Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Quy định mới về công tác cán bộ đáp ứng "hơi thở" thời cuộc (Bài cuối)

Thành An Thứ ba, ngày 18/10/2022 14:36 PM (GMT+7)
Công tác cán bộ là then chốt của công tác xây dựng Đảng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 80 góp phần các nội dung liên quan đến công tác cán bộ sát thực tiễn hơn, là cơ sở quan trọng để lựa chọn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bình luận 0

LTS: Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, công tác này tiếp tục được Đảng chú trọng đổi mới. Sinh thời Bác Hồ đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc", muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" trong công tác xây dựng Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đổi mới công tác tổ chức, cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo Dân Việt đăng tải loạt bài "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát đối với vấn đề quan trọng này.


Từ công tác tổng kết thực tiễn

Ông Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 80) thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị, kế thừa những ưu điểm của Quy định 105, sửa đổi bổ sung những điểm mới sau khi rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện công tác cán bộ trong thực tiễn.

Quy định 80 gồm 6 chương và 34 điều, quy định rõ phân cấp quản lý; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều động và biệt phái cán bộ đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Bài cuối: Quy định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ đáp ứng "hơi thở" thời cuộc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Thành An.

Trao đổi với PV Dân Việt về việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 80, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận: "Xuất phát từ công tác tổng kết thực tiễn, Quy định 80 ra đời góp phần bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ".

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Túc nhìn nhận, thời gian vừa qua cho chúng ta thấy rõ, cấp Trung ương không phải lúc nào cũng sát sao và không thể ôm xuể hết được liên quan đến công tác cán bộ.

"Trong những sai lầm, khuyết điểm vừa qua về cán bộ, đặc biệt là một số cán bộ vừa mới được đề bạt đã vi phạm bị kỷ luật, rõ ràng là do công tác quản lý cán bộ của chúng ta chưa sâu sát, một trong những lý do dẫn đến việc này là chúng ta ôm đồm quá nhiều, không có sự phân cấp phân quyền cho các địa phương", ông Nguyễn Túc nói.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, tất cả những vụ án, vụ việc sai phạm vừa qua đều cho chúng ta những bài học. Đó là hầu như những sai phạm mắc phải đầu tiên đều liên quan đến nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là những vụ án do Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đạo kiểm tra, xử lý. "Điều này cho thấy, công tác quản lý, giám sát cán bộ của chúng ta từ Trung ương đến địa phương chưa làm tốt. Một trong những việc chưa làm tốt là quan liêu, sao nhãng…", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Túc nhận định, để bổ sung những nội dung sát thực tiễn hơn liên quan đến công tác cán bộ, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để đề cao trách nhiệm hơn nữa từng cấp một.  "Tôi cho rằng đây là cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý của Trung ương đối với cán bộ để sát với thực tiễn hơn", ông Nguyễn Túc nói.

Bài cuối: Quy định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ đáp ứng "hơi thở" thời cuộc - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Thành An.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Quy định 80 được Bộ Chính trị ban hành chính là để thay thế Quy định 105 (ban hành ngày 19/12/2017). Quy định lần này được xây dựng thông qua việc tổng kết thực tiễn do đó không chỉ khắc phục được những bất cập trước đây mà còn bổ sung những nội dung đáp ứng "hơi thở" thời cuộc.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, Quy định 80 chỉ tập trung vào 3 vấn đề "phân cấp, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử", được Bộ Chính trị kế thừa những nội dung đúng và phù hợp với thực tiễn của Quy định 105, song Bộ Chính trị nói rõ hơn, cụ thể hơn và bổ sung nhiều nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn còn thiếu sót ở quy định cũ.

Một trong những điểm mới trong Quy định 80 so với Quy định 105 là bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, đó là: "Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết).

"Quan điểm của chúng ta là tăng cường phân quyền cho cấp dưới, cấp nào nắm và hiểu cán bộ nhất thì giao cho cấp đó và đã giao thì họ có quyền được bổ nhiệm, đề bạt và chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Cấp trên chỉ kiểm tra, giám sát xem có thực hiện đúng quy trình, đúng các bước tiến hành, chọn đúng người, đúng việc hay không? Còn cấp trên cứ ôm đồm, chỉ biết trên hồ sơ, không biết mặt mũi ra làm sao, nắm cán bộ không chắc thì bản chất chỉ là hình thức, không thực chất.

Ví dụ, đối với cấp tỉnh thì Trung ương chỉ nắm chắc quản lý 4 chức danh là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, còn Ủy viên Thường vụ giao cho Ban Thường vụ cấp tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm", TS Nguyễn Đức Hà phân tích rõ.

Bài cuối: Quy định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ đáp ứng "hơi thở" thời cuộc - Ảnh 3.

Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đúng người, đúng việc

Nói thêm về điểm mới nữa trong Quy định 80, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, nếu Quy định 105 trước đây chỉ nêu nhiệm vụ của Bộ Chính trị là "Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương", thì Quy định 80 mở rộng hơn, cụ thể: "Trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ".

Điểm nữa mới nữa quy định về thời gian bổ nhiệm cán bộ, điều kiện để bổ nhiệm cán bộ, Quy định lần này cũng mới hơn và được bổ sung thêm. Cụ thể, nếu như Quy định 105 đưa ra 5 bước bổ nhiệm cán bộ thì Quy định 80 tăng thêm 2 điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn "để khắc phục tiêu cực". Đó là cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.

Cùng với đó, cán bộ được bổ nhiệm phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung hai điều kiện này được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ "chín non, chín ép", "thấy đỏ mà tưởng là chín" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh... "Trước đây, có khi đầu năm đề bạt làm cấp phó nhưng đến giữa năm hoặc cuối năm đã bổ nhiệm làm cấp trưởng. Còn hiện nay theo Quy định 80 là không thực hiện được, vì ít nhất cán bộ phải giữ chức vụ cấp phó ít nhất 2 năm mới được bổ nhiệm lên chức cao hơn", ông Nguyễn Đức Hà nói và nhấn mạnh, quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, những người trong ê-kip, bổ nhiệm "nhảy cóc".

"Quy định như vậy để công tác cán bộ đi vào nề nếp, để công tác này thực sự dân chủ, khách quan, công tâm, công bằng…bởi mục tiêu cuối cùng là chọn đúng người, đúng việc, lựa chọn đúng cán bộ có phẩm chất, có uy tín, khắc phục những nhược điểm, những hạn chế trước đây", ông Nguyễn Đức Hà nói.

Đề cập tới nội dung nêu trên, PGS.TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Quy định như vậy nhằm tránh tình trạng nhân dân hay dùng từ khá buồn là "cán bộ tráng men," đi có vài tháng, một năm, rồi lại chuyển, chưa kịp có dấu ấn, chưa thực hiện được ước mơ, hoài bão, sáng kiến đã lại đi.

 "Việc quy định rõ cán bộ được bổ nhiệm phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm là hợp lý, được cán bộ, nhân dân đồng tình, ủng hộ", PGS.TS Lê Văn Cường nói.

Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, công tác cán bộ vốn là công tác rất nhạy cảm, có vai trò rất lớn. Đại hội XIII của Đảng rất coi trọng và đặc biệt nhất mạnh đến công tác cán bộ, đồng thời chỉ ra rằng Đảng và Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về cán bộ.

"Thực tế vừa qua chúng ta đã phải trải một cái giá rất đắt, mất mát quá nhiều cán bộ. Đây là mất mát lớn nhất, đau xót nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói như vậy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nói rằng, nếu như mất mát có thiệt hại về kinh tế chúng ta có thể nhanh chóng làm ra để bù đắp, nhưng mất mát về cán bộ thì để lại hệ lụy rất to lớn, phức tạp và lâu dài, việc khắc phục nó không phải là ngày một ngày hai, không phải chuyện một sớm một chiều", ông Nguyễn Đức Hà nói.

Bài cuối: Quy định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ đáp ứng "hơi thở" thời cuộc - Ảnh 4.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: Quang Vinh.

Đảng dứt khoát không buông lỏng công tác cán bộ

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 80 (tháng 9/2022), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết: Từ Đại hội XIII đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác cán bộ. Các văn bản này đã tạo sự đồng bộ trong từng khâu của công tác cán bộ, có sự kết nối chặt chẽ, liên tục với nhau.

Cụ thể, từ sau Đại hội XIII, trực tiếp liên quan đến công tác cán bộ có 8 văn bản rất quan trọng gồm: Kết luận số 08-KL/TW ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 41-QĐ/TW của Ban Chấp hành (BCH) T.Ư về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, ngày 3/11/2021; Quy định 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ của BCH T.Ư, ngày 27/12/2021; Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị về "Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng"; Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị; Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở của Bộ Chính trị; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về "Chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật".

Nhấn mạnh một số nội dung trong Quy định 80, bà Trương Thị Mai cho biết: Quy định 80 đã quy định rất rõ ràng về phân cấp quản lý cán bộ. Nội dung quản lý cán bộ được bổ sung đầy đủ hơn, bao gồm không chỉ bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, mà còn cho thôi giữ chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với cán bộ. "Đây là những vấn đề được nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn để đưa vào Quy định cho phù hợp", bà Mai nhấn mạnh và phân tích, tại Điều 6 của Quy định 80, ngoài thẩm quyền của từng cấp quản lý còn bổ sung thêm cơ chế uỷ quyền.

