Bình Thuận: Nhiều giải pháp để giảm nghèo nhanh và bền vững

Thùy Anh Thứ tư, ngày 03/05/2023 18:10 PM (GMT+7)
Mục tiêu trọng tâm trong năm 2023 của tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,52%. Đồng thời, tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều mô hình giảm nghèo điểm, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình đầu tư ứng trước... để giảm nghèo.
Bình luận 0

Toàn tỉnh còn hơn 8.500 hộ nghèo, chiếm hơn 2,5% tổng số hộ

Ngày 4/4/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1109/KH-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Mục đích của kế hoạch này là triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2004/2022/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo, năm 2022 tỉnh Bình Thuận đã triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được cải thiện.

Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022 cho thấy, Bình Thuận còn 8.659 hộ nghèo (chiếm 2,58% số hộ toàn tỉnh); trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 32,35%.

giảm nghèo

Tạo việc làm, phát triển mô hình sinh kế cho lao động nghèo là mục tiêu trọng tâm của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NN

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, theo kế hoạch năm 2023 tỉnh Bình Thuận đề ra mục tiêu giảm 0,52% hộ nghèo toàn tỉnh và đảm bảo người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống; tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đầu tư ứng trước vốn vật tư, hỗ trợ sản xuất cho người nghèo

Để giảm nghèo bền vững, tỉnh thực hiện nhiều chính sách đồng bộ. Một mặt phát triển cơ sở hạ tầng, mặt khác thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế sản xuất.

Theo Quyết định, quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách 13.222 thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh Bình Thuận có 10 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 3/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh, cụ thể: huyện Bắc Bình có Thôn Tiến Thành (Xã Phan Tiến); huyện Hàm Thuận Bắc có Thôn 2 (Xã Đông Giang); Thôn 2 (Xã Đông Tiến), Thôn Dân Hiệp (Xã Thuận Hòa); huyện Tánh Linh có Thôn 1 (Xã Măng Tố), Thôn 4 (Xã Gia Huynh), Thôn 2 (Xã Suối Kiết), Thôn 4 (Xã Đức Bình) và Khu phố Trà Cụ, Khu phố Tân Thành (Thị Trấn Lạc Tánh).

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Bình Thuận phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2025 bình quân hàng năm từ 0,7 - 1,0%.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động bố trí kinh phí, ứng trước để thực hiện song hành với các chương trình hỗ trợ của trung ương để thực hiện các chương trình giảm nghèo. Qua đó, tỉnh phát huy tinh thần chủ động, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững.

Chính sách đầu tư ứng trước được tỉnh Bình Thuận triển khai đến các hộ đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao tại các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc.

Theo đó, người dân vùng dân tộc thiểu số được chính quyền đầu tư ứng trước giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất xen ghép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Chương trình được triển khai từ 2016 đến nay, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất.

Kết quả, nhờ có chương trình bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp mà người dân đã yên tâm sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép nhằm cung ứng kịp thời giống lúa, bắp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại và chi phí cày đất phục vụ sản xuất của đồng bào với tổng giá trị trên 16 tỷ đồng/năm.

giảm nghèo

Rất nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đã được triển khai tới người nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NN

Riêng năm 2022, Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận) đã cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất bắp lai, lúa nước; tập trung thu mua hết số lượng lúa, bắp lai thương phẩm do đồng bào sản xuất gắn với việc thu hồi nợ đầu tư ứng trước. Đặc biệt, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư ứng trước cho 1.019 hộ dân với số tiền 16 tỷ đồng; trong đó, đầu tư ứng trước cây bắp lai cho hơn 900 hộ với số tiền 15,4 tỷ đồng. Kết thúc mùa vụ, Trung tâm tổ chức thu mua bắp lai thương phẩm, lúa nước, mủ cao su gắn với thu nợ đầu tư.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem