Ấn tượng với tục lệ lễ cúng vọng bố mẹ đã mất của phụ nữ Tày

Thị Nga Thứ bảy, ngày 04/02/2023 11:02 AM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, Bình Liêu đã trở thành địa điểm du lịch được nhiều du khách trong nước và nước ngoài biết đến. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi sống lưng Khủng long mà còn về bản sắc văn hóa của dân tộc Sán Chỉ, Tày…
Bình luận 0

Bình Liêu đa dân tộc mang bản sắc văn hóa rất riêng

Huyện Bình Liêu là một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh với đa dân tộc (khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), 05 dân tộc chính (dân tộc Tày chiếm 58,4%, dân tộc Dao chiếm 25,6%, dân tộc Sán Chỉ chiếm 15,4%, dân tộc Kinh chiếm 3,7%, dân tộc Hoa chiếm 0,3%) đã tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng.

Du khách ấn tượng với tục lệ lễ cúng vọng bố mẹ đã mất của phụ nữ Tày - Ảnh 1.

Du khách chụp ảnh trên sống lưng Khủng long huyện BÌnh Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Huy Hoàng

Cũng chính vì sự đa dân tộc này mà Bình Liêu thu hút du khách không chỉ ở vẻ đẹp sống lưng khủng long, cột mốc biên giới, triền cỏ lau hay vẻ hùng vỹ của núi mà còn ở chính sự phong phú về văn hóa, những giá trị bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Trong bản sắc văn hóa đó, có tục lệ lễ cúng vọng bố mẹ đã mất của phụ nữ Tày. Đây là lễ cúng cha mẹ đẻ đã mất nhằm thể hiện tấm lòng của người con đối với cha mẹ.

Đã thành thông lệ hàng năm, sáng mùng một tết, bên cạnh những lễ vật cúng tổ tiên bên gia đình nhà chồng thì người phụ nữ dân tộc Tày (có bố hoặc mẹ đã mất) còn chuẩn bị một mâm lễ vật riêng để thờ cúng bố mẹ trong ngày mùng 01. Lễ vật bao gồm một chiếc đùi gà (hoặc 01 miếng thịt lợn luộc), một cái bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo, rượu, tiền vàng, đặc biệt có một bát nước có lá chanh tươi với ngụ ý là bên nhà bố mẹ đã mất ăn chay mùng một nhưng khi đến nhà con gái thì ăn thịt (lễ vật của con gái chuẩn bị) nên khi ăn xong sẽ xúc miệng để quay về nhà con trai.

Du khách ấn tượng với tục lệ lễ cúng vọng bố mẹ đã mất của phụ nữ Tày - Ảnh 2.

Trong ảnh là lễ vật cúng vọng mẹ, nên chỉ dùng 01 nén hương. Ảnh: Thị Nga

Việc cúng thờ vọng thường được làm vào buổi sáng, sau khi đã cúng thờ tổ tiên bên nhà chồng.

Điểm tinh tế của những người phụ nữ Tày là không bao giờ đặt mâm cơm cúng ở gian thờ chính nhà chồng, mà thường đặt ở trước hiên nhà, gian chái nhà hoặc gian bếp vì có suy nghĩ không làm kinh động đến tổ tiên nhà chồng cũng như tạo một không gian riêng, yên tĩnh để nhớ về cha mẹ đã mất của mình cũng như tạo một không gian riêng để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ đã mất của mình.

Bình Liêu: Tục cúng vọng bày tỏ tấm lòng với bố mẹ

Chia sẻ với Dân Việt bà Lô Thị Liên, Khu Bình Đẳng, thị trấn Bình Liêu cho biết: "Bố mẹ tôi có 4 người con, 6 con trai, 3 con gái. Khi bố mẹ tôi mất, gia đình cũng có con cháu thờ phụng nhưng năm nào tôi cũng làm lễ cúng để tỏ lòng biết ơn với bố mẹ đã khuất của mình. Không chỉ tôi cúng cho bố mẹ tôi mà mẹ chồng tôi năm nay đã 90 tuổi nhưng bà cũng vẫn cúng cho bố mẹ đẻ của bà vào dịp Tết mỗi năm".

Theo bà Lô Thị Liên, đây là một nét đẹp văn hóa của phụ nữ dân tộc Tày cần tiếp tục được phát huy và lan tỏa để góp phần thay đổi tư tưởng, quan niệm phải sinh con trai để nối dõi tông đường, để lo việc hương hỏa cho người đã khuất.

Du khách ấn tượng với tục lệ lễ cúng vọng bố mẹ đã mất của phụ nữ Tày - Ảnh 3.

Tục lễ cúng vọng của phụ nữ Tày vào mùng một Tết. Ảnh Thị Nga

Còn với chị Triệu Hoàng Thị Nga trú tại thị trấn Bình Liêu thì chia sẻ: "Cứ vào dịp Tết Nguyên đán tôi đều làm mâm cơm cúng vọng cho mẹ đẻ. Năm nào cũng vậy, đúng vào mùng một Tết Nguyên đán, tôi làm mâm cơm cúng mẹ đẻ. Tôi hay làm những món ăn mà mẹ tôi thích ăn khi còn sống. Đó là cách để tôi thể hiện tấm lòng của mình với mẹ. Đồng thời cũng giáo dục con trong gia đình biết yêu thương, kính trọng các bậc sinh thành".

Chị Triệu Hoàng Thị Nga cho biết thêm, quan niệm của phụ nữ Tày không cần phải quá cầu kỳ với đồ lễ cúng vọng, mà tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình mà chuẩn bị như: vàng mã, thịt gà hoặc thịt lợn luộc, bánh chưng, rượu, hoa quả…

Chia sẻ với Dân Việt, du khách Hoàng Thanh Bình, đến từ Hà Nội cho biết: "Gia đình tôi cứ cách một năm thì sẽ đi du lịch, nghỉ ngơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán, năm 2023 vừa qua, dịch cũng đã được kiểm soát, du lịch đã mở cửa trở lại hoàn toàn nên gia đình tôi quyết định đi du lịch ở Bình Liêu, Quảng Ninh vào dịp Tết Nguyên đán để mong có một lần trải nghiệm đúng nghĩa tại Bình Liêu.

Điều tôi khá bất ngờ khi được chứng kiến người phụ nữ (nơi tôi lưu trú) đúng sáng mùng một Tết, chị đặt một mâm cơm ngoài hiên nhà mà không phải đặt mâm cơm ở gian thờ chính trong nhà. Khi tôi thắc mắc hỏi thì được chủ nhà giải thích đó là mâm cơm cúng vọng bố mẹ đẻ của mình.

Sau đó tôi đã được nghe kể về tục lễ cúng vọng của người phụ nữ Tày. Tôi thực sự ấn tượng và xúc động. Bởi nhớ về cha mẹ, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục là nét đẹp văn hóa lâu đời mà dân tộc, gia đình nào cũng làm và mỗi dân tộc, gia đình có một cách thể hiện khác nhau thể hiện tấm lòng hiếu thuận đó, tuy nhiên với tục lễ cúng vọng của phụ nữ Tày lại là một là nét đẹp rất riêng.

Không những vậy, tục lễ cúng vọng đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc bởi dù sống ở nhà chồng, hương khói cho gia đình nhà chồng nhưng người phụ nữ vẫn không quên chăm sóc cho phần tâm linh của gia đình nhà bố mẹ đẻ. Càng ý nghĩa hơn khi gia đình nhà chồng cho phép, tạo điều kiện cho người con dâu làm lễ cúng ông bà thông gia tại nhà mình".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem