Bắt cá rô đồng mùa lúa sắp chín bằng xà di, nghề độc đáo ở miền Tây

Tấn Phát Thứ năm, ngày 28/07/2022 05:51 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, lúa ngoài đồng trổ bông điểm sắc vàng, ruộng xăm xắp nước, cá đồng có nguồn thức ăn dồi dào nên mập, đó là lúc cha tôi bắt đầu nghề đặt xà di.
Bình luận 0

Xà di là dụng cụ bắt cá được làm bằng tre dài khoảng 60 - 70cm, được bện lại thành hình tròn như cái lọp, đầu trên túm lại giống cái chóp, đầu dưới hình tròn như vành thúng được gọi là đáy, bên hông xà di ở khoảng giữa là phần cửa hang hay còn gọi là hom cho cá chui vào. 

Dụng cụ này chủ yếu dùng để bắt cá rô. Đây được xem là hình thức bắt cá rô độc đáo và xưa nhất.

Tùy vào từng khu vực đồng nước mà bà con chế tạo xà di phù hợp. Khoảng thời gian cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, nghề đặt xà di bắt cá rô phổ biến, mang lại thu nhập khá cho người nông dân vào mùa nước nổi.

Cha tôi theo nghề đặt xà di từ hồi thanh niên lúc còn ở An Giang quê nội. Khi về huyện Giồng Riềng lập nghiệp, ông vẫn giữ nghề này. Cái xà di, con cá rô là một phần cuộc đời của ông. Không có đất canh tác, nghề xà di là thu nhập chính để cha mẹ tôi lo cho con học hành.

Đầu mùa mưa, cá còn hơi ốm, chúng lên đồng sinh sản nên chưa phải lúc để đặt xà di. Đến khi nước lên, mưa nhiều hơn, lúa vào mùa gặt, làm đồng nước dồi dào thức ăn, lúc này cá mập. Khi đó, cha tôi chuẩn bị đồ để đón mùa cá rô đồng.
Thời xưa, mồi là lúa non trộn với đất bùn, nhưng về sau mồi để nhử cá rô thường là xác mắm băm nhuyễn trộn với đất, thêm vài hạt lúa rồi vo tròn lại.

Đi đặt xà di bắt cá rô đồng mùa lúa sắp chín, nghề độc đáo ở miền Tây - Ảnh 2.

Người dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đặt xà di bắt cá rô đồng.

Nhiều năm kinh nghiệm với nghề, hiểu được đặc tính loại cá nên cha tôi biết việc dùng xác mắm để làm mùi dụ cá vì đây là mùi cá rô đồng ưa nhất. 

Cha tôi có khoảng 30 xà di, nơi ông đặt xà di thường là các bờ mẫu nhiều cỏ, nhất là những cánh đồng chét, lúa gặt xong rồi bỏ hoang qua ba tháng mùa nước. Thời gian ruộng bỏ hoang, từ gốc rạ, lúa nhánh mọc trổ bông gọi là lúa chét. Nhờ có những hạt lúa chét vương vãi xuống ruộng nước mà cá rô mập hơn. 

Đến đồng lúa chét, cha tôi chọn nơi phù hợp để cắm xà di. Với dụng cụ bắt cá này, cha tôi có thể ngồi trên xuồng đỡ tốn sức lội ruộng nên khá thú vị. Thao tác của cha tôi nhanh gọn, làm trống cỏ, đặt xà di xuống đất, bỏ mồi vào và túm đầu xà di lại bằng một khoanh dây rồi mới dùng các bụi lúa chét lấp lại.

Để cá vào nhiều, cha tôi chọn nơi có nhiều cỏ mà đường nước cắt ngang, cá chạy theo đường nước vừa nhiều lại vừa được cá lớn. Đặt xà di xong, khoảng 3 - 4 tiếng, cha tôi thăm dỡ một lần. Đặt xà di chiều đến qua đêm mới dỡ thì cá còn sống, xà di thì có khi nước lớn cuốn trôi chứ không bao giờ bị lấy trộm.

Đồng lúa chét rất nhiều cá, đặt xà di xong, ngồi nghỉ mát một lúc là cha con tôi quay lại đổ cá. Với số lượng xà di cha mang theo lên đồng, chúng tôi thu khoảng 5kg cá rô đồng, lồng xà di nào cũng có cá nhảy sột soạt văng nước, bù đắp công sức tìm đồng xa nhà. Cá rô sống theo bầy nên kích cỡ bằng nhau, thi thoảng dính được vài con cá rô to, những con cá này, cha tôi không bán mà rộng lại để mẹ tôi nấu lẩu mắm cho cả nhà thưởng thức.

Nhờ mùa nước, nghề xà di của cha trúng cá, mẹ đem cá đi bán, chúng tôi đi học cũng rủng rỉnh tiền hơn mà bữa cơm gia đình cũng phong phú, ngon hơn hẳn. 

Mùa cá rô đồng, bữa cơm gia đình lúc nào cũng toàn cá. Chúng tôi không ngán cá rô bởi vì mẹ tôi khéo léo chế biến thay đổi nhiều món từ cá rô đồng. Ngon nhất phải kể đến là cá rô nấu mắm ăn kèm bún và cá rô chiên xù.

Những buổi chiều quê, bữa cơm gia đình càng ý nghĩa bởi không chỉ có thức ăn ngon mà còn ấm áp tình thân. Bữa cơm sum vầy là hạnh phúc của mỗi nhà, nuôi nấng cho những tâm hồn con trẻ được trưởng thành từ tình yêu thương của các thành viên trong gia đình. Hình ảnh đó cùng những món ăn quê mà ai đó đã lớn lên, đi xa còn nhớ hoài hương vị.

Đã trải qua bao mùa nước, con cá xuôi dòng ra sông rồi ngược dòng lên đồng và cứ thế như theo quy luật tuần hoàn. 

Chúng tôi đứa vào đại học, đứa ra trường có việc làm, thế mà cha tôi vẫn gắn bó với xà di đến tận hôm nay. Ngoài việc rong ruổi ra đồng đặt cá rô, bây giờ cha tôi còn có thu nhập thêm từ làm xà di. Mỗi khi mùa nước, khách mua xà di nhiều, tùy theo số lượng đặt, cha tôi làm để bán. 

Với cha tôi, giữ cái nghề này không chỉ vì kiếm thêm tiền mà là gìn giữ cái nghề đã mang nguồn sống cho gia đình và mang cả văn hóa sinh hoạt trong lao động ứng biến theo mùa của người miền quê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem