Bài toán nâng chất lượng y tế cơ sở (bài 2): Không thay đổi chính sách đãi ngộ, chất lượng càng lúc càng tệ

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 24/06/2022 06:51 AM (GMT+7)
Mặc dù được Thành uỷ, UBND TP.HCM đánh giá cao nhưng xung quanh đề án đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp về trạm y tế của Sở Y tế TP.HCM vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận 0
Bài toán "nâng chất" cho y tế cơ sở: Bài 2: Trạm y tế thực sự cần gì để "nâng chất"? - Ảnh 1.

Nhân viên trạm y tế đang gồng gánh quá nhiều việc. Ảnh: B.D

Không nên đầu tư trạm y tế thành bệnh viện

Tại phiên thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV vừa diễn ra, ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thời gian chống dịch vừa qua, y tế cơ sở được đánh giá là rất quan trọng. Việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở là một nội dung quan trọng, tuy nhiên cần tránh tình trạng đầu tư trạm y tế xã thành bệnh viện huyện, tỉnh, dễ dẫn đến lãng phí.

Bày tỏ quan điểm là làm sao để phục vụ nhân dân hiệu quả nhất, ông Thức thẳng thắn: "Đầu tư y tế cơ sở đặc biệt là trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa không phải cứ đưa về trang thiết bị y tế hiện đại, mà là vừa đủ với chức năng, nhiệm vụ tại đó. Quan trọng nhất vẫn là đầu tư về mặt con người, vì nếu có cơ sở vật chất rồi mà bác sĩ không biết kết luận thì cũng như không".

Về chính sách đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về trạm y tế xã, ông Thức bày tỏ quan điểm không đồng tình.

"Một bác sĩ mới ra trường không thể có nhiều kinh nghiệm lâm sàng bằng những người đã có thâm niên. Chưa kể, trạm y tế vùng sâu vùng xa lại không có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ. Theo tôi, bác sĩ trẻ mới ra trường cần được vào các bệnh viện lớn, nơi có thầy cô, đồng nghiệp và cả những trang thiết bị hiện đại hỗ trợ. Với lĩnh vực y tế, 5 năm đầu ra trường là quãng thời gian quý giá để học tập, bồi dưỡng từ thầy cô, đồng nghiệp công tác tại các bệnh viện", ông Thức nói.

Ông Thức cũng cho rằng cần luân chuyển bác sĩ tuyến tỉnh tuyến huyện đã công tác trên 2 năm, nhiều kinh nghiệm về trạm y tế xã trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm. Cạnh đó, các bác sĩ ở trạm y tế xã phải luân chuyển lên tuyến trên để học, trao đổi, phát triển chuyên môn. Nếu cứ ở suốt trạm y tế xã thì chuyên môn có thể bị mai một.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu thực trạng: "Chúng ta mất chất xám rất nhiều khi 5-6 năm mới đào tạo được một bác sĩ, mà đa số sau khi ra trường sẽ đi làm trình dược viên, bán hàng để có lương đủ sống trước mắt nhưng sau này lụi nghề hết", bà Lan nói.

Bà Lan mong muốn chính sách đãi ngộ nhân viên y tế cần làm một cách thực tế, quyết liệt hơn, bởi nếu không sửa thì càng lúc sẽ càng tệ.

Liên quan đến tăng cường hệ thống y tế cơ sở, bà Lan đồng tình với phát biểu của Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Bà nhấn mạnh ngành y có những đặc thù đào tạo rất riêng, một khi được đào tạo y tế cộng đồng thì đừng nghĩ đến mục tiêu trở thành bác sĩ điều trị. Đừng nghĩ là phải trang bị thật nhiều máy móc để biến trạm y tế xã, phường thành đơn vị điều trị nhỏ, chuyện nào ra chuyện đó.

Theo bà Lan, để xây dựng hệ thống y tế cơ sở hiệu quả, cái cần là chính sách. "Chúng ta đang thiếu chiến lược để xây dựng hệ thống y tế cơ sở. Y tế cơ sở, nhân viên y tế cộng đồng cực kỳ quan trọng nhưng vấn đề là chúng ta đào tạo như thế nào, đặt ra đường lối, công việc, đãi ngộ ra làm sao cho hiệu quả", bà nhấn mạnh.

Nhân viên y tế bỏ việc và bài toán muôn thuở: Thu nhập

Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, chỉ trong vài tháng, TP.Thủ Đức đã có 5 nhân viên y tế cơ sở xin thôi việc và một người đang xin chuyển việc. TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã - khó quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn. Tình hình nhân lực tại các trạm càng khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Số liệu thống kê được Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 1/6/2022 cho thấy, toàn thành phố hiện có 310 trạm y tế phường, xã với 1.700 nhân viên y tế. Trung bình mỗi trạm y tế chỉ có khoảng 6 nhân sự. Với số dân hơn 10 triệu người, mỗi nhân viên y tế đang phải đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 5,9 nghìn người dân.

Trạm y tế hiện nay đang thực hiện các chức năng khám bệnh, chữa bệnh gồm: sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, chăm sóc sức khoẻ người dân mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, các y, bác sĩ của trạm y tế còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng chống dịch bệnh… và nhiều hoạt động khác. Nhiệm vụ quá nhiều nhưng nhân sự ít nên rất khó để trạm y tế có thể đảm trách chức năng quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua đã gây nhiều khó khăn áp lực đối với các trạm y tế. Nhiều trạm y tế ở những địa bàn đông dân phải căng mình để chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100.000 dân. Làm ngày, làm đêm không hết việc nhưng thu nhập không tương xứng, nhiều nhân sự tại trạm y tế đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, có nhiều lý do họ nghỉ việc, song sự khắc nghiệt từ Covid-19 chính là giọt nước tràn ly. "Dễ thấy nhất là họ bị kiệt sức sau nhiều tháng tham gia chống dịch nhưng thu nhập quá thấp, không thể trụ được với nghề", ông nói.

Kết quả nghiên cứu Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19 với 2.472 nhân viên y tế trên khắp cả nước, được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố cuối năm 2021, cho thấy lương bình quân của họ ước tính 7,36 triệu đồng. Trong khi chi phí sinh hoạt bình quân ở Hà Nội, TP.HCM là 10-11 triệu đồng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt.

"Chế độ tiền lương khu vực công hiện nay rõ ràng là không hiệu quả trong việc tạo ra một mức lương thỏa đáng và tương xứng cho nhân viên y tế, khiến họ gặp khó khăn về tài chính và cảm thấy bị đánh giá thấp, không có động lực và muốn nghỉ việc", báo cáo nêu.

Bài toán "nâng chất" cho y tế cơ sở: Bài 2: Trạm y tế thực sự cần gì để "nâng chất"? - Ảnh 3.

Nhiều việc, áp lực lớn nhưng lương của nhân viên trạm y tế chưa được hỗ trợ. Ảnh: B.D

Ngoài ra, khoảng 60% nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng đáng kể khi đại dịch diễn ra. Trong số các nhân viên y tế được khảo sát có hơn 1/3 cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm; hơn 62% cán bộ y tế không có trợ cấp trong đại dịch.

TP.HCM từ lâu đã có số lượng bác sĩ và y tá trên đầu người thấp hơn đáng kể so với các hệ thống tương đương. Tỷ lệ phân bổ chỉ đạt 2,31 người/10.000 dân - tức 20 nhân viên y tế phục vụ 10.000 bệnh nhân, trong khi mức này ở Hà Nội là 6,8 và trung bình cả nước là 7. Còn ở các nước phát triển, tỷ lệ này có thể đạt 32-62 bác sĩ.

Nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho thấy, Covid-19 đã khiến khoảng 40% số người được khảo sát gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; 70% bị lo lắng và trầm cảm; 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ...

Trong 2.472 nhân viên y tế được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề nghị đánh giá về khả năng duy trì công việc hiện tại có 3,4% cho biết "chắc chắn từ bỏ". Điều dưỡng Thanh, 40 tuổi nói "suốt đời sẽ không thể quên" những tháng ngày làm việc đến sức cùng lực kiệt tại trạm y tế thuộc quận 11, nhất là thời điểm Covid-19 hoành hành hồi tháng 7 năm ngoái. Trạm vốn ít người, song phải chịu trách nhiệm 19 chương trình mục tiêu quốc gia như: sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, tiêm chủng mở rộng, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường...

Bình thường, chị đã phải phụ trách nhiều đầu việc, làm không xuể. Khi dịch bệnh ập tới, chị cùng đồng nghiệp đi khắp phường lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, vận chuyển người bệnh, nghe điện thoại khai báo F0, tư vấn cho người bệnh, nhập hồ sơ quản lý F0, tiêm chủng vaccine... Nhưng lương của chị chỉ ở mức 6,5 triệu đồng mỗi tháng - tăng không đáng kể so với mức lúc mới ra trường.

"Cực mấy tôi cũng chịu được nhưng tôi không thể để các con mình phải sống khổ thêm", chị Thanh nói lý do xin nghỉ việc ở nơi đã gắn bó suốt 16 năm, chuyển sang một bệnh viện tư hồi tháng 3.

Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt hiện nay "rất đáng báo động". TP.HCM đang là địa bàn ảnh hưởng nhiều nhất.

"Hệ thống y tế công lập mất hàng loạt nhân viên đồng nghĩa với việc số đông người dân đã bị tước đoạt cơ hội được tiếp xúc với y bác sĩ giỏi", bà Lan nói, lý giải rằng không phải người dân nào cũng có điều kiện kinh tế để chi trả mức phí cao của bệnh viện tư. Điều này đi ngược lại mục tiêu của ngành y tế là công bằng, không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo.

Bà Lan cho biết, các bệnh viện phải tự thu, tự chi nhưng chỉ tự chủ trong việc trả lương cho nhân viên, còn về nguồn thu (giá khám chữa bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế) vẫn do Nhà nước quy định. Covid-19 xảy ra đã cắt đứt cả hai nguồn thu này nhưng các bệnh viện không dám "xé rào" vì sợ hậu quả pháp lý. Còn trạm y tế thì thu chi bao cấp, trưởng trạm không thể tự quyết định.

Bài 3: Nghịch lý dân số tăng, nhân viên trạm y tế giảm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem