dd/mm/yyyy

Bền bỉ đưa niềm tự hào xứ Thanh vươn ra thế giới

“Nước mắm Lê Gia gây “thương nhớ” nhờ hậu vị thanh, mùi thơm dịu và đặc biệt là chúng tôi quan tâm đến cảm xúc của khách hàng khi sử dụng sản phẩm”, đó là tâm sự của anh Lê Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Dồn lực đưa "giọt mật từ biển" đi nước ngoài

Nung nấu ý định đưa nước mắm truyền thống của cha ông đến với bạn bè thế giới để giới thiệu cái tinh túy, đậm đà bản sắc trong truyền thống ẩm thực Việt Nam đến muôn nơi, anh Lê Ngọc Anh đã nỗ lực hết mình trên con đường đầy rẫy khó khăn và chông gai ấy, để rồi đạt thành công và bù đắp được một phần mong muốn.

Hiện tại, các sản phẩm Mắm Lê Gia đang được bán tại hệ thống siêu thị: Winmart, Winmart+, Aeon, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega market… và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Đặc biệt, mắm Lê Gia đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore.

"Để đưa nước mắm truyền thống vươn gia thế giới, thì mình phải cần làm thật tốt ở Việt Nam trước. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn và hạn chế về nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm trên thị trường, Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, lúc bấy giờ đã đầu tư nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Bền bỉ đưa niềm tự hào xứ Thanh vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Lê Ngọc Anh đã đưa nước mắm truyền thống của Việt Nam đến các nước trên thế giới và xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: H.D

Tính đến 15/6/2024, Lê Gia là 1 trong 24 chủ thể (là 1 trong 42 sản phẩm) có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia và chủ thể duy nhất OCOP 5 sao của tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra công ty còn có 2 sản phẩm 4 sao (mắm tép và nước mắm Lê Gia) và 1 sản phẩm 3 sao (ruốc tôm sú Lê Gia). Trong đó có nước mắm Lê Gia đã được đề xuất nâng hạng 5 sao (UBND tỉnh Thanh Hóa QĐ số 2580 ngày 20/6/2024 chấm 98/100 điểm).

Bởi chất lượng chính là yếu tố quyết định sự thành công bền vững của sản phẩm, là tiền đề vững chắc cho phát triển thị trường sau này. Và khi sản phẩm được người tiêu dùng trong nước đón nhận, phản hồi tích cực thì phải tìm cách đưa nó đến với mâm cơm cộng đồng kiều bào Việt Nam và bạn bè trên thế thới"- anh Lê Ngọc Anh nói.

Dù đây là nghề truyền thống của gia đình, của quê hương nhưng để gìn giữ, phát huy là điều không đơn giản, lúc bắt đầu khởi nghiệp, đối với Ngọc Anh mọi thứ gần như là số không tròn trĩnh, chỉ duy nhất thứ anh có là tình yêu với nghề cha ông là mắm truyền thống.

"Nhìn lại lúc đó mới thấy mình quá liều, chỉ nghĩ thích là làm thôi. Cũng chính vì "liều" thì mới dám khởi nghiệp. Chứ nếu phân tích thị trường và chuẩn bị các bước bài bản cho khởi nghiệp với nước mắm truyền thống thì chắc là không ai dám làm" - anh Lê Ngọc Anh nhớ lại thời điểm khởi nghiệp.

"Ai khởi nghiệp thì đều phải lao tâm khổ tứ. Tôi đã chọn một lĩnh vực khó, đó là sản xuất, nông nghiệp, làm mắm truyền thống. Vì vậy, mọi nguồn lực (tâm lực, trí lực, tài lực), tâm huyết và sức khỏe của tôi đều dành cho "đứa con tinh thần" này" - anh Lê Ngọc Anh.

Theo anh Lê Ngọc Anh, lúc bấy giờ, cùng lúc phải giải rất nhiều bài toán của một doanh nghiệp khởi nghiệp vừa đầu tư sản xuất, vừa phân phối bán hàng trong một thị trường rất ít cơ hội cho người đi sau, cho nên mọi thứ đều rất khó khăn đối với anh.

Anh Ngọc Anh vẫn nhớ những ngày nằm liệt giường vì thoát vị đĩa đệm, do cường độ lao động và căng thẳng, rồi những ngày chạy đôn, chạy đáo để xoay tiền trả nợ.

Đó những ngày mùa hè đỏ lửa năm 2017 tại khu du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa. Khi ấy là khoảng thời gian anh phải mang sản phẩm mắm mới toanh đến từng mâm cơm của du khách để mời dùng thử. Nhưng tất cả đều từ chối dùng nước mắm của anh. Nhưng với quyết tâm, ròng rã 3 tháng trời, dưới nắng gắt của ngày hè, cùng những cơn gió Lào ấy, anh Ngọc Anh vẫn kiên trì và đôi khi là "mặt dày" để tìm hướng đi cho nghề truyền thống quê hương.

Để lấy được lòng tin của người tiêu dùng với nước mắm và các sản phẩm truyền của Lê Gia thì các sản phẩm đạt yêu cầu khi xuất xưởng phải có màu hổ phách, hậu vị thanh, mùi thơm dịu… sau 2 năm được chắt lọc tinh túy trong thùng gỗ, không hương liệu, không phẩm màu, không chất bảo quản. Ngoài ra, sản phẩm được thiết kế bao bì, đóng chai với nắp chai được thiết kế giúp điều chỉnh lượng rót, mang lại sự tiện lợi cho người dùng, mang thương hiệu Lê Gia.

"Mắm Lê Gia vượt qua được giai đoạn khó khăn khi khởi nghiệp hơn hết là nhờ vào sự ủng hộ của người tiêu dùng, dành cho một thương hiệu mới với các sản phẩm "Tinh Túy Từ Biển Mẹ", với mong muốn gìn giữ những giá trị truyền thống tự nhiên và nguyên bản" - anh Lê Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia cho biết.

Sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên tại xứ Thanh

Bền bỉ đưa niềm tự hào xứ Thanh vươn ra thế giới - Ảnh 2.

Để tạo ra những giọt nước mắm thì phải ngâm ủ trong 2 năm. Ảnh: H.D

Ngay từ đầu, dù khó khăn nhưng anh Lê Ngọc Anh luôn nỗ lực làm tốt nhất trong khả năng của mình, những sản phẩm mắm truyền thống được nén gài trong thùng gỗ theo các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 22000, HACCP…) hướng đến nâng cao giá trị của nước mắm truyền thống thông qua hướng đến xuất khẩu.

Từ khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh Lê Ngọc Anh đã xác định phải cố gắng chinh phục những thị trường khó tính nhất, để có thể làm tiền đề mang sản phẩm cha ông mình đi ra thế giới như Nhật Bản, là thị trường mà anh đặt mục tiêu ngay từ những ngày đầu. Phải mất hơn 2 năm, từ lúc đối tác Nhật Bản tiếp nhận mẫu, thông tin và thẩm định, khi ấy anh mới có đơn hàng đầu tiên.

Cũng theo anh Lê Ngọc Anh, thị trường ở nhiều nước trên thế giới họ yêu cầu rất khắt khe về bao bì, từ chất liệu đến nắp nút. Họ quan tâm đến tính an toàn và sự tiện lợi trong quá trình sử dụng (Ví dụ, nắp nút chai được thiết kế điều chỉnh lượng rót, hoặc lấy sản phẩm ra dễ dàng sẽ là điểm cộng Lê Gia đầu tư khuôn từ nước ngoài với chi phí rất lớn để làm ra những nắp chai thiết kế tiện lợi cho người sử dụng).

Với mong muốn cùng quê hương giàu đẹp lên, gìn giữ, nâng tầm các giá trị truyền thống và tài nguyên bản địa, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và bà con quê hương, từ đầu tháng 6/2024 Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia đã nỗ lực, bền bỉ để đưa nhà máy đi vào hoạt động. Dự án có diện tích sử dụng đất là 10.333m2 và tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà máy cũng được Lê Gia xây dựng và thiết kế theo xu hướng thân thiện với thiên nhiên, với việc tận dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, nhiều cây xanh, hệ thống xử lý không khí theo công nghệ lọc tĩnh điện, xử lý nước thải đạt chuẩn theo Việt Nam để kết hợp trong việc vừa sản xuất vừa làm du lịch.

Anh Lê Ngọc Anh cho rằng, cũng giống như việc xuất khẩu các sản phẩm mắm truyền thống, đó không chỉ là hoạt động kinh tế, thương mại thuần túy mà đó còn là xuất khẩu văn hóa ẩm thực cha ông. Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương. Thương mại chỉ là một phần của quá trình, tính giáo dục và giao thoa văn hóa mới là những công cụ quan trọng để truyền tải nét đẹp nông thôn.

Hữu Dụng