Bỏ chức Giám đốc một người Cà Mau về bỏ tiền tỷ trồng rau kiểu gì mà cứ cắt là siêu thị mua

Chúc Ly Thứ ba, ngày 07/02/2023 19:03 PM (GMT+7)
Dù tay ngang đến với nông nghiệp nhưng ông Phạm Văn Biển (50 tuổi, ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), người bỏ chức Giám đốc để về vườn, đã đầu tư hàng tỷ đồng để trồng rau thủy canh.
Bình luận 0

Bỏ chức Giám đốc lương tháng hàng chục triệu đồng về trồng rau thủy canh

Dẫn chúng tôi tham quan khu sản xuất 1.000m2 trong trại trồng rau thủy canh của mình, ông Biển chia sẻ: "Dù đến với nông nghiệp hơi muộn nhưng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về cách trồng rau sạch. Việc bỏ công việc ổn định về quê trồng rau thủy canh là ý tưởng tôi ấp ủ nhiều năm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định nghỉ hưu sớm để có thời gian chăm sóc cho gia đình".

Bỏ chức Giám đốc về vườn trồng rau thủy canh bán cho siêu thị - Ảnh 1.

Vườn rau thủy canh của ông Biển với chi phí đầu tư hàng tỷ đồng. Ảnh: Chúc Ly.

Ông Biển vốn là dân kỹ thuật, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM năm 1995. Sau đó, ông công tác tại bưu điện, rồi làm việc tại VNPT huyện Đầm Dơi. Ông gắn bó với công việc này và giữ chức vụ giám đốc với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng gần 10 năm.

Bằng quyết tâm tạo ra sản phẩm rau sạch để phục vụ cho lượng khách hàng riêng, ông Biển nhiều lần đến Đà Lạt để tham quan các mô hình trồng rau thủy canh. Những năm gần đây ông học tập kỹ thuật từ một hợp tác xã ở TP.HCM.

Đến đầu năm 2022, ông Biển đã mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng với khu sản xuất 1.000 m2; khu ươm, sơ chế, nhà sinh dưỡng 1.200 m2 tại ấp 2, xã An Xuyên, TP.Cà Mau.

Bỏ chức Giám đốc về vườn trồng rau thủy canh bán cho siêu thị - Ảnh 2.

Ông Biển kiểm tra một bụi rau sắp thu hoạch. Ảnh: Chúc Ly.

Nói về lí do quyết định đầu tư hệ thống nhà màng bài bản, ông Biển cho rằng: "Chi phí đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh khá lớn. Chính vì vậy, tôi quyết định xem xét thật kỹ rồi đầu tư luôn 1.000m2 trồng rau để tiết kiệm chi phí".

Thu 100 triệu đồng/tháng từ vườn rau thủy canh

Hiện ông Biển trồng 17 loại rau cải và xà lách đạt chuẩn VietGAP với phương pháp thủy canh hồi lưu. "Phương pháp này giúp tiết kiệm nhân công, chi phí, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Thông thường, mỗi vụ rau kéo dài từ 20 đến 50 ngày, tùy loại", ông Biển cho hay.

Bỏ chức Giám đốc về vườn trồng rau thủy canh bán cho siêu thị - Ảnh 3.

Khoảng 14h mỗi ngày, các nhân công sẽ thu hoạch rau. Ảnh: Chúc Ly.

Kể về quá trình xây dựng trại rau thủy canh, ông Biển cho biết đây là mô hình không khó thực hiện nhưng cần đầu tư bài bản, chi phí đầu tư cao và cần xác định được đối tượng khách hàng. "Tuy đã nắm vững kỹ thuật, nhưng ở vụ đầu tiên do chưa có đầu ra nên gần 4 tấn rau làm ra không bán được", ông Biển chia sẻ.

Không bỏ cuộc, ông Biển đã đem rau sạch trồng được biếu tặng bạn bè, người thân. Chính cách làm này đã giúp cho nhiều người biết đến vườn rau thủy canh của ông. Ngay ở vụ thứ 2, ông Biển đã được khách hàng tin tưởng tìm đến tận vườn.

Tiếng lành đồn xa, vườn rau thủy canh với sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng ngày càng được nhiều người biết đến. Các đơn hàng từ đó cũng nối nhau nhiều thêm từng ngày.

Bỏ chức Giám đốc về vườn trồng rau thủy canh bán cho siêu thị - Ảnh 4.

17 loại rau cải, xà lách được ông Biển chăm chút kỹ lưỡng trước khi đến tay khách hàng. Ảnh: Chúc Ly.

Vào khoảng tháng 8/2022, các loại rau, cải của ông Biển trồng đã đủ điều kiện vào siêu thị, sản lượng từ 50-60kg/ngày, với giá từ 32.000-40.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn bán cho các đại lý, chợ đầu mối, và khách mua lẻ với khoảng 80kg/ ngày, giá từ 40.000-45.000 đồng/kg.

Theo ông Biển, sau khi ươm giống khoảng 10 ngày thì cho cây con lên giàn trồng và cung cấp hỗn hợp dinh dưỡng để rau phát triển. Cứ khoảng 14h mỗi ngày, các nhân công sẽ tiến hành cắt rau, sơ chế, đóng gói và trữ mát. Đến khoảng 6h sáng hôm sau, rau được nhân công chuyển đến các điểm thu mua. Toàn bộ các khâu trồng, sơ chế và giao khách chỉ tốn 4 nhân công.

Với cách làm khoa học và lượng khách hàng ổn định, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Biển thu về hơn 100 triệu đồng mỗi tháng từ vườn rau thủy canh.

Bỏ chức Giám đốc về vườn trồng rau thủy canh bán cho siêu thị - Ảnh 5.

Cây con sau khi ươm khoảng 10 ngày sẽ được đưa lên giàn trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu. Ảnh: Chúc Ly.

"Khoảng hơn 2 năm tôi sẽ lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Lượng rau sạch hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu, tôi sẽ mở rộng quy mô và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người để cùng phát triển", ông Biển chia sẻ.

Cũng theo ông Biển, hiện nay khách hàng ưa chuộng các dòng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe. Trong khi tại Cà Mau chưa có nhiều điểm bán rau sạch, nên đầu tư trồng rau thủy canh là hướng đi tốt, lại phù hợp với các địa phương ven đô.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem