Biên giới tê liệt, thanh long "mắc kẹt", hàng trăm tài xế méo mặt

Ngân Hương (tổng hợp) Thứ ba, ngày 04/02/2020 16:36 PM (GMT+7)
Mặc dù đã thông tin đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng hiện vẫn có hơn 100 container (hơn 2.000 tấn) thanh long đang “mắc kẹt” tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Tình hình này khiến các tài xế, chủ hàng gặp muôn vàn khó khăn.
Bình luận 0

Hàng trăm xe hàng ùn ứ, mắc kẹt 

Trước đó, theo thông báo của Cục Thương vụ Công nghiệp và Thông tin, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), việc giao dịch tại chợ trao đổi cư dân biên giới Bắc Sơn - Hà Khẩu sẽ tạm dừng từ ngày 30/1 do dịch viêm phổi do virus Corona gây ra có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.

Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, nhiều container đang xếp hàng trong bãi thông quan và một số đường nhánh dẫn vào khu vực cửa khẩu.

img

Hàng dài container thanh long đang "mắc kẹt" tại Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: baolaocai

Anh Nguyễn Văn Tài, một lái xe cho biết: Số thanh long trong các xe chở ra cửa khẩu là hàng do thương lái Trung Quốc thu mua từ tỉnh Bình Thuận, lái xe chỉ chở thuê với điều kiện phải bảo quản tốt ở nhiệt độ phù hợp. Khi đến Lào Cai, biết thông tin Trung Quốc tạm dừng không nhập khẩu thanh long qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, anh đã liên hệ với thương lái Việt về cách xử lý. Trong thời gian này, các container vẫn phải thuê máy phát điện để đảm bảo nhiệt độ bảo quản quả thanh long.

Trong khi đó, lái xe Trần Anh Quyết lại tỏ ra lo lắng: Trách nhiệm của các lái xe là phải đảm bảo chất lượng hàng thanh long trên đường vận chuyển. Vì khi thu mua, thương lái Trung Quốc đã chọn hàng tốt mà khi đến tay họ quả bị hỏng thì lái xe phải đền tiền. Mắc kẹt tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, anh lo thanh long sẽ bị héo.

Nhiều lái xe khác mắc võng, thức đêm để theo dõi nhiệt độ container và độ tươi của quả thanh long, may mấy hôm nay trời lạnh nên thanh long sẽ lâu héo hơn.

img

Các tài xế tranh thủ nấu ăn ngay trên đường trong lúc chờ hàng hoá thông quan tại cửa khẩu Lào Cai. Nguồn: baolaocai 

Thanh long và một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xếp vào hàng cư dân biên giới (biên mậu), nên tạm thời Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu. Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đều được Trung Quốc xếp vào hàng hóa biên mậu.

Ông Trần Anh Tú - Phó Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: “Toàn bộ hàng thanh long khi sang Trung Quốc tập trung tại chợ biên mậu, trong chợ biên mậu đó thì theo thông tin từ phía Trung Quốc, lượng công nhân bốc xếp rất lớn. Chính vì vậy, sau khi xảy ra dịch viêm phổi cấp do virus Corona, toàn bộ công nhân trong chợ không thực hiện việc bốc xếp trong chợ đó nữa. Họ tạm dừng toàn bộ hoạt động ở chợ, chính vì vậy lượng hàng thanh long của Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng bị tạm dừng”.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, khi có thông tin từ phía Trung Quốc nhập khẩu trở lại, sẽ sớm thông báo đến các doanh nghiệp để sớm có phương án xử lý hàng hóa. 

img

Một vườn thanh long ở Long An vừa thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua. Ảnh: Thân Vũ

Không nên đưa hàng lên biên giới lúc này

Ngoài cửa khẩu Lào Cai, hiện mỗi ngày vẫn có thêm khoảng 20 xe container chở nông sản nằm chờ mòn mỏi ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Hầu hết các xe này di chuyển từ miền Nam ra cửa khẩu từ trước thời điểm đóng biên nên buộc phải nằm chờ. 

Tại hội nghị "Thúc đẩy đầu tư thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch virus corona", do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều qua 3/2, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang nằm chờ thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, trong đó có 190 xe chở thanh long, tính ra trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói, thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, bình quân mỗi ngày 20-30 xe container.

img

Hàng dài xe container chở nông sản nối đuôi nhau ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: I.T

Hiện lực lượng biên phòng cửa khẩu đã chủ động thông báo cho các chủ xe, tiểu thương về tình trạng ngừng giao thương hàng hóa giữa hai nước để hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, phải chời đợi lâu mới có thể thông quan, nhiều tài xế đã quyết định quay đầu xe đưa hàng về nội địa tiêu thụ, thậm chí chấp nhận bán với giá rẻ. 

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, những ngày qua hai bên đã tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn đọng ở các cửa khẩu. Dự kiến với những xe đã có hợp đồng mua bán ngoại thương sẽ cho hàng qua lại giữa các cửa khẩu để lưu thông hàng hóa.

Điều đáng nói là ngay cả khi các xe thanh long đã có hợp đồng mua bán ngoại thương nếu có sang được bên kia cửa khẩu thì cũng vẫn phải... nằm chờ, do các chợ đầu mối phía Trung Quốc vẫn đang đóng cửa. Chưa kể nếu có giao thương, tài xế cũng phải thực hiện yêu cầu cách ly 14 ngày.  

Ông Nguyễn Công Trưởng cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các bến bãi chỉ thu phí ban đầu, còn những ngày còn lại không được phép thu bởi bà con đang rất vất vả. Giá thanh long trước tết đạt 35.000 đồng/kg nay chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, dưa hấu giảm sâu, còn 1.000 đồng/kg. Các bến bãi sẽ hỗ trợ ăn uống, nơi nghỉ ngơi, tắm rửa cho các tài xế để các chủ hàng yên tâm.

Tạm dừng xuống giống dưa hấu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn tới do các đoàn đàm phán hai bên sẽ khó tiếp tục lịch trình để mở cửa chính thức cho nhiều loại nông sản.

“Hiện nay “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, lõi là thanh long, có thế tới đây là dưa hấu. Để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước.

Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…

"Quan trọng nhất, các địa phương cần khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như ở Sơn La thành lập rất nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, không khóc vì con virus corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác", Bộ trưởng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem