Bình Dương hỗ trợ phát triển vườn cây đặc sản, những loại cây nào được đầu tư?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 06/12/2022 06:12 AM (GMT+7)
Chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn mới sẽ theo hướng Nhà nước và người dân cùng thực hiện, thay vì Nhà nước hỗ trợ đơn thuần như Quy định 63 trước đây. Những loại cây đặc sản nào được đầu tư?
Bình luận 0

Hỗ trợ phát triển vườn cây ăn trái đặc sản

Tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn TP.Thuận An hiện có hơn 1.000ha. Chăm sóc vườn cây ăn trái đặc sản là hoạt động sản xuất có tính đặc thù ở địa phương này.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quy định 63 về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với công nghiệp chế biến, và du lịch sinh thái.

Theo đó, TP.Thuận An có 4 phường ven sông Sài Gòn được hỗ trợ là: Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và An Sơn; áp dụng cho 5 loại cây: Măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít tố nữ. Xã Bạch Đằng của thị xã Tân Uyên được áp dụng hỗ trợ cho 2 loại cây: Bưởi ổi, bưởi đường lá cam.

Bình Dương hỗ trợ phát triển vườn cây đặc sản - Ảnh 1.

Các loại trái cây đặc sản của Thuận An, Bình Dương. Ảnh: T.L

"Tỉnh Bình Dương sẽ lựa chọn cách thức sao cho chính sách hỗ trợ cho người dân được hiệu quả nhất, người dân phải được thụ hưởng chính sách một cách tốt nhất" -

Bà Phượng chia sẻ.

Theo Quy định 63, người trồng mới hoặc cải tạo trồng mới từ vườn cây già cỗi, vườn tạp kém hiệu quả được hỗ trợ 100% giống; 50% vật tư nông nghiệp; hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha cho kiến thiết vườn trồng mới. Và các chính sách hỗ trợ khác cho việc thâm canh, chăm sóc vườn cây ăn trái đặc sản.

Ông Nguyễn Văn Dội - chủ nhà vườn 99 ở phường Hưng Định kể, vườn cây ăn trái 2ha với đủ loại sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, dâu... của gia đình đã có từ thời cha ông. Những năm qua, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp người dân có điều kiện cải tạo vườn cây, và giữ được thương hiệu đặc sản cây ăn trái Lái Thiêu.

Bà Trần Thủy Lâm Trưng (ngụ phường An Sơn) là người gắn bó với cây măng cụt đã hơn 10 năm nay. Bà Lâm Trưng kể, cây măng cụt có tính thời vụ, mỗi năm thu hoạch không nhiều. Như năm trước, sản lượng măng cụt thấp, đời sống người dân khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. "Nếu Bình Dương không hỗ trợ, sẽ có nhiều người dân vất vả vì khó giữ được vườn cây"- bà Trưng nói.

Tiếp tục khuyến khích

Ông Nguyễn Văn Ba (phường Bình Nhâm) cho biết, thời gian qua, rất nhiều nông dân trồng cây ăn trái đặc sản được hưởng lợi từ Quy định 63 năm 2016 của UBND tỉnh Bình Dương.

Còn bà Nguyễn Trường Nhật Phượng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương đã được thực hiện kể từ năm 2007. Khi đó TP.Thuận An vẫn còn là thị xã Thuận An.

Đến năm 2012, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mở rộng danh sách đối tượng hỗ trợ, bao gồm các vườn cây ăn trái đặc sản trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó có Thuận An.

Đến năm 2016, Bình Dương ban hành chính sách mới, xác định giai đoạn thực hiện của Quy định 63 là 5 năm (giai đoạn 2017-2021). Đến cuối năm 2021, Quy định 63 đã hết hiệu lực thi hành.

Cuối năm 2021, Sở NNPTNT có tờ trình gửi UBND tỉnh, phân tích những mặt được và chưa được của Quy định 63. Theo đề xuất mà Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh, việc tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ như Quy định 63 thời gian qua sẽ không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, Sở NNPTNT đề xuất ban hành một đề án tổng thể nhằm phát triển vườn cây ăn trái đặc sản toàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, chính sách hỗ trợ giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn mới sẽ theo hướng Nhà nước và người dân cùng thực hiện, thay vì Nhà nước hỗ trợ đơn thuần như Quy định 63 trước đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem