"Bậc thầy" trồng địa lan Đà Lạt chia sẻ "bí kíp" để ra hoa siêu đẹp

Văn Long Thứ sáu, ngày 19/10/2018 06:30 AM (GMT+7)
Đà Lạt là cùng có khí hậu rất hợp với loài hoa địa lan, cũng chính vì vậy mà những người nông dân ở đây có rất nhiều kinh nghiệm để có những cành địa lan ra hoa đẹp, đủ tiêu chuẩn chẳng khác gì hoa ngoại.
Bình luận 0

Là người đã trồng địa lan từ nhiều năm tại xứ sương mù, ông Đỗ Mạnh Thành (thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) có những kinh nghiệm quý báu để sản xuất ra những cành địa lan đẹp, phục vụ nhu cầu ngày càng cao người tiêu dùng.

img

Đóng gói hoa địa lan tại vườn của ông Thành, chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Văn Long.

Dạo quanh 1.600m2 nhà kính trồng các loại hoa địa lan của ông Thành, chúng tôi nhận thấy sự sắp xếp khoa học trong vườn. Những chậu địa lan được xếp thẳng hàng, ngăn nắp, ông Thành cho biết, điều này giúp người làm dễ dàng chăm sóc những cây hoa của mình. Những chậu hoa được đặt trên hệ thống giá đỡ bằng sắt cách mặt đất khoảng 60cm, bên dưới được lót bạt nên bên trong nhà kính rất sạch, tránh được nhiều mầm bệnh cho cây địa lan.

img

Những chậu hoa được sắp xếp ngăn nắp trên hệ thống giá đỡ bằng sắt cách mặt đất 60cm. Ảnh: Văn Long.

“Tiêu chuẩn để địa lan phát triển tốt nhất là cứ 1m2 chỉ xếp được 3 chậu địa lan, khoảng cách như vậy để cây phát triển tốt, hấp thụ đủ ánh sáng và người trồng dễ dàng nhận biết được sâu bệnh hại trên những cây hoa của mình để có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả”, ông Thành chia sẻ.

Hiện tại, toàn bộ cây trong vườn của ông đều được nhập giống từ Nhật Bản và chăm sóc rất kỹ. Với vườn của mình, cứ 3 ngày ông Thành lại tưới phân một lần, trong đó phân được pha với nước rồi tưới trực tiếp bằng vòi nên ông không phải tưới thêm nước cho những chậu lan. Việc tưới nước phân ít hay nhiều phụ thuộc vào độ ẩm của chậu hoa, nếu độ ẩm càng cao thì sẽ tưới ít lại và độ ẩm thấp sẽ tăng lượng nước để cây điều hòa tránh các bệnh về rễ.

img

Ông Thành thu hoạch những cành hoa sau một năm chăm sóc. Ảnh: Văn Long.

Theo ông Thành, nhiệt đột lý tưởng để địa lan phát triển là 25-30 độ C, tuy nhiên để xử lý sao cho nhiệt độ giữ ở mức như trên là rất khó, chỉ những nhà kính hiện đại mới đáp ứng được. Hiện tại, trong nhà kính của ông cũng có hệ thống lưới che có thể linh hoạt di chuyển giúp phần nào điều chỉnh ánh sáng giúp nhiệt dộ trong nhà kính ổn định hơn.

Phân bón ông sử dụng chủ yếu là phân đơn nhưng vẫn có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây như đạm, lân và kali. Bởi theo ông, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón không rõ nguồn gốc nên việc mua phải phân giả là rất khó nói.

img

Theo ông Thành, phân đạm, lân và kali là ba loại phân cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho địa lan ra hoa đẹp và chất lượng. Ảnh: Văn Long.

“Phân đạm là loại dinh dưỡng quan trọng nhất, có tác dụng làm cây xanh tốt, sinh trưởng chiều cao và khối lượng thân lá, hình thành mầm chồi. Tiếp đến là phân lân có tác dụng tốt cho việc ra rễ, ra hoa, cuối cùng là phân kali có tác dụng tốt cho việc làm cây cứng cáp, giúp hoa đẹp, màu sắc đậm và cánh hoa dày hơn, vì vậy việc sử dụng ba loại phân này là thiết yếu đối với cây địa lan ở vùng đất Đà Lạt”, ông Thành tiết lộ.

Khi ông Thành nhập cây về mỗi chậu hoa nhỏ chỉ có một củ (gốc), vì vậy ông phải chăm sóc chúng và thay đổi chậu thường xuyên giúp cây phát triển trong vòng 3 năm mới bắt đầu có thu.

“Với mỗi chậu, người trồng phải thu hoạch được ít nhất từ 7 – 10 cành hoa để bán thì mới có đủ chi phí chăm sóc cho chúng trong vòng 1 năm. Vì vậy tương ứng với mỗi chậu, tôi sẽ phải chăm sóc để chúng có khoảng 10 củ hoa”, ông Thành nói.

img

Một cành địa lan Doly đỏ có cánh hoa dày, màu đẹp được chăm có rất kỹ trong vườn của ông Thành. Ảnh: Văn Long.

Sau 3 năm cây có hoa bói, khi cành hoa đã lên được khoảng 15cm, ông Thành sẽ phải cắm những cây nhỏ bằng chiếc đũa, dài khoảng 80cm và buộc chúng lại với nhau. Mục đích của việc này là giúp cành hoa được thẳng, nếu cong người mua sẽ cho là chưa đạt yêu cầu.

Hoa sau khi nở sẽ được cắt bằng kéo chuyên dụng, đặc biệt, khi cắt cũng phải cầm những cành hoa đúng kỹ thuật, làm sao tách những cành hoa tránh va chạm với nhau sẽ làm hoa bị xước cánh, mất đi chất lượng.

img

Ông Thành chia sẻ cho PV biết những kinh nghiệm quý báu khi trồng địa lan. Ảnh: Văn Long.

Toàn bộ giá thể để ông Thành trồng lan là dớn và vỏ thông mua lại tại các nhà máy chế biến gỗ. Hiện tại, căn bệnh mà ông Thành cảm thấy khó phát hiện và khó chữa nhất đó là bệnh thối củ hoa. Căn bệnh này chủ yếu là do độ ẩm của chậu hoa quá cao. Nếu không phát hiện, củ sẽ bị thối dần lên phần lá và chết dần khiến cho vụ hoa bị thất thu.

Vì vậy, để phòng ngừa các loại bệnh, người làm phải khử trùng bằng nước sát khuẩn trước khi vào nhà kính, thay quần áo lao động hàng ngày và đeo ủng khi chăm sóc cây. Đặc biệt nếu du khách hoặc người khác muốn vào cũng phải tuân thủ quy tắc trên, chủ vườn phải có áo để khách thay mỗi khi vào vườn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem