Bỏ ra nửa tỷ đồng làm lồng nuôi cá chim vây vàng trên biển, bắt lên hàng tấn bán giá 120.000 đồng/kg

Thảo Hương Thứ ba, ngày 15/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Với mục tiêu phát triển nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE trên biển giúp hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm rủi ro cho ngư dân, năm 2022, Phân viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bình luận 0

Mô hình thực hiện từ nguồn kinh phí dự án Khuyến nông Quốc gia, nhằm phát huy hiệu quả mặt nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân và tạo sản phẩm thủy sản chất lượng cao, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đầu tư nửa tỷ đồng nuôi cá chim vây vàng

Thạc sĩ Phạm Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I), cho biết: Triển khai mô hình tại Khánh Hòa, chúng tôi đặt mục tiêu năng suất phải đạt từ 15,7kg cá/m3 lồng trở lên; tỷ lệ cá sống bằng hoặc hơn 70%, trọng lượng cá đạt từ 700g/con trở lên, sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bỏ ra nửa tỷ đồng làm lồng nuôi cá chim vây vàng trên biển, bắt lên hàng tấn bán giá 120.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Khu vực lồng nuôi cá chim vây vàng của hộ ông Nguyễn Tấn Dũng ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa

Đến nay, các đơn vị/tổ chức trong nước đã chủ động công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm của khoảng 28 loài cá biển, 12 loài nhuyễn thể, 4-5 loài giáp xác, 3-5 loài rong biển.

Nguồn giống của nhiều loài như cá giò, cá song, cá chim vây vàng, nghêu, hàu… trước đây chủ yếu phải nhập ngoại, thì nay các đơn vị sản xuất trong nước đã đáp ứng hầu hết nhu cầu của người nuôi.

Để đạt được các mục tiêu này, cá cần được nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Lồng nuôi phải được đặt ở khu vực không bị ô nhiễm, cá được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, đúng chất lượng, đủ số lượng; lồng, lưới thường xuyên được vệ sinh, thay mới; hạn chế tối đa sử dụng thuốc và hoá chất trong nuôi và phòng trị bệnh. 

Trong quá trình chăm sóc cá sẽ được bổ sung một số vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn...

Với những yêu cầu, chỉ tiêu nêu trên, mô hình được triển khai tại hộ ông Nguyễn Tấn Dũng (ở huyện Vạn Ninh) với quy mô 1.000m3 lồng, đặt ở vùng nuôi thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Lồng nuôi được làm bằng nhựa HDPE tròn theo công nghệ Na Uy, thiết kế chịu bão, sóng biển, chu vi 60m, lưới sâu 3,5m. Tổng vốn đầu tư toàn bộ hệ thống nuôi cá là hơn 500 triệu đồng.

Trong đó, hộ ông Dũng được hỗ trợ 50% chi phí giống và chi phí thức ăn công nghiệp. Ngoài ra ông còn chủ động đầu tư một số vật tư, trang thiết bị cần thiết khác để triển khai mô hình.

Tháng 5/2022, ông Dũng thả 35.000 con cá giống. Đến nay, sau hơn 5 tháng thả nuôi, đàn cá chim vây vàng nuôi trong lồng HDPE phát triển tốt, đạt trọng lượng 500-600g/con, tỷ lệ sống khoảng 75%. Trong quá trình nuôi, ông được cán bộ chuyên môn chỉ đạo mô hình theo dõi sát sao và hướng dẫn kỹ thuật quản lý, chăm sóc cá.

Dự kiến tháng 12/2022 mô hình sẽ cho thu hoạch cá, sản lượng ước đạt khoảng 17.200kg, giá bán dự kiến 120.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/1.000m3.

Đầu tư tương xứng hơn với tiềm năng

Có lồng HDPE, nuôi cá chim vây vàng lợi to - Ảnh 3.

Sản phẩm cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP nuôi tại Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: T.H

Được biết, hiện nay Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I có khoảng 20 lồng nuôi cá chim vây vàng theo công nghệ Na Uy, diện tích nuôi khoảng 10ha. Đây cũng là trang trại nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp đầu tiên cả cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Khác với các bè cá truyền thống làm từ gỗ, tre và có hình vuông, lồng nuôi cá kiểu mới có hình tròn và làm từ nhựa HDPE (lồng cá theo công nghệ Na Uy), chu vi 60m, độ sâu lưới 8m, thể tích 2.500m3. Mỗi lồng nuôi được khoảng 25.000 cá chim vây vàng kích thước 2-3cm.

Ngoài ra, Trung tâm còn có 2 hệ thống lồng nhựa vuông để nuôi vỗ cá bố mẹ, thực hiện các thí nghiệm quy mô nhỏ. Theo ông Phương, nuôi ươm cá trong lồng tròn ngoài biển có tỷ lệ hao hụt thấp hơn trong trại. Môi trường ngoài biển thông thoáng, nước sạch, đảm bảo cho cá tăng trưởng và phát triển. Sau khi ươm giống 40-45 ngày, cá được sàng lọc, thả nuôi thương phẩm trong lồng tròn.

Từ năm 2018 đến nay, mỗi vụ trang trại đạt sản lượng khoảng 200 tấn, đạt doanh thu 20 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 25-30%. Khoảng 50% sản lượng cá thương phẩm tiêu thụ nội địa, còn lại xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Đài Loan và các nước Trung Đông với giá bán 110.000-150.000 đồng/kg.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, sau khoảng 3 thập kỷ hình thành và phát triển, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung tốc độ phát triển nghề nuôi biển Việt Nam còn chậm, chiếm tỷ trọng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. 

Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển khoảng 500.000ha, nhưng đến nay diện tích nuôi biển mới đạt 80.000ha, sản lượng 750.000 tấn. Nghề nuôi biển hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, phương thức sản xuất thô sơ, hạ tầng nuôi yếu kém. Các vấn đề về ô nhiễm, dịch bệnh kết hợp với những bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu nên ngư dân thường xuyên phải đối mặt với rủi ro.

Để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển bền vững, hạn chế khai thác tài nguyên, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể về quy hoạch, khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn… Đặc biệt là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem