Bỏ cai vàng, về quê “thu vàng” ở trang trại cam trên núi

Xuân Tuấn Chủ nhật, ngày 08/01/2023 05:40 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Tú (thôn Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã dày công gây dựng trang trại cam, bưởi rộng 10ha trên núi. Ông Tú từng lang bạt kỳ hồ khắp các bãi vàng trên cả nước. Cách đây chục năm ông đã gác tay rửa kiếm về quê trồng cam. Giờ đây, ông đang “thu vàng” từ vườn cam, bưởi này.
Bình luận 0

Ngôi nhà xinh đẹp của ông Tú nằm cạnh đường cái. Người đàn ông đất Mường năm nay bước sang tuổi ngũ tuần cười nói rộn ràng ra tận đầu cổng đón chúng tôi. Chưa kịp ngồi ấm chỗ, bất chấp trời mưa, ông lôi chiếc xe máy ra chở chúng tôi lên trang trại. Ông Tú bảo: "Trang trại ở tít trên núi cao. Không ai nghĩ tôi có thể trồng cam thành công ở đó. Vùng đất trước đây chỉ để trồng rừng, nay đã biến thành cỗ máy in tiền rồi đấy".

Mắc màn cho... vườn cam

Sau mươi phút leo dốc núi, chúng tôi mới tới được trang trại của ông Tú. Cả một vùng rộng lớn được phủ kín bởi cây ăn quả. Từng hàng cam sai trĩu quả chín vàng rực. Những cât cam Canh, cam lòng vàng nối nhau dài tít tắp. Cạnh vườn cam là khu trồng bưởi da xanh, cây nào cũng xanh tốt, lá dày, thân vững chãi tỏa bóng mát. Điều khác biệt là vườn cam của ông Tú được phủ bởi những chiếc màn trắng xóa chống côn trùng xâm hại.

Bỏ cai vàng, về quê “thu vàng” ở trang trại cam  - Ảnh 1.

Sau cả chục năm làm trang trại, ông Tú mới bắt đầu có thu nhập. Vườn cam của ông phát triển tốt và cho chất lượng ngon hơn nhờ được trồng trên đồi, chăm bón kỹ lưỡng. Ảnh: Xuân Tuấn

"Làm vườn không đúng thời vô cùng vất vả. Mình bỏ tiền tỷ, giờ đi thu từng bạc lẻ. Nhưng tôi tin, vườn cam sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình. Mình đầu tư vào sản xuất sẽ bền vững và nó không như đánh bạc như những ngày đi phu vàng".

Nông dân Nguyễn Văn Tú

Ông Tú bước đi phăng phăng lên đồi. Ông thuộc hình dáng từng cây cam trong vườn. Có lẽ chẳng vườn cam nào ở đất Lạc Sơn lại được chăm chút cẩn thận như vườn cam của ông Tú, từng cây từng quả đều được ông nâng niu. 

Theo ông Tú, vườn cam đã cho quả được 3 năm. Hai vụ đầu tiên, ông nhìn thấy quả mà không được thu, bởi khi quả cam sắp chín thì bị con ngài (một loài côn trùng phá cam mạnh nhất) chích hút, nên cam cứ rụng dần. Nhìn vườn cam bị phá hoại trầm trọng, ông Tú xót lắm. 

Qua tìm hiểu trên mạng, ông biết được muốn trị đám côn trùng này dùng thuốc không xong mà phải mắc màn cho cây. "Vụ cam năm ngoái tôi đã mua màn làm thử, kết quả, toàn bộ cây cam được bảo vệ. Mình lại không mất công phun thuốc" - ông Tú cho biết.

Vụ cam năm nay, ông Tú đã đầu tư cả trăm triệu để mua màn, bảo vệ vườn cam. Theo ông Tú, đầu tháng 8, quả cam to bằng cái chén, ông bắt đầu trùm màn cho cây. Quả cam sẽ không bị côn trùng xâm hại, nên nó chín chậm và cho chất lượng ngon hơn. "Một cái màn có thể sử dụng được 4-5 vụ cam. Trong khi đó, vườn cam được bảo vệ an toàn, nên tính ra, nếu mắc màn cho cây, khoản lợi nhuận mang lại sẽ nhiều hơn" - ông Tú chia sẻ.

Ông Tú vừa đón tin vui khi vườn cam của ông được công nhận đạt chứng chỉ VietGAP. Từ đây việc bán hàng sẽ thuận lợi hơn. Giá bán cam tại trang trại của ông Tú luôn cao hơn thị trường từ 3 đến 5 giá. Hơn nữa, thương lái cũng rất thích mua cam tại vườn của ông vì quả cam mã đẹp lại cho chất lượng ngon hơn hẳn. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Tú đã tạo ra vườn cam có hương vị đặc trưng mà ít nơi có được.

Chở đá ngược ngàn

Bỏ cai vàng, về quê “thu vàng” ở trang trại cam  - Ảnh 3.

Ông Tú còn kỳ công bọc từng quả cam một. Cách làm này có tốn công và thêm chi phí, nhưng từng trái cam sẽ được bảo vệ an toàn cho đến lúc thu hoạch. Ảnh: Xuân Tuấn

Vườn cam, vườn bưởi nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Ông Tú đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Đưa ánh mắt tràn đầy nghị lực nhìn về dãy núi đá bao trọn lấy trang trại của gia đình, ông Tú kể về hành trình "vác đá ngược núi" của mình. 

Ông sinh ra ở đất Mường. Vốn có sở thích lang bạt kì hồ, nên cuộc đời ông cũng theo đó mà chìm nổi. Ở xứ Mường trước đây có mỏ vàng Kim Bôi và Lạc Sơn. Sẵn máu làm ăn, ông Tú đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc, thuê người khai thác vàng cho mình. Suốt mấy năm trời lao vào "khoét núi" đãi hy vọng, ông cũng có thu được chút ít. Khi đã sẵn kinh nghiệm tìm vận may trong núi, ông Tú đã nghĩ đến những mỏ vàng lớn hơn.

Việc khai thác vàng ở Hòa Bình dần cạn kiệt, ông đưa cả đám phu vàng 30 người ngược đất Tây Bắc tiếp tục tìm kiếm vận may. Mỏ vàng ở Thần Sa (Thái Nguyên), Pắc Ta (Tân Uyên, Lai Châu) rồi cả những mỏ vàng ở tận Sìn Hồ, Mường Tè xa xôi nơi cuối trời Tây Bắc, ông Tú đều có mặt. Vốn là bưởng vàng ở nơi xa đến, mỗi khi đến các bãi vàng mới, ông Tú nhiều lần phải đụng chân, đụng tay dằn mặt các mối khác mới tồn tại được. 

"Ở bãi vàng, còn mỗi chuyện chưa giết người thôi anh à. Kiếm được của núi rừng đồng nào lại nướng hết vào đỏ đen đồng đó. Suốt 20 năm, mang cả tính mạng ra để kiếm ăn mà tôi không cầm được đồng nào về nhà" - ông Tú chia sẻ về những ngày khoét núi ngủ hầm kiếm sống.

Ước mơ làm giàu từ nghề đào vàng tàn lụi, cái máu giang hồ trong ông cũng dần xẹp theo. Bỏ cả tuổi xuân để tranh đấu, kiếm cái ăn, khi trở về quê hương, ông vẫn tay trắng. Trong khi đó, bạn bè ở lại quê ai cũng có trang trại, có cuộc sống đề huề. Nhà ông có chục ha đất ở trên núi, ông cũng quyết định làm lại cuộc đời bằng cái nghề "bới đất lật cỏ".

Trang trại ở trên núi rất dốc, lại xa nguồn nước, xung quanh khu đất của ông Tú thì bà con chỉ trồng keo. Khi ông quyết định đưa cây cam, cây bưởi lên đó, nhiều người bảo khác nào "vác đá ngược núi". Bản thân ông chưa từng trồng cam, bưởi, nên ông cũng có chút băn khoăn. Ngày ông thuê máy mở đường, đánh bậc thang để trồng cây có múi là một lần nữa ông đánh cược với quyết định mạo hiểm của mình. Những bỡ ngỡ về cây giống, về cách chăm sóc cây cũng dần trôi qua. Ông Tú ngày ngày nai lưng ra đánh trần với việc đưa nước lên tưới cây.

"Ngày nắng nóng, đất trên núi như muốn nứt vụn ra. Tôi đưa máy nổ vào để bơm nước lên đồi. Nhiều lần quay máy nổ mà muốn tắc thở vì mệt. Có những lúc tôi đã định bỏ hết để đi làm việc khác. Nhưng rồi lại tự động viên mình, trồng cây phải kiên trì 10 năm mới có hy vọng" - ông Tú nhớ lại.

Suốt mấy năm trời, ông chỉ trông thấy cây với đất, nguồn lực của gia đình cũng đã cạn. Trong khi đó nuôi trang trại chẳng khác nào chăm con nghiện. Bao nhiêu tiền đổ vào cũng hết. Đến năm thứ tư, cây cam, cây bưởi cho quả bói lại rơi vào đúng giai đoạn giá cam, bưởi rẻ như bèo. Ông Tú càng lo hơn, khi đó ở thủ phủ cam Cao Phong, cây có múi bị bệnh ngày một nghiêm trọng. Ông làm vườn trong nỗi lo bộn bề đó. Mọi người bắt đầu phá vườn cam, vườn bưởi, ông lại tự động viên mình: Không thể buông xuôi, hết cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai.

Sau dịch Covid - 19, giá cam bắt đầu tăng dần lên. Người trồng cam có lãi, ông Tú mới thở phào bởi sự dũng cảm và kiên trì của mình đã được đền đáp. Vườn cam của ông nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình nên phát triển tốt. Năm nay giá cam đã tăng lên trên 20.000 đồng/kg, bằng với thời kì vàng son của thủ phủ cam Cao Phong. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem