Bí mật “liên minh” kỳ diệu chống biến đổi khí hậu giữa đại bàng và nông dân

Trương Thị Lê Xuân Thứ ba, ngày 28/03/2023 22:01 PM (GMT+7)
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Ecosphere đã phác thảo mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa đại bàng đầu trắng và nông dân chăn nuôi bò sữa ở phía tây bắc bang Ứahington, Mỹ.
Bình luận 0
Bí mật “liên minh” kỳ diệu chống biến đổi khí hậu giữa đại bàng và nông dân - Ảnh 1.

Đại bàng đầu trắng là một loài chim săn mồi lớn có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Chúng được biết đến với vẻ ngoài nổi bật, đầu và đuôi màu trắng tương phản với cơ thể màu nâu sẫm.

 Một nghiên cứu gần đây cho thấy những con đại bàng đầu trắng ở phía tây bắc bang Washington đã thích nghi với những thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra. Chế độ ăn truyền thống của chúng là xác cá hồi nhưng giờ đây chúng đang tìm kiếm các nguồn thức ăn mới. Nhờ tập tính mới này, đại bàng đầu trắng đã trở thành tài sản quý giá đối với những người chăn nuôi bò sữa trong vùng. Đại bàng trở thành một “phương pháp” kiểm soát dịch hại tự nhiên và hiệu quả bằng cách ngăn chặn các loài sâu bọ và loại bỏ xác động vật khỏi trang trại. 

Tác giả chính của nghiên cứu Ethan Duvall, nghiên cứu sinh tiến sĩ về sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Cornell, cho biết: “Thông thường mối quan hệ giữa chim săn mồi và nông dân khá tiêu cực và bạo lực, chủ yếu là do đại bàng thường ăn thịt vật nuôi. Tuy nhiên, những người chăn nuôi bò sữa ở tây bắc Washington không quá để tâm đến những mối đe dọa đó. Trên thực tế, nhiều nông dân đánh giá cao các lợi ích mà đại bàng mang lại như “dọn” xác động vật chết và ngăn chặn sâu bệnh”.

Duvall, cùng với các cộng tác viên Emily Schwabe và Karen Steensma từ Đại học Washington và Đại học Trinity Western ở Canada, đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp với nông dân trong các cơ sở chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ, vừa và lớn ở Hạt Whatcom để hiểu rõ hơn về mối quan hệ độc đáo này. Cơ sở của nghiên cứu này được thúc đẩy bởi nghiên cứu gần nhất của Duvall. Trong nghiên cứu trước, khu vực sống của đại bàng đầu trắng đang được phân bố lại, chúng chuyển từ các con sông đến sống ở vùng đất nông nghiệp để đối phó với tình trạng lượng cá hồi ngày càng giảm trong suốt 50 năm qua.

Duvall sau khi liên lạc với Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell cho hay: “Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi lịch sinh sản của cá hồi chó, khiến chúng phải bơi ngược dòng để sinh sớm hơn vào mùa đông. Hiện nay cá hồi đang sinh sản khi lũ lụt hàng năm trên sông Nooksack lên đến đỉnh điểm. Những con cá sau khi đẻ trứng và chết sẽ bị nước dâng cao cuốn trôi chứ không dạt vào bờ nơi đại bàng có thể dễ dàng tiếp cận.”

Duvall cho biết sự thay đổi về thời gian đã làm giảm số lượng xác cá hồi chứ không phải tổng số lượng của toàn đàn cá. Tuy nhiên, nhiều con sông ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng cá hồi, đồng thời khiến nguồn thức ăn mùa đông cho đại bàng trở nên khan hiếm.

Để thích nghi với việc nguồn thức ăn tự nhiên sụt giảm, đại bàng đã tìm kiếm nguồn cung mới. Chúng ăn xác những con bò đã chết, hoặc những loài chim sống ở vùng nước nhưng kiếm ăn tại các vùng nông nghiệp. Đại bàng đầu trắng cũng ngăn chặn các động vật gây hại cho trang trại như loài gặm nhấm và chim sáo đá.

Duvall cho biết: “Chúng tôi biết sự tương tác tích cực này giữa nông dân và đại bàng đầu trắng không phải là điều bình thường ở nhiều khu vực nông nghiệp khác, đặc biệt là các trang trại gia cầm thả rông vì đại bàng thường bắt gà. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho tôi hy vọng rằng, trong tương lai, nông dân, các nhà quản lý động vật hoang dã và khu bảo tồn có thể hợp tác về cách tối đa hóa lợi ích cho con người và động vật hoang dã trong cùng một không gian sống".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem