Bộ đội Phiêng Pằn (Sơn La) là cha nuôi, đồn biên phòng là mái ấm của trẻ nghèo vùng biên

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh Thứ bảy, ngày 30/04/2022 06:08 AM (GMT+7)
Hoàng và Khoa từ nhỏ đã phải chịu cảnh côi cút bơ vơ nên cuộc sống của các em trở nên khép kín. Nhưng từ khi được những người cha nuôi bộ đội Đồn biên phòng Phiêng Pằn chăm lo, dạy bảo, cuộc sống của các em giờ đây đã thay đổi từng ngày.
Bình luận 0

Bộ đội thành cha nuôi, đồn biên phòng thành nhà của trẻ nghèo vùng biên. Clip: Văn Ngọc

Hai cậu học trò Vì Văn Hoàng và Lò Văn Anh Khoa ở xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã quen với cuộc sống ở cùng những người cha nuôi là bộ đội Biên phòng Sơn La. 

Hoàng và Khoa từ nhỏ đã phải chịu cảnh côi cút bơ vơ. Mẹ Hoàng mất sớm, bố đi bước nữa. Còn Khoa mồ côi bố từ nhỏ. 

Mặc dù Hoàng và Khoa đều rất khao khát được cắp sách đến trường nhưng cuộc sống nghèo khó khiến cho cánh cổng nhà trường dần dần đóng lại trước mắt các em. 

Trước tình hình trên, để giúp các em thực hiện ước mơ đến trường, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La) nhận 2 em về chăm nuôi trong đơn vị.

Bộ đội thành cha nuôi, đồn biên phòng thành nhà của trẻ nghèo vùng biên - Ảnh 2.

"Con nuôi Đồn Biên phòng” là tên gọi của 1 mô hình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động trên toàn tuyến biên giới từ tháng 6/2019. Ảnh: Gia Hưng

Thiếu tá Vì Văn Thịnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phiêng Pằn cho biết: Những ngày đầu đến với đơn vị, Hoàng và Khoa cứ ngồi một chỗ, ít giao tiếp với các chú bộ đội trong đồn. Thế nhưng, sau vài lần tiếp xúc với môi trường quân đội, hai em có vẻ thích thú và không còn sợ như trước. 

Được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên gần gũi, chăm sóc, dạy bảo, dần dần các em đã hòa nhập tốt với cuộc sống mới trong môi trường quân đội, biết tự chủ trong sinh hoạt, tự giác đi tắm, lên bếp ăn cơm khi có kẻng...

Các em được nhận làm con nuôi tại các Đồn Biên phòng đều có hoàn cảnh rất khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi, con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách; trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi. 

Được những người cha nuôi bộ đội chăm lo, dạy bảo, cuộc sống của các em giờ đây đã thay đổi từng ngày. Các em đã tự tin hơn và có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Bộ đội thành cha nuôi, đồn biên phòng thành nhà của trẻ nghèo vùng biên - Ảnh 3.

Nhờ tình thương và trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh, cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn có cơ hội bước sang trang mới. Ảnh: Gia Hưng

"Mỗi khi nhớ nhà, các em được cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đưa về gia đình. Sau một thời gian, hai em Hoàng, Khoa dần vào khuôn khổ. Sáng sớm nghe kẻng báo thức cũng dậy cùng hô theo động tác thể dục của bộ đội, buổi chiều các em ra vườn rau cùng nhặt cỏ, tưới rau... Chúng tôi phải rèn giũa các cháu từng ly, từng tý, từ cách đi đứng đến việc ăn nói lễ phép với người lớn tuổi", Thiếu tá Vì Văn Thịnh nói.

Bộ đội thành cha nuôi, đồn biên phòng thành nhà của trẻ nghèo vùng biên - Ảnh 4.

Mô hình Con nuôi Đồn Biên phòng mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết giữa cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng với đồng bào các dân tộc trên biên giới. Ảnh: Gia Hưng

Từ khi triển khai mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng" đến nay, các Đồn Biên phòng tại các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đón cả chục em nhỏ về nuôi tại các đơn vị. Các em được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chú bộ đội. Toàn bộ chi phí ăn học, sinh sống, quần áo, sách vở của các em đều do cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị đóng góp.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: "Các đơn vị rất phấn khởi và trách nhiệm trong việc đón các cháu về nuôi dưỡng. Chúng tôi huy động sự đóng góp của đơn vị, một số doanh nghiệp, nhà tài trợ để hỗ trợ cho các cháu đồ dùng học tập hằng ngày. 

Cán bộ, chiến sĩ cùng nhau hướng dẫn kèm cặp các cháu trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện thân thể, đạo đức... Có thể nói mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực hiện nay chúng tôi đang tiến hành khảo sát để tiếp tục triển khai tại một số đơn vị khác".

Bộ đội thành cha nuôi, đồn biên phòng thành nhà của trẻ nghèo vùng biên - Ảnh 5.

Nhờ được kèm cặp, các cháu đã tiến bộ nhanh trong học tập. Ảnh: Gia Hưng

"Triển khai mô hình, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất như phòng ngủ, quần áo, sách vở để các cháu học tập. Bước đầu thì cũng gặp nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian ngắn, với sự chăm lo của đơn vị, các cháu đã hòa nhập với cuộc sống tại môi trường quân đội và học tập tốt", Đại tá Vũ Đức Tú nói.

Bộ đội thành cha nuôi, đồn biên phòng thành nhà của trẻ nghèo vùng biên - Ảnh 6.

Ngoài việc kèm học hành, các con nuôi còn được dạy võ thuật, thể thao... Ảnh: Gia Hưng

Với mô hình nhân văn của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đồn biên phòng là mái ấm gia đình, bộ đội là cha, mẹ, là người thân, người thầy... của những cháu nhỏ có cuộc sống khó khăn miền biên giới. 

Mái ấm và tình yêu thương của những người lính quân hàm xanh đã và đang chắp cánh cho biết bao ước mơ tới trường của các em học trò nghèo nơi biên cương Tổ quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem