Bộ GDĐT trả lời về vấn đề “mỗi địa phương áp dụng một bộ sách giáo khoa riêng”

Mộc An Thứ sáu, ngày 24/02/2023 11:29 AM (GMT+7)
Cử tri cho rằng, hiện nay, mỗi địa phương áp dụng một bộ sách giáo khoa riêng, dẫn đến tình trạng thay đổi sách giáo khoa nhiều lần, đồng thời sách giáo khoa của học sinh ở địa phương này không thể mua và sử dụng ở địa phương khác và kiến nghị Bộ GDĐT ban hành thống nhất, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc.
Bình luận 0

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri Long An gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, về việc ban hành thống nhất, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc, Bộ GDĐT cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".

Bộ GDĐT trả lời về vấn đề “mỗi địa phương áp dụng một bộ sách giáo khoa riêng” - Ảnh 1.

Năm học 2022-2023, theo lộ trình đổi mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ảnh minh họa: Mỹ Quỳnh

Luật Giáo dục 2019 quy định: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội".

Như vậy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khác so với sách giáo khoa hiện hành.

Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.

Sách giáo khoa được ban hành đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng vì phải được biên soạn, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT- BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (Thông tư 33) và Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 05/2022/TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư 33 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông là căn cứ pháp lý để sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc. Tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ sử dụng ổn định sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn.

Vì vậy, theo Bộ GDĐT, học sinh thuộc tỉnh/thành phố nào thì sẽ sử dụng sách giáo khoa theo danh mục sách giáo khoa do UBND tỉnh/thành phố đó ban hành. Chỉ có rất ít học sinh do chuyển từ địa phương này sang địa phương khác có thể phải mua sách giáo khoa khác cho phù hợp khi đến địa phương mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem