“Bơm” thêm 1,2 tỉ đồng vào cuộc chiến chống đường lậu

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 27/01/2021 14:46 PM (GMT+7)
Ngành mía đường dự chi gần 1,2 tỉ đồng để triển khai thu thập dữ liệu, thiết kế tem truy xuất nguồn gốc, dán lên sản phẩm đường; nhằm chống đường nhập lậu và các sản phẩm đường gian lận thương mại.
Bình luận 0

Đây là nội dung vừa được Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thông qua trong Nghị quyết triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại đường nhập lậu.

Cuối năm 2020, đường nhập khẩu tăng nhanh chèn ép giá đường trong nước

Cuối năm 2020, đường nhập khẩu tăng nhanh chèn ép giá đường trong nước

Theo kế hoạch này, sẽ có 30 nhà máy đường, 100 đơn vị phân phối sản phẩm đường cấp 1; 500 đơn vị phân phối cấp 2 và khoảng 1.000 đơn vị sang chiết, đóng gói sản phẩm cùng tham gia.

VSSA sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị có năng lực thiết lập hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại đường nhập lậu. 

Hệ thống này phải quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu.

Theo VSSA, đây là động thái mới nhằm tiếp tục hạn chế gian lận thương mại đường nhập lậu.

Trước đó, cuối năm 2020, mặc dù trong nước đã bắt đầu vụ ép mía mới nhưng đường nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam, cùng với đường nhập lậu đang giữ vai trò làm chủ thị trường.

Các vùng trồng mía trong nước đã bắt đầu vụ ép mía mới

Các vùng trồng mía trong nước đã bắt đầu vụ ép mía mới

Tháng 9/2020, Bộ Công Thương ra quyết định điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan.

Thế nhưng, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 11/2020 vẫn tiếp tục bùng nổ nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam với khối lượng lớn.

Cụ thể, tổng lượng đường nhập khẩu trong tháng 11 là 171.369 tấn. Trong khi con số bình quân từng tháng của 9 tháng trước chỉ là 116.353 tấn.

Lượng đường nhập này đến từ Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Indonesia. Đáng lưu ý, Malaysia là quốc gia không trồng mía. Còn Indonesia và Campuchia dù có sản xuất nhưng không đủ dùng và phải nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Lộc – quyền Tổng Thư ký VSSA đánh giá: "Đây là dấu hiệu của lẩn tránh phòng vệ thương mại dù mới chỉ trong giai đoạn điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường".

Đường nhập lậu do Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang bắt giữ. Ảnh: Đăng Nguyên

Đường nhập lậu do Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang bắt giữ. Ảnh: Đăng Nguyên

Đến tháng 12, thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy các yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam vẫn rất cao, bất chấp giá thế giới tăng.

Việc gia tăng kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động nhập lậu qua biên giới gặp khó khăn. Các đối tượng buôn lậu tìm các phương cách khác để di chuyển khối đường đã mua vào thị trường trong nước.

Hồ sơ Hải quan cho thấy hoạt động nhập khẩu đường qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam đều tăng đột biến về lượng. Cùng với đó là những dấu hiệu bất thường khi giá khai báo nhập khẩu thấp hơn giá nhập khẩu bình quân tại các cửa khẩu khác, thậm chí thấp hơn giá bán xuất khẩu tại Thái Lan.

Các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng kẻ hở chính sách thuế khoán và trong các biện pháp quản lý hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hồ sơ bán đấu giá hàng hóa tịch thu, trong đó có mặt hàng đường nhằm quay vòng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu.

Ông Cao Anh Đương – Quyền chủ tịch VSSA

Ông Cao Anh Đương – quyền Chủ tịch VSSA

Ông Cao Anh Đương – Quyền Chủ tịch VSSA cho biết, ngành đường Việt Nam đang rất cần một hệ thống truy xuất nguồn gốc chống gian lận thương mại trong lãnh vực đường để hỗ trợ các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh chống lại các hành vi gian lận nêu trên.

Nhờ nỗ lực chống gian lận thương mại và hàng nhập lậu, cùng với việc siết chặt các tuyến đường biên giới để phòng chống dịch Covid-19, đến giữa tháng 1/2021, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam đã giảm mạnh; giá đường trong nước cũng tăng dần lên.

Các loại đường nhập khẩu tuy không còn làm chủ thị trường nhưng trong nước vẫn tồn kho một lượng khá lớn do đã nhập khẩu những tháng trước đây, cộng với đường sản xuất từ các vùng mía trong nước bắt đầu vụ ép mới.

Tháng 1/2021, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam đã giảm mạnh; giá đường trong nước cũng tăng dần lên.

Tháng 1/2021, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam đã giảm mạnh; giá đường trong nước cũng tăng dần lên.

Giá đường trong nước thời gian tới vẫn phụ thuộc vào việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường từ Thái Lan; cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu, và gian lận thương mại đường nhập lậu. 

Ngày 25/1 vừa qua, VSSA đã tổ chức lấy ý kiến biểu quyết của Ban Chấp hành về kế hoạch triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Kết quả, đa số ý kiến (tỷ lệ: 73,3%) trong Ban chấp hành thống nhất thông qua kế hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem