Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì khi TKV báo lãi đậm, EVN báo lỗ khủng?

23/02/2023 07:48 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đang có số "lỗ khủng" tạm tính năm 2022 là hơn 28.800 tỷ đồng, nhưng một doanh nghiệp Nhà nước khác là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại có lợi nhuận đạt hơn 8.100 tỷ đồng.

Tại buổi họp với lãnh đạo Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ngày 22/2, ba lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí, Than Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực đã báo cáo về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 và những định hướng năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì khi TKV báo lãi đậm, EVN báo lỗ khủng? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương và lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước làm việc với ba Tập đoàn dầu khí; Than - khoáng sản và Điện lực

Lãnh đạo Tập đoàn như Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết năm 2022, tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021. Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 16,97 triệu tấn, tăng 26% so với năm 2021. Sản lượng khai thác dầu đạt 10,84 triệu tấn, tương đương với mức thực hiện năm 2021.

PVN đã hoàn thành đưa vào khai thác 05 mỏ/công trình dầu khí, nhiều hơn 01 công trình so với kế hoạch. Tất cả 5 mỏ/công trình hoàn thành đưa vào vận hành đều sớm hơn so với kế hoạch đề ra từ 15 ngày đến 2 tháng.

Đối với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2022 cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, khi doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 165,9 nghìn tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch và bằng 119% so với thực hiện năm 2021.

Lợi nhuận toàn Tập đoàn TKV dự kiến đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước đạt 21.350 tỷ đồng, tăng 3.450 tỷ đồng so với kế hoạch.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 242,7 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Tuy nhiên, tính đến thời điểm cuối năm 2022, EVN cho biết toàn tập đoàn đang có số lỗ tạm tính trong năm 2022 là hơn 28.800 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp là các tập đoàn lớn của Nhà nước đã có nỗ lực vượt bậc trong hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng như điện, than, xăng dầu, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu trong mọi tình huống các tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng (than, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung. 

Bộ trưởng Diên khẳng định, để làm được điều đó các tập đoàn cần nghiên cứu kỹ để báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

Ông Diên yêu cầu mỗi tập đoàn cần tập trung rà soát, đánh giá những vấn đề còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của mình, hoặc của Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tham mưu đề xuất với lãnh đạo hai cơ quan kịp thời chỉ đạo, giải quyết. 

Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình cần có giải pháp xử lý kịp thời, dứt điểm và có kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong quá trình hoạt động cần có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm giữa các Tập đoàn với nhau một cách chân thành, thực chất; đồng thời, cần phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chỉ đạo, khuyến nghị của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các tập đoàn cần bám sát đề án, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phê duyệt, đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Tiếp tục chú trọng tiết kiệm chi thường xuyên, tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối đa hiệu quả các công trình, dự án có tiềm năng. Đẩy nhanh, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do hoặc đã có ký kết hợp tác với các Bộ, ngành chức năng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh các tập đoàn cần chủ động phát hiện những bất cập để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời, với những việc khó, việc mới cũng cần mạnh dạn đề xuất cơ chế thí điểm nhưng lại có kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác.

An Linh
Cùng chuyên mục