dd/mm/yyyy

Bí kíp luyện 'chiến kê' nghìn đô của 9X Hà Thành

Những 'chiến kê' dũng mãnh có giá hàng chục triệu đồng được chăm sóc theo chế độ đặc biệt như nằm điều hòa, xông hơi thuốc bắc và được tầm bổ sụn vây cá mập, tam thất mật ong, nhung hươu… để tăng sức dẻo dai, khỏe mạnh trước mỗi trận tỉ thí.

'Chiến kê' biệt danh Tía thằn lằn ở trang trại của Nam khá nổi tiếng nhờ những miếng ra đòn thông minh, tốc độ.

“Gà chọi” hay “đá gà” là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời. Đây không chỉ là thú chơi giải trí mà còn là một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ và chất keo gắn kết cộng đồng. Tại Hà Nội, thú chơi gà chọi nở rộ và phát triển thành phong trào thu hút khá đông người tham gia. Trong đó, anh Nguyễn Hoài Nam (Sn 1990, Trương Định – Hà Nội) nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhờ sở hữu những chú “chiến kê” huyền thoại với những miếng ra đòn đã trở thành nỗi ám ảnh cho mọi đối thủ.

Chọn gà đoán tướng

Theo Nam, chơi gà chọi không chỉ là đam mê mà còn là thú chơi với nhiều công phu và tốn kém. Để lựa chọn được một con gà đá giỏi, ngoài việc chọn tông dòng (gà bố mẹ đạt chuẩn) thì quan trọng nhất là hình dáng, thần thái gà. Nam phân tích: “Chọn gà phải nhớ nằm lòng khẩu quyết: “Nhứt thủ”, nhị vĩ, tam hình, tứ túc”.

Trang trại mini được Nam thiết kế ngay trên mái nhà với khoảng 20 gà chọi thiện chiến có giá lên tới hàng trăm triệu đồng

 Tuy nhiên, người chơi gà chọi quý “gà” hơn vàng nên đôi khi có tiền cũng chưa chắc đã mua được mà còn tùy duyên. Trong nhiều trường hợp chủ gà sẵn sàng trao tặng gà quý nếu cảm thấy người mua có tâm huyết và yêu thích thật sự.

Nguyễn Hoài Nam

Trong đó, mắt phải tinh nhanh, cổ tròn đều, vai nhô cao, thân hình tròn trịa, ngực nở, lườn thẳng. Về chân, bàn ngón dài rộng, cựa thấp, dáng đứng vòng kiềng. Da thịt hồng hào, dáng đi hùng dũng đặc biệt toát ra thần thái lanh lẹ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn quan trọng nhất của gà chọi là sức mạnh và khả năng ra đòn. Gà càng dẻo dai, có đòn miếng thông minh, mạnh mẽ với độ bền tốt càng được săn lùng và trả giá cao.

Trên thực tế, Nam cho biết rất hiếm tìm được những con gà chọi “hội tụ” đầy đủ những yếu tố này. Thường thì trong cả trăm con, thậm chí hàng nghìn con mới lựa được một vài con đạt chuẩn. Cũng vì độ quý hiếm mà việc săn lùng những chú “chiến kê” này càng trở lên khó khăn.

Muốn mua được gà đẹp đôi khi người chơi phải chịu khó đi xa, vào tận Bình Định, Đồng Tháp hoặc đến các vùng Thổ Hà (Bắc Ninh), Trường Yên – Hoa Lư (Ninh Bình)… những nơi được mệnh danh là “đại bản doanh” của gà chọi.

Giá của một con gà chọi thông thường chỉ dao động từ 2 – 5 triệu nhưng đối với những con gà được xem là “mãnh chiến” thì giá có thể được trả lên tới vài chục thậm chí cả trăm triệu. Nam cho hay, ở miền Bắc, “ huyền thoại Xám Thần” của tay chơi Phú Thọ được xem là con gà đắt giá nhất khi được định giá lên tới hơn 400 triệu.


Nguyễn Hoài Nam bên một chú gà "thiện chiến" nổi tiếng với những cú ra đòn thần tốc và bản lĩnh.

Bản thân Nam cách đây vài năm cũng từng sở hữu một chú “chiến kê” với những cú ra đòn vô cùng dũng mãnh và từng được một dân chơi trả giá hơn 90 triệu. Sở dĩ những chú chiến kê này được định giá cao là bởi khi tham gia vào các trận đấu, chúng hạ gục đối thủ bằng những miếng đòn thông minh, nhanh gọn và chưa bao giờ biết bại trận.

 


Để chăm sóc và huấn luyện gà chọi phải dành thời gian và đầu tư công sức công phu, tỉ mỉ.

Chia sẻ về đam mê của mình, Nam cho biết, bản thân bắt đầu chơi gà chọi từ năm 6 tuổi, ban đầu không có tiền Nam chỉ dám đi xin gà con về nuôi rồi huấn luyện. Năm học lớp 2, vì yêu thích nên Nam tích cóp tiền ăn sáng, giấu bố mẹ bán xe đạp lấy tiền mua gà chọi rồi mang đi khắp hội làng “tỉ thí”.

“Thú chơi này đã đam mê và yêu thích thì rất khó bỏ, như ăn vào máu thịt. Nhiều khi bố mẹ rồi anh chị em cũng phàn nàn và có chút khó chịu khi mình dành quá nhiều thời gian chăm sóc gà chọi. Thế nhưng lâu dần thì mọi người cũng ủng hộ vì hiểu đây là thú chơi lành mạnh”, Nam cho hay.

Bí kịp luyện gà đặc biệt

Hiện tại vì không gian chật chội, nên tay chơi 9x này thiết kế một trang trại nuôi gà chọi ngay trên sân thượng căn nhà để thỏa mãn niềm đam mê này. Trong diện tích chỉ khoảng 27m2, Nam thiết kế chuồng thành các ô nhỏ 2 tầng và bố trí hợp lý để gà có khoảng không tắm nắng hàng ngày.


Mỗi con gà chọi được Nam nhốt riêng một chuồng đồng thời bố trí khoảng không đón ánh nắng mặt trời.

Để tạo không gian khô thoáng và đảm bảo nhiệt độ lý tưởng cho gà sinh trưởng và phát triển tốt, Nam còn đầu tư điều hòa 2 chiều, quạt thông gió và các bóng đèn sưởi bên trong trang trại. “Lúc nào nhiệt độ chuồng trại cũng phải đảm bảo khoảng 28 – 32 độ C. Gà khỏe mạnh, được chăm sóc tốt thì sức chiến đấu mới vững vàng, dẻo dai”. Khác với các loại gà khác, chế độ ăn của gà chọi phải tuân thủ những tiêu chuẩn vô cùng nghiêm ngặt như “ăn chín, uống sôi”.

Thông thường một ngày gà chọi ăn 3 bữa, trong đó hai bữa chính gồm thóc ngâm, chất tươi có thể là thịt bò, lươn, thằn lằn và một bữa phụ gồm rau xanh và hoa quả. Riêng đối với những “chiến kê” đặc biệt thì Nam luôn cho ăn theo một chế độ cao cấp: “Trước mỗi trận đấu để gà có sức dẻo dai, sức khỏe tốt đôi khi những chủ gà còn bồi bổ sụn vây cá mập, tam thất mật ong, nhung hươu… đồng thời cho gà uống kèm với các loại vitamin và khoáng chất khác”, Nam bật mí.


Thằn lằn được Nam mua về làm thức ăn cho gà chọi

Chủ gà này cũng tiết lộ, cứ vài ngày người chơi lại phải tiến hành “xông hơi”, “om, xoa” hoặc tắm khô bằng các lá cây thuốc như: ngải cứu, lá tre, vỏ cây gạo, nghệ… Công nghệ này diễn ra vô cùng công phu và tỉ mẩn. Hỗn hợp lá thuốc được đun sôi, để nguội bớt sau đó dùng khăn mặt thấm thứ nước hỗn hợp ấy đắp vào cơ thể gà. Thậm chí, kỳ công đến nỗi, vào mỗi buổi tối, để chân gà cứng cáp, người chơi còn phải tiến hành ngâm chân gà trong hỗn hợp nghệ, muối, nước tiểu… rồi “massage” toàn thân cho gà.

Nam chia sẻ: “Trung bình, sau khoảng 10 tháng kể từ khi nở, gà chọi sẽ được chủ mang đi “đánh tập” ở các sới nhà để cọ sát, luyện tập. Đối với những con gà độ chiến thì bắt đầu bước vào giai đoạn “nước rút” với hàng loạt các chế độ “vần vỗ”, “om bóp”, bồi bổ thường xuyên giúp gà đạt thể lực tốt nhất. Nói chung, thời gian công sức và chi phí bỏ ra để nuôi gà chọi không hề ít. Chính vì thế, người nào phải thực sự đam mê, yêu thích thì mới theo đuổi được”.

Một tuần vài lần, gà phải được tiến hành "xông hơi", "om bóp", "tắm nghệ" để tăng cường sức đề kháng.

Hiện tại, trang trại mini của Nam có khoảng 20 gà chọi thiện chiến có giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, tay chơi này còn là chủ nhân của một trại “đúc” (nơi nhân giống gà) ở Bình Định. Trong đó, một số “chiến kê” mà Nam sở hữu như: Ma tốc độ, Tía thằn lằn, gà Tôn Ngộ Không… khá nổi tiếng trong các cuộc tỉ thí nhờ lối chiến đấu sắc bén, ra đòn nhanh gọn và thông minh.

Trong mỗi dịp hội hè, lễ Tết những người yêu gà chọi như Nam lại tổ chức các cuộc đấu võ, so tài để chọn ra những “chiến kê” dũng mạnh nhất. Đây không chỉ là nơi giao lưu, gắn kết những người yêu gà chọi mà theo Nam còn là nét văn hóa độc đáo, nuôi dưỡng tinh thần thượng võ đã có từ lâu đời của dân tộc.


Sau mỗi lần tắm, gà được làm ấm bằng máy sấy để tránh bị nhiễm lạnh.

Đáng tiếc, theo chủ trang trại này, ngày nay tại một số nơi thú chơi gà chọi lại đang bị biến tướng. Một số người lợi dụng cá cược, đánh bạc với số tiền khá lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến phong trào chơi gà chọi mà còn khiến nhiều người có cái nhìn sai trái, thiếu thiện cảm với cộng đồng người chơi này.

“Trong sới chọi gà, việc thắng thua là lẽ thường tình. Những người chơi gà chọi chân chính không bao giờ đem những con gà chọi mình tâm huyết để cá cược, đánh bạc. Đơn thuần đây là sự đam mê, yêu thích và lưu truyền những giá trị truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ có những giải đấu chính quy để người chơi khắp ba miền được gặp mặt, so tài cũng như có thể hạn chế được những tiêu cực nảy sinh như thời gian vừa qua”, Nam cho hay.

Theo Hà Trang