Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt

17/12/2021 18:09 GMT+7
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm sút nhưng bù lại các thị trường khác đều đem lại triển vọng tăng trưởng, đặc biệt Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su tăng vọt sang Hàn Quốc...

Phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc đều tăng mạnh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 37,62 nghìn tấn, trị giá 68,87 triệu USD, tăng 57,8% về lượng và tăng 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.831 USD/tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, chủng loại SVR 10 được xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc, chiếm 25,6% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021, với 9,62 nghìn tấn, trị giá 16,01 triệu USD, tăng 68,5% về lượng và tăng 109,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.665 USD/ tấn, tăng 24,5%. 

Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc đều đạt được sự tăng trưởng rất mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đáng chú ý như: SVR 20 tăng tới 2.283,4% về lượng và tăng 2.781,2% về trị giá; RSS3 tăng 149,2% về lượng và tăng 238,8% về trị giá… 

Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021 hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là cao su dạng Crếp tăng 127,3%; RSS3 tăng 36%; Latex tăng 34,7%; RSS3 tăng 31,9%; SVR 3L tăng 28,9%...

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 10 tháng năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 461,29 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 952,9 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc và nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 35,88 nghìn tấn, trị giá 68,76 triệu USD, tăng 32,3% về lượng và tăng 68,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần cao su Việt Nam chiếm 7,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 6,8% của 10 tháng năm 2020.

Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt - Ảnh 2.

Nguồn: Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc

Về chủng loại nhập khẩu: Trong 10 tháng năm 2021, Hàn Quốc nhập khẩu 290,58 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 514,84 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Malaysia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021 và nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, với 35,73 nghìn tấn, trị giá 68,35 triệu USD, tăng 33,6% về lượng và tăng 70,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 12,3%, tăng so với 10,6% của 10 tháng năm 2020.

Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt - Ảnh 3.

Nguồn: Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc

Nhập khẩu cao su tổng hợp (mã HS 4002) của Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021 đạt 148,93 nghìn tấn, trị giá 388,71 triệu USD, tăng 18,3% về lượng và tăng 33,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc và Singapore là 5 thị trường cung cấp cao su tổng hợp lớn nhất cho Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021. Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hoa Kỳ, Trung Quốc tăng, trong khi thị phần của Nhật Bản, Singapore, Cộng hòa Séc giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 0,08% trong tổng lượng cao su tổng hợp nhập khẩu của Hàn Quốc.

Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt - Ảnh 4.

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: CT

Giá cao su vẫn là ẩn số...

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 8,9% so với năm 2020, lên 14,116 triệu tấn (tăng so với mức 14,1 triệu tấn dự báo tháng trước). Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 13,787 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020 (giảm so với mức 13,86 triệu tấn dự báo tháng trước). Qua số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329 nghìn tấn.

Giá cao su ngày hôm nay 17/12 tăng mạnh đồng loạt tại các sàn châu Á. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 17/12/2021, lúc 9h00, kỳ hạn tháng 4/2022, tăng mạnh lên mức 230,1 JPY/kg, tăng mạnh 1,2 yên, tương đương 0,52%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 160 CNY, lên mức 14.565 CNY/tấn, tương đương 1,11%.

Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt - Ảnh 5.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 17/12/2021, lúc 9h00, kỳ hạn tháng 4/2022, tăng mạnh lên mức 230,1 JPY/kg, tăng mạnh 1,2 yên, tương đương 0,52%.

Bán sang Trung Quốc giảm sút, Việt Nam chớp thời cơ xuất cao su sang thị trường này tăng vọt - Ảnh 6.

Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 160 CNY, lên mức 14.565 CNY/tấn, tương đương 1,11%.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá cao su trên các thị trường lên xuống rất thất thường. Giá cao su tới đây tăng hay giảm vẫn còn là ẩn số do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu sản xuất sẽ giảm bởi biến thể virus Corona Omicron lây lan và các hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia.

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020. Khó khăn lớn nhất của ngành cao su hiện nay vẫn là tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang đến năm 2022, sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu cao su của Việt Nam và các nước.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục