Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo nóng khi xuất khẩu quý I/2023 giảm sốc 10 tỷ USD

26/04/2023 07:32 GMT+7
Nêu hàng loạt nguyên nhân khiến xuất khẩu suy giảm mạnh gần 10 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định cần có giải pháp mạnh để chấm dứt hiện tượng này.

Tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu" tổ chức ngày 25/4, tại TP.HCM, sau khi nghe báo cáo về tình hình suy giảm xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, năm 2021 dù đại dịch khó khăn song chúng ta có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 642 tỷ USD.

Năm 2022 xuất khẩu vượt ngoạn mục với con số 735 tỷ USD. Theo kế hoạch năm 2023 phải có mức tăng từ 6% trở lên và kim ngạch đạt gần 800 tỷ USD.

Tuy vậy quý I/2023 chúng ta chỉ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 156 tỷ USD và nếu không có đột phá ở những quý tiếp theo, dự báo cả năm chỉ trong ngưỡng trên dưới 600 tỷ USD.

Bộ trưởng Công Thương nói gì khi xuất khẩu quý I/2023 giảm sốc 10 tỷ USD? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị về xuất khẩu tại TP.HCM ngày 25/4 (Ảnh BCT)

Ông Diên nhấn mạnh: Nguyên nhân của tình trạng nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới giảm do lạm phát, do suy thoái, do tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác là chi phí đầu vào, giá nguyên vật liệu, lãi suất tăng cao, tiếp cận vốn khó, nhân lực thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, những tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản và huy động trái phiếu của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Diên nhấn mạnh: "Do một số cơ chế chính sách còn bất cập và chồng chéo; thiếu sự gắn bó hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giữa các hiệp hội ngành hàng với nhau… Chưa kể chất lượng sản phẩm còn thiếu ổn định, doanh nghiệp và người sản xuất còn chậm đối mới cả về quản trị và công nghệ; chậm chuyển đổi sản xuất sang xuất khẩu chính ngạch".

"Nguyên nhân này chúng ta phải thẳng thắn chỉ ra để các doanh nghiệp sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương phải suy nghĩ, cùng có trách nhiệm"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Tình hình chính trị và kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó đoán định; tổng cầu thế giới sẽ còn giảm và cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu giữa các nước còn khó hơn; sẽ còn nhiều các rào cản kỹ thuật làm giảm động lực, giảm khả năng xuất khẩu.

Đối với trong nước, tác động từ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng và tâm lý ngại trách nhiệm của bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân… Bên cạnh đó là sự trì trệ, chậm đổi mới về công nghệ, quản trị, chậm đổi mới về phương thức sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ còn kìm hãm phát triển và khó để chúng ta khai thác được các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc các hiệp hội và các doanh nghiệp cần tập trung củng cố, khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy chạy", "việc ai nấy làm", vô hình trung lại làm khó cho nhau. "Phải quán triệt phương châm "đi buôn có bạn, đi bán có phường", "muốn đi nhanh thì cứ đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Với cách này, các hiệp hội cần phải xốc lại trong mối quan hệ của mình, xốc lại trong mối quan hệ với các hiệp hội bạn, mối quan hệ giữa hiệp hội với doanh nghiệp, và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp"- Bộ trưởng đề nghị.

Đối với việc hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… cần làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng, thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban định kỳ giữa các Thương vụ với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, cũng như đại diện các địa phương trong nước.

Bên cạnh đó, ông Diên đề nghị Ngân hàng Nhà nước, cần có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn giữ vững thị trường, bởi khi mất thị trường thì rất khó lấy lại. 

Đối với Bộ Tài chính, bao gồm Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, cần xem xét vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ việc giảm, giãn, hoãn một số loại thuế, tạo thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng năm 2023 đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%, tương đương gần 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Có 37/45 ngành hàng, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam suy giảm giá trị, đáng kể có những mặt hàng giảm trên 40%- gần 100% giá trị kim ngạch.

An Linh
Cùng chuyên mục