Bên cạnh đó, Quy định 80 còn quy định rõ hơn đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu mà tham gia lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài, làm chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc công ty cổ phần, công ty có vốn đầu tư nước ngoài… Theo bà Mai, đã có một số nơi vi phạm việc này, vì vậy đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm; tiến hành rà soát toàn bộ cán bộ đã thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu thuộc phạm vi quản lý của mình để báo cáo Ban Tổ chức Trung ương.

Về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Hiện nay đã bổ sung thêm chức danh tương đương để thuận lợi hơn trong công tác cán bộ; không chỉ góp phần cải cách thủ tục hành chính, phù hợp hơn với thực tiễn mà chức danh tương đương còn giúp tăng thêm nguồn cán bộ trong quá trình xem xét, giới thiệu để đảm bảo sự đồng bộ với công tác quy hoạch cán bộ.

Về điều kiện thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm nêu trong Quy định 80, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: Phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy định này. Nếu có trường hợp đặc biệt thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhưng không được lạm dụng, tuỳ tiện. Đặc biệt, khi thực hiện phải được sự đồng thuận của tập thể, nhân dân. Đối với cán bộ trẻ càng phải nghiêm khắc hơn, cân nhắc kỹ và làm đúng theo quy định, tránh dư luận trong nhân dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, gây mất đoàn kết nội bộ. "Đối với cán bộ bị kỷ luật, Đảng sẽ nghiêm hơn trong quá trình bổ nhiệm chức vụ cao hơn cho giai đoạn sau khi bị kỷ luật", bà Trương Thị Mai khẳng định.

Về quy trình bổ nhiệm, Quy định 105 qua thực tiễn thực hiện đã khắc phục sự áp đặt, tuỳ tiện, lạm dụng của người đứng đầu. Với Quy định 80, quy trình bổ nhiệm được bổ sung làm rõ hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, hài hoà giữa người đứng đầu, tập thể lãnh đạo và cơ quan, tổ chức. Nội dung của nguyên tắc tập trung, dân chủ được thể hiện rất rõ trong 5 bước này. "Đảng dứt khoát không buông lỏng công tác cán bộ",  Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ xong thì họ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Khắc phục tình trạng làm liều, tuỳ tiện, dùng ảnh hưởng của mình đưa người thân, người nhà, người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các vị trí lãnh đạo, quản lý không đúng quy định của Đảng, tạo dư luận không tốt, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng".

"Công tác cán bộ rất khó, nhưng cần cố gắng hết sức, trách nhiệm chung với Đảng để quy định của Đảng đi vào cuộc sống, được sự đồng lòng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân... Nơi nào có dư luận, có vấn đề phản ánh, Ban Tổ chức Trung ương sẽ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra ngay, không để kéo dài", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định.

Ông Nguyễn Túc: Tạo điều kiện cho cán bộ có năng lực được đề bạt vượt cấp

"Trong công tác cán bộ thì "có lên – có xuống", nhưng trong một thời gian dài vừa qua chúng ta "chỉ thấy có lên nhưng không thấy có xuống" và "không thấy có sự vượt cấp". Trong thực tế, chúng ta có những đồng chí phấn đấu rất tốt, có uy tín, năng lực, kinh nghiệm… có thể đề bạt vượt cấp được, song có thể nói từ thời điểm đổi mới đến nay điều này chưa được thực hiện. Việc này một phần nào đó hạn chế sức chiến đấu của cán bộ có đủ điều kiện để vươn lên. Do đó, Quy định 80 của Bộ Chính trị ra đời một phần nhằm tạo điều kiện cho những đồng chí có năng lực, uy tín, kinh nghiệm, thành tích xuất sắc… sẽ được đề bạt nhanh hơn và có những đồng chí tuy giữ chức vụ nhưng cứ bình bình và ôm ghế không có sáng kiến, không có kết quả nào đáng được ghi nhận thì có thể giải quyết cho các đồng chí đó thôi chức hoặc chuyển sang công tác khác".

ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội): Hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác cán bộ

"Việc ban hành Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử lần này sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị. Đồng thời, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm, lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy định này cũng nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản về công tác cán bộ nhưng việc tổ chức thực hiện đúng quy định mới là điều quan trọng. Quan trọng nhất là phải phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của cán bộ đảng viên cấp dưới với cấp trên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem