Mưa lớn gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, Bình Dương khẩn trương gia cố đê bao trước cao điểm mùa mưa

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 18/06/2022 20:02 PM (GMT+7)
Nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã và đang được ngành thủy lợi tăng cường gia cố, sửa chữa để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lụt bão trước cao điểm mùa mưa.
Bình luận 0

Hiệu quả từ gia cố đê bao

Phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một) vốn nằm ven sông Sài Gòn nên nguy cơ ngập úng rất cao. Nhất là mỗi khi triều cường trùng với thời điểm có mưa lớn, hoặc khi hồ Dầu Tiếng xả lũ qua tràn.

Rạch Ông Ba Đúng là một chi lưu của sông Sài Gòn, nằm trên địa bàn khu phố 4, phường Tân An. Công trình nạo vét, cơi đắp, gia cố rạch Ông Ba Đúng do UBND TP.Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. 

Phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một) nằm ven sông Sài Gòn. Ảnh: Google Map

Phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một) nằm ven sông Sài Gòn. Ảnh: Google Map

Do bờ bao tuyến rạch này đi ra khu vực có nền đất yếu. Kết cấu bờ bao chủ yếu là bùn đất pha cát. Vì thế, trong quá trình nạo vét, đơn vị thi công phải tiến hành gia cố bằng cừ tràm ở mép bờ (bên trong lòng rạch) trên suốt áo dài của tuyến.

Trước khi công trình được triển khai, chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân để tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của công trình. Đồng thời, vận động bà con tham gia hiến đất và giám sát quá trình thi công.

Sau khi hoàn thành, công trình đã cơ bản khắc phục được tình trạng ngập úng cục bộ thường xuất hiện vào những tháng cao điểm mùa mưa tại khu vực này.

Ông Trịnh Văn Minh, người dân ở khu phố 4 (phường Tân An) kể, trước đây, mỗi khi mưa lớn hoặc hồ Dầu Tiếng xả nước thì các hộ dân xung quanh đều bị nước ngập vào nhà.

"Từ khi thành phố xây dựng bờ kè, nạo vét kênh rạch, bà con rất mừng vì thoát cảnh ngập úng, hạn chế tình trạng muỗi mòng gây bệnh sốt xuất huyết. Mỹ quan khu phố cũng sạch đẹp hơn", ông Minh nói.

Rạch Ông Ba Đúng ở phường Tân An (TP.Thủ Dầu) đưa vào sử dụng sau khi nạo vét, gia cố. Ảnh: Trần Khánh

Rạch Ông Ba Đúng ở phường Tân An (TP.Thủ Dầu) đưa vào sử dụng sau khi nạo vét, gia cố. Ảnh: Trần Khánh

Khẩn trương gia cố đê bao các tuyến kênh rạch khác

Ngoài công trình gia cố bờ bao rạch ông Ba Đúng, một số công  gia cố, nạo vét kênh rạch khác ở TP.Thủ Dầu Một cũng đã và đang được triển khai.

Tại khu phố 5, rạch Tôm dài 2,5km. Theo thiết kế, công trình gia cố bờ bao rạch Tôm sẽ được gia cố chống sạt lở bằng cừ tràm và phênh tre. Công trình đồng thời nâng cao trình lên 2,2m đảm bảo ngăn lũ hiệu quả, và giúp các phương tiện qua lại thuận tiện.

Hiện các phương tiện thi công được huy động đến công trình làm việc khẩn trương để sớm hoàn thành trước khi bước vào cao điểm mùa mưa.

Các phương tiện thi công đang gia cố bờ bao rạch Tôm, phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: Trần Khánh

Các phương tiện thi công đang gia cố bờ bao rạch Tôm, phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: Trần Khánh

Công trình gia cố rạch Bình Điền (dài 1,3km) ở kế bên rạch Tôm cũng nhằm mục đích khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ mùa mưa, và tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa của người dân có đất canh tác dọc theo bờ bao.

Bà Nguyễn Thị Nết, người dân ở khu phố 5 (phường Tân An) kể, ngày trước, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản chủ yếu bằng xe đạp hoặc ghe xuồng.

Bà Nết là một trong những người cùng tham gia hiến đất để gia cố bờ bao. "Công trình đang trong giai đoạn hoàn tất. Cảnh quan đẹp đẽ và xe cộ đi lại dễ dàng ra thẳng cầu Rạch Tôm luôn", bà Nết nói.

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Bình Dương, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp. Đến cuối năm, thiên tai còn diễn biến khó lường.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các sở ngành đoàn thể, UBND các huyện thị cần tập trung triển khai công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 trận thiên tai, làm thiệt hại về tài sản gần 55 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra các trận mưa to hoặc mưa dông kèm lốc, sét đánh.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa lớn. Nhất là trong tháng 4, tháng 5 vừa qua, nhiều cơn mưa lớn kèm với lốc xoáy ảnh hưởng đến nhà dân, gây thiệt hại nhiều đến người và tài sản.

Các đợt thiên tai vừa qua đã làm, 1 người thiệt mạng, làm tốc mái 8 căn nhà, 2.000 cây cao su bị gãy đổ, gây ngập úng 70ha đất trồng cây ăn trái. Ước thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng.

Lực lượng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ TP.Thuận An đang khẩn trương gia cố bờ bao. Ảnh: Minh Duy

Lực lượng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ TP.Thuận An đang khẩn trương gia cố bờ bao. Ảnh: Minh Duy

Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, ngành nông nghiệp, đang chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp khẩn trương kiểm tra các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai.

"Đặc biệt là đảm bảo các công trình hồ chứa, đê bao, tiêu thoát nước đầy đủ, đúng định kỳ trước, trong và sau mùa mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra", ông Bông nói.  

Ông Mai Hùng Dũng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị khai thác, quản lý hồ và các ngành, địa phương cần có đơn vị túc trực các công trình đang thi công. Việc này nhằm đề phòng khi mưa bão thì có phương án xử lý kịp thời, hạn chế ngập lụt, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Các ngành, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đang thi công để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão, hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công.

"Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra trong mùa mưa bão cũng cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức phòng chống thiên tai của mỗi người dân", ông Dũng đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem