Bộ Công Thương: Kinh tế khó khăn, lượng ô tô, sắt thép, may mặc suy giảm trên hai con số

04/03/2023 13:13 GMT+7
Báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Công Thương đề cập đến hiện trạng sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực hai tháng đầu năm 2023 suy giảm mạnh trên hai con số so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế khó khăn, hàng loạt sản phẩm chủ lực suy giảm mạnh về số lượng

Cụ thể, sản phẩm ô tô giảm 18,3%; thép cán giảm 15,1%; quần áo mặc thường giảm 14,8%; thép thanh, thép góc giảm 13,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,3%; xe máy giảm 12,4%.

Bộ Công Thương: Kinh tế khó khăn, lượng ô tô, sắt thép, may mặc suy giảm trên hai con số - Ảnh 1.

Ô tô là một trong những sản phẩm chủ lực suy giảm sản lượng mạnh nhất trong hai tháng đầu năm do sức mua kém, kinh tế khó khăn, tồn kho cao

Các sản phẩm suy giảm trên một con số bao gồm điện thoại di động giảm 9,6%; sữa bột giảm 7,8%; dầu thô khai thác giảm 5,8%; xi măng giảm 5,6%; điện sản xuất giảm 4,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 4,7%.

Riêng mặt hàng bia tăng 33,5%; xăng dầu tăng 21,6%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương cho rằng,  năng lực sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu ngay từ đầu năm với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng. 

Theo Bộ Công Thương, bước sang tháng 02/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. 

Bộ Công Thương phân tích dù số ngày làm việc trong tháng 02/2023 nhiều hơn so với tháng trước đó nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng này ước chỉ tăng khoảng 5,1% và chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ. 

"Tính chung 02 tháng đầu năm 2023, IIP giảm 6,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 6,9%; công nghiệp khai khoáng ước giảm 3,8%; sản xuất và phân phối điện ước giảm 5,2%", báo cáo dẫn.

Ước tính của Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. 

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8%, làm giảm 0,6% trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9%, làm giảm 5,3%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2%, làm giảm 0,5%…

Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 13%; sản xuất kim loại giảm 12,2%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; dệt giảm 11%; sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 8,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 5,3%. 

Bộ Công Thương cho biết, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với tháng trước như: Quảng Nam giảm 38,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 18,2%; Vĩnh Long giảm 15,7%; Sóc Trăng giảm 15,5%; Lai Châu giảm 15,3%; Đà Nẵng giảm 10,4%; Bắc Ninh giảm 9,1%; Quãng Ngãi giảm 8,5%; Hà Giang giảm 6%...

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước sản xuất đồ uống tăng 32,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 6,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,3%; khai thác quặng kim loại tăng 4,2%.

Sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động đã quay trở lại làm việc trong doanh nghiệp. 

So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 tăng 3,6%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%.

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Tuyên Quang tăng 26,3%; Hải Phòng tăng 14,4%; Hải Dương và Phú Thọ tăng 14,3%; Kon Tum tăng 13,4%; Bắc Giang tăng 11,9%; An Giang tăng 11,8%; Hậu Giang tăng 8,9%. 

An Linh
Cùng chuyên mục