mạnh khâu bán lẻ và tiếp thị các sản phẩm chăn nuôi sau giết mổ. 

Điển hình là Công ty Vissan. Từ năm 2011, Vissan bắt đầu thực hiện mô hình này bằng việc xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm ở Long An với vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng khép kín, từ khâu giết mổ, chế biến, đóng gói. 

Năm 2019, khi đi vào hoạt động, nhà máy của Vissan có công suất giết mổ thuộc hàng lớn nhất cả nước. Vissan đã hợp tác với đối tác Hà Lan thiết lập chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc với tổng kinh phí 3 triệu USD.

"Nổi đình nổi đám" trong lĩnh vực giết mổ phải kể đến Masan khi tập đoàn này đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy chế biến thịt mát ở Hà Nam và Long An. Công suất tối đa của 2 nhà máy này khoảng 280.000 tấn sản phẩm/năm, chiếm khoảng 10% thị phần thịt lợn cả nước. 

Đây cũng là những nhà máy sản xuất thịt mát theo công nghệ châu Âu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Các sản phẩm thịt mát có thương hiệu MeatDeli của Masan đã được bán tại gần 2.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (hệ thống siêu thị Nutri Mart) cho biết, Nutri Mart cũng đang chú trọng phát triển mặt hàng thịt mát cả ở thị trường trong nước và Trung Quốc, Thái Lan. 

"Nutri Mart nhận được đơn hàng rất lớn từ Trung Quốc về các mặt hàng thịt. Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi cần đa dạng nguồn sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn chế biến khoảng 10.000 món ăn khác nhau từ thịt. Đây là hướng đi mà Nutri Mart tiên phong, và có dư địa đưa ra nước ngoài như châu Âu, UAE, Trung Quốc" - bà Hằng nhấn mạnh.

Để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực giết mổ, chế biến trong chăn nuôi, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi cho biết sẽ tăng cường công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi. 

Xây dựng hệ thống thông tin và thống kê về giết mổ và chế biến; kiểm tra, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp.

Đầu tư xây dựng hệ thống nhận dạng, truy xuất nguồn gốc, đổi mới công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến tập trung công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh. 

Tổ chức xây dựng các chuỗi liên kết và phát triển hệ thống logistics phục vụ chế biến, thương mại sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